Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước
Để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước, dự thảo đề xuất 3 chính sách gồm:
Chính sách 1: Bổ sung cơ chế cho phép các địa phương sử dụng ngân sách địa phương để hỗ trợ ngân sách trung ương, hỗ trợ các địa phương khác và chi viện trợ cho các địa phương nước ngoài
Cụ thể, dự thảo bổ sung quy định cho phép "Sử dụng vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương để thực hiện hoặc tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách trung ương trên địa bàn; hỗ trợ địa phương khác để thực hiện hoặc tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất Vùng và liên Vùng". Bổ sung quy định nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương về "Chi viện trợ".
Giải pháp thực hiện là bổ sung vào khoản 9 Điều 9 Luật ngân sách nhà nước theo hướng quy định cho phép "Sử dụng vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương để thực hiện hoặc tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của ngân sách trung ương trên địa bàn; hỗ trợ địa phương khác để thực hiện hoặc tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất Vùng và liên Vùng".
Bộ Tài chính cho biết, lý do lựa chọn giải pháp này vì hiện nay, nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất liên vùng, liên tỉnh là rất lớn. Trong khi đó, một số địa phương khác trong vùng có điều kiện KT-XH khó khăn hơn, ngân sách trung ương chưa cân đối được nguồn vốn nên nhiều dự án có tính động lực, liên vùng thuộc địa giới hành chính của địa phương khác kết nối với địa phương khác nhưng chưa được bố trí/hoặc bố trí đủ nguồn vốn để triển khai thực hiện. Việc quy định cho phép ngân sách địa phương được đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của Trung ương trên địa bàn và hỗ trợ địa phương khác để thực hiện hoặc tham gia thực hiện đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng có tính chất Vùng và liên Vùng sẽ nhằm góp phần huy động nguồn lực từ ngân sách của các địa phương có năng lực về tài chính vào các dự án liên vùng để sớm hoàn thành, giúp cải thiện nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, giúp các địa phương trong vùng thúc đẩy phát triển KT-XH.
Nhưng do hiện nay chưa có quy định nên nhiều địa phương khác chưa có căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện dẫn đến làm giảm hiệu quả đầu tư dự án, công trình.
Chính sách 2: Quy định rõ nội dung chi ngân sách nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ từ cả nguồn chi đầu tư và thường xuyên.
Dự thảo bổ sung quy định chi ngân sách nhà nước (bao gồm cả nguồn chi đầu tư công, chi thường xuyên) thực hiện mua sắm, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp tài sản, trang thiết bị; chi thuê hàng hóa, dịch vụ; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng và cho phép được phân bổ từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để thực hiện quy định này.
Chính sách 3: Quy định rõ nội dung chi đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công và nội dung chi đầu tư phát triển khác
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước theo hướng:
Quy định rõ sử dụng chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương để thực hiện nhiệm vụ đầu tư và hỗ trợ vốn của Nhà nước (bao gồm cả hỗ trợ lãi suất) cho các tổ chức kinh tế.
Quy định sử dụng chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý và ủy thác cho vay qua ngân hàng chính sách; hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khác.
Quy định đối với việc việc quyết định đầu tư và chi đầu tư chương trình, dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, ngoài việc phải phù hợp với Luật Đầu tư công, thì các nhiệm vụ, dự án bố trí ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn được thực hiện theo pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan và sẽ được tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền vào cuối kỳ trung hạn.
Quy định để có căn cứ sử dụng nguồn đầu tư phát triển khác thực hiện các dự án đầu tư ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn, đồng thời phân biệt rõ chi đầu tư công theo Luật Đầu tư công và chi đầu tư phát triển khác.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian vừa qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại. Đến hết năm 2024 ước tính ngân sách vẫn còn phải cấp cho các ngân hàng thương mại khoảng 2.400 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ lãi suất.
Tuy nhiên, thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư không bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn để cấp bù cho các ngân hàng thương mại. Đồng thời, tại hồ sơ đề xuất xây dựng Luật sửa đổi Luật Đầu tư công năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất hiệu chỉnh lại khoản 6 Điều 5 về đối tượng đầu tư công theo hướng việc cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý chỉ áp dụng cho các ngân hàng chính sách, không áp dụng cho ngân hàng thương mại.
Do đó, cần bổ sung quy định hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức kinh tế.