Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương
* Tình hình kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2024
Tính chung 7 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tiếp tục tăng cao |
Lãnh đạo Tổng cục Thống kê chỉ ra, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Cụ thể, trong 7 tháng, IIP ước tính tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,8%); trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2023 giảm 1,2%), đóng góp 8,2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,4% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,4%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,2% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,2%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%), làm giảm 0,9 điểm phần trăm.
Theo đó, một số ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước; đó là: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 28,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 21,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 17,3%; khai thác quặng kim loại tăng 15,0%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 13,0%; sản xuất kim loại tăng 12,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 12,5%...
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành giảm; đó là khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,4%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 2,9%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 1,8%...
Cùng với đó, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 7 tháng năm 2024 tăng cao: Thép thanh, thép góc tăng 31,4%; thép cán tăng 17,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 17,0%; phân hỗn hợp NPK tăng 14,2%; sữa bột tăng 12,3%; đường kính tăng 12,0%; linh kiện điện thoại tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: khí đốt thiên nhiên dạng khí và khí hóa lỏng LPG cùng giảm 16,9%; dầu mỏ thô khai thác giảm 7,1%; bia giảm 3,8%; điện thoại di động giảm 3,2%; alumin giảm 3,1%; sắt, thép thô giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, song song với sự phục hồi của lĩnh vực tiêu dùng và xuất khẩu, lĩnh vực sản xuất cũng được cải thiện ngày càng tích cực và rõ nét hơn. Nhờ sự ổn định của dòng vốn FDI, ngành chế biến chế tạo ngày càng tăng tốc kéo theo sự phục hồi của các ngành tiện ích đi kèm như phân phối điện, cung cấp nước và xử lý rác thải. IIP ở tháng sau, quý sau cao hơn hẳn so với các tháng, quý trước đó.