Hội nghị Bộ trưởng năng lượng APEC lần thứ 14
Theo Vụ Chính sách thương mại Đa Biên, EMM 14 là Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng thứ 2 được tổ chức sau 08 năm gián đoạn. Với chủ đề “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng”, ưu tiên của Hội nghị EMM 14 năm nay là tăng trưởng bền vững để phát triển tự cường, thông qua đó các thành viên APEC mong muốn tiếp tục đạt được tiến bộ trong chuyển đổi năng lượng và hướng tới một khu vực APEC phát thải ít các-bon hơn. Đây cũng là ưu tiên của Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang thực thi cam kết đưa phát thải khí nhà kính về “0” vào năm 2050.
Tại phiên khai mạc, các Bộ trưởng đã lắng nghe các báo cáo của Chủ tịch SOM APEC 2024, Giám đốc Điều hành Ban Thư ký APEC, Chủ tịch Nhóm công tác Năng lượng APEC (EWG), Trung tâm Nghiên cứu năng lượng Châu Á – Thái Bình Dương (APERC), Trung tâm Năng lượng bền vững APEC (APSEC) và Chủ tịch Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC). Theo Chương trình nghị sự, các Bộ trưởng đã tập trung thảo luận 03 vấn đề năng lượng trong khu vực, cụ thể:
1. Thúc đẩy Chuyển đổi năng lượng trong khu vực APEC: Các Bộ trưởng chia sẻ thông tin về chính sách các nền kinh tế APEC đang áp dụng để đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, bao trùm và bền vững; trao đổi cách thức xử lý những tác động kinh tế - xã hội tiềm ẩn của quá trình chuyển đổi năng lượng đối với những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, đảm bảo rằng lợi ích của năng lượng sạch được phân bổ công bằng cho tất cả các tầng lớp trong xã hội.
2. Tầm quan trọng của tiếp cận năng lượng trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững: Phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, sinh khối) và hạ tầng lưới điện (vi mô và thông minh) thích ứng biến đổi khí hậu ở khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa là cách thức được nhiều Bộ trưởng tán thành nhằm tăng khả năng tiếp cận năng lượng ở các khu vực này hướng tới thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Việt Nam và nhiều thành APEC đề cao vai trò của Chính phủ trong việc tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) và những thành phần kinh tế dễ bị tổn thương khác tiệp cận năng lượng và đề xuất những biện pháp khả thi để đạt được mục tiêu này. Đồng thời, APEC cần thúc đẩy Quan hệ Đối tác Công – Tư (PPP) trong thúc đẩy phát triển và áp dụng các công nghệ năng lượng sạch, bao gồm cả cung cấp năng lượng cho khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Đóng góp cho nỗ lực chung APEC trong tiếp cận năng lượng, vào tháng 10 năm nay, Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo APEC về Thúc đẩy năng lượng sinh khối cho phát triển nông thôn và vùng sâu vùng xa tại Hà Nội.
3. Chính sách và hành động cho phát triển hy-đrô-gen tại các nền kinh tế APEC nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững: Các Bộ trưởng chia sẻ các thách thức chính mà các nền kinh tế APEC đang phải đối mặt trong việc phát triển và thực hiện chiến lược hy-đrô-gen là phát triển cơ sở hạ tầng, khung pháp lý, vốn đầu tư và công nghệ. Do vậy, tăng cường hợp tác khu vực và song phương là chìa khóa góp phần giải quyết các thách thức phức tạp hiện nay nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi suôn sẻ và hiệu quả sang các hệ thống năng lượng dựa trên hy-đrô-gen hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, các thành viên APEC cần có những chính sách và ưu đãi cụ thể để khuyến khích đầu tư và đổi mới từ khu vực tư nhân trong phát triển và triển khai hy-đrô-gen.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long chia sẻ: Về phát triển hy-đrô-gen, tháng 02 năm nay, Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc ban hành Chiến lược năng lượng hy-đrô-gen có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng xanh, sạch và bền vững. Là một thành viên tích cực của Diễn đàn APEC, Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với các thành viên APEC trong triển khai các hoạt động hợp tác, chương trình xây dựng và nâng cao năng lực về năng lượng.
Hội nghị EMM đã kết thúc thành công với việc các Bộ trưởng thông qua Tuyên bố chung và 02 Phụ lục về Hướng dẫn Chính sách APEC cho xây dựng và thực thi khuôn khổ chính sách hy-đrô-gen các-bon thấp và Sáng kiến Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETI).