Bộ Công Thương triển khai công tác ứng phó bão số 3 với phương châm “04 tại chỗ”
Chủ động các phương án ứng phó
Bão số 3 (bão Yagi) được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp. Nhằm khẩn trương triển khai công tác ứng phó bão số 3, Bộ Công Thương đã ban hành các công điện Số 6638/CĐ-BCT ngày 2/9/2024, Công điện số 6650/CĐ-BCT ngày 4/9 và Công điện số 6751/CĐ-BCT ngày 6/9/2024 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố có khả năng chịu ảnh hưởng của bão số 3; các Tập đoàn, Tổng Công ty thuộc Bộ; các chủ đập thủy điện, công trình dầu khí, công trình khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực miền núi và trung du Bắc Bộ về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024. Trong đó, yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trong ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả việc phòng ngừa, ứng phó siêu bão với tinh thần, trách nhiệm ở mức cao nhất.
Tại các công điện nêu trên, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị trong ngành không được chủ quan, lơ là, chủ động tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ, kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, đặc biệt cho các phụ tải quan trọng, đảm bảo an toàn công trình điện lực và an toàn khu vực hạ du các công trình thủy điện thuộc phạm vi quản lý, tăng cường kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị tự kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ đập và lưới điện truyền tải, phân phối đảm bảo đủ cấp điện an toan cho công tác phòng chống thiên tai và đảm bảo an toàn điện sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Cường - Chủ tịch HĐTV NSMO cho biết: Nhận định cơn bão có thể ảnh hưởng lớn đến hệ thống điện với mức gió mạnh và lượng mưa lớn trên diện rộng ở khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ, Công ty đã thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ, Công điện và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương và đã xây dựng các giải pháp, kế hoạch ứng phó trước, trong và sau bão nhằm đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định.
Để chủ động ứng phó với siêu bão có thể xảy ra, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện, NSMO đã yêu cầu A1, A3 và các phòng triệt để thực hiện nghiêm các chỉ đạo các cấp về công tác chống bão số 3 và nhanh chóng triển khai một số nhiệm vụ: Tăng cường theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai thời tiết qua các bản tin chính thức của Ban chỉ đạo QGPCTT và Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia; Rà soát công tác chuẩn bị ứng phó thiên tai như hệ thống ứng phó khẩn cấp, hệ thống SCADA, thông tin liên lạc… tăng cường trực lãnh đạo khi cơn bão xảy ra; yêu cầu các đơn vị, các phòng NSMO giám sát chặt chẽ tình hình ảnh hưởng của thiên tai tới vận hành hệ thống điện, thị trường điện, ảnh hưởng cấp điện cho phụ tải và cập nhật liên tục trên website chính thức của mình trước 7h và 15h hàng ngày; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của EVN, các công ty truyền tải điện khu vực, rà soát, đánh giá những trạm, đường dây có khả năng phải cô lập do sạt lở, ngập lụt hay sự cố…; phối hợp chặt chẽ với các công ty truyền tải, công ty điện lực để nắm bắt tình hình ảnh hưởng mưa lũ đến hệ thống điện thuộc phạm vi quản lý để nhanh chóng khôi phục nhằm đảm bảo điện cho sinh hoạt và sản cuất của nhân dân, đặc biệt các phụ tải quan trọng phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương.
Về phía Tập đoàn điện lực Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An thông tin, các đơn vị của EVN đã và đang thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống bão; EVN cũng yêu cầu kiểm tra cả các đơn vị được cấp điện quan trọng như: bệnh viện, viễn thông, các trụ sở cơ quan chính quyền tỉnh… nhằm đảm bảo công tác thông tin liên lạc được thông suốt không để ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo điều hành.
EVN cũng đã lập phương án ứng phó, hệ thống cung ứng điện và lưới điện được dự báo sẽ bị ảnh hưởng lớn do vậy cũng phải làm việc với các đơn vị bạn để khi cần thiết có thể huy động nguồn lực hỗ trợ ứng phó, xử lý. “EVN cam kết thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ, sẵn sàng đối mặt với cơn bão, tuyệt đối không chủ quan”, Chủ tịch HĐTV EVN nhấn mạnh, đồng thời cho biết, các cán bộ EVN hiện đều quán triệt việc trực 24/7, nếu có vấn đề gì khẩn cấp từ lãnh đạo đến các cán bộ phải vào cuộc ngay.
Triển khai công tác ứng phó với phương châm “04 tại chỗ”
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là EVN và NSMO đã triển khai khá nghiêm túc và có những phương án để sẵn sàng ứng phó với cơn bão số 3.
Nhận định đây cơn bão mạnh, di chuyển rất nhanh và diễn biến rất phức tạp, dự báo siêu bão sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An, Hà Tĩnh và có khả năng mạnh lên về cường độ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là EVN và NSMO nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ nhằm ứng phó hiệu quả với cơn bão.
Trước hết, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024, số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 6638/CĐ-PCTT ngày 02/9/2024, số 6650/CĐ-BCT ngày 04/9/2024 và Công điện số 6751/CĐ-BCT ngày 06/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương; chuẩn bị tốt mọi nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai xảy ra.
Bộ trưởng đề nghị EVN, Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia khẩn trương rà soát, lên kế hoạch cụ thể cho việc huy động vật tư, thiết bị, phương tiện, điều kiện, nhân lực để sẵn sàng xử lý tình huống xảy ra ở bất cứ địa bàn nào, nhất là địa bàn mà bão đổ bộ. Đồng thời, đề nghị EVN khẩn trương chỉ đạo các đơn vị điện lực các địa phương chủ động tham mưu cho cấp ủy chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo để bảo đảm an toàn cho hệ thống điện của địa phương. “Phải giữ được mối liên lạc và bảo đảm sự chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương, đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các đơn vị chức năng trên địa bàn để triển khai các công tác phòng chống bão một cách hiệu quả nhất”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia NSMO, Bộ trưởng yêu cầu phải triển khai nghiêm túc kế hoạch phòng chống bão đã được phê duyệt, đồng thời chỉ đạo các đơn vị cơ sở, nhất là 3 trung tâm A1, A2, A3, những trung tâm và đơn vị chức năng nằm ở khu vực trung tâm bão và hoàn lưu bão duy trì chế độ trực, vận hành linh hoạt, an toàn, ổn định hệ thống điện. Đặc biệt, Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc huy động tối đa nguồn lực duy trì chế độ trực ban 24/24h, bảo đảm chế độ liên lạc thông suốt với các đơn vị phát điện và đơn vị truyền tải điện để bảo đảm cung cấp điện được ổn định trong mọi tình huống, tuân thủ nghiêm quy định về điều độ hệ thống điện.
Bên cạnh đó, đề nghị NSMO và EVN, EVNNPT phải phối hợp chặt chẽ với nhau hơn nữa để sẵn sàng xử lý kịp thời, nhuần nhuyễn, hiệu quả những sự cố có thể xảy ra, nhất là sự cố về nguồn điện, sự cố truyển tải, lưu ý tại các địa phương ven biển và vùng hải đảo.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Yêu cầu toàn bộ các đơn vị tổ chức trực ban 24/24h, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ 2 lần/ngày gửi Văn phòng trường trực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó cơn bão số 3 và hoàn lưu bão. Các đơn vị trực thuộc Bộ (Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực) EVN, NSMO phối hợp chặt chẽ trong công tác ứng phó sự cố, nhất là hệ thống lưới điện truyền tải và các nguồn phát điện.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo EVN và lãnh đạo các đơn vị trực tiếp xuống các đia bàn nơi dự báo bão sẽ ảnh hưởng để kiểm tra công tác phòng chống bão. Theo đó, Tổng công ty phát điện 1,2,3 cùng các Công ty Điện lực, Tổng Công ty Truyền tải điện, Công ty Truyền tải điện 1 đã tỏa đi kiểm tra các đơn vị trong công tác chuẩn bị nguồn lực, sẵn sàng xử lý, khắc phục sự cố do mưa bão; phối hợp với NSMO để sẵn sàng các nguồn dự phòng nếu sự cố xảy ra; phối hợp cùng với các đơn vị viễn thông chuẩn bị sẵn vật tư, thiết bị đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt; thực hiện điều độ mức nước tại các hồ thủy điện… với tinh thần trách nhiệm cao nhất để đảm bảo hệ thống điện được vận hành, an toàn, lưới điện truyền tải liên tục. |