Khai hội chùa Hương
Năm nay, Lễ hội chùa Hương ghi nhận nhiều điểm mới như công tác phân luồng giao thông, tăng cường số lượng xe điện đưa đón khách thăm quan, trảy hội. BTC cũng đã bố trí 10 cửa soát vé tự động… làm thay đổi diện mạo, công tác vận hành và an ninh tại quần thể di tích.
Không còn cảnh chèo kéo khách và mặc cả, hay các hình thức để ép giá khách về lễ chùa đầu năm. Lễ hội chùa Hương kéo dài tới hết tháng 3 Âm lịch. Đây là lễ hội có thời gian dài nhất mỗi dịp đầu xuân mới.
Theo ghi nhận, người dân, du khách về với lễ hội chùa Hương năm nay sẽ không đi theo trục chính từ ngã 5 Hương Sơn vào thẳng suối Yến, mà từ các bãi gửi xe, hơn 100 xe điện sẽ đưa mọi người di chuyển tới suối Yến. 10 trạm soát vé điện tử được áp dụng, chấm dứt tình trạng cò mồi, chèo kéo khách.
Chùa Hương tấp nập ngày khai hội |
Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng hơn ở tất cả các điểm thuộc khu vực tổ chức lễ hội. Dù thuyền vào hay ra, có khách hay không, quy định bắt buộc đối với người chèo đò phải mặc áo phao; đò phải được trang bị dụng cụ nổi, phao cứu sinh, giỏ đựng rác. Ban tổ chức cũng quy định chặt chẽ việc di chuyển đò thuyền theo luồng tuyến cũng như việc thực hiện văn minh, ứng xử với khách về du xuân, trảy hổi.
Theo thống kê từ Ban Tổ chức, lễ hội chùa Hương năm 2024 tính từ mùng 1 Tết tới hết ngày hôm nay, lượng du khách, phật tử đổ về chùa Khu Di tích Quốc gia đặc biệt đã đạt gần 13 vạn lượt khách. Hôm nay là ngày cao điểm nhất từ đầu vụ xuân hội với trên 4,1 vạn khách.
Lễ hội chùa Hương năm 2024 với chủ đề: An toàn, văn minh thân thiện” sẽ khai hội vào ngày mai, Mùng 6 tháng Giêng, trùng với ngày trở lại làm việc của nhiều cơ quan, đơn vị. Dự kiến, trong 2 ngày thứ 7 và chủ nhật tới, lượng khách đổ về chùa Hương sẽ có thể đạt đỉnh do đây là dịp nghỉ cuối tuần.
Lễ hội chùa Hương là một lễ hội ngày Tết lớn ở Việt Nam được tổ chức hàng năm và thu hút nhiều Phật tử từ Nam ra Bắc đến tham quan và hành hương. Lễ được diễn ra tại khu danh thắng chùa Hương (hay còn gọi là Hương Sơn) thuộc Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thủ đô Hà Nội. Nơi đây được ví như một khu phức hợp giữa tôn giáo và văn hóa bao gồm những ngôi chùa Phật giáo, những ngôi đền thờ các thần long nhãn và tín ngưỡng nông nghiệp. Trung tâm của nơi đây là chùa Hương trong động Hương Tích, hay còn được gọi với cái tên khác là chùa Trong.
Ảnh TTXVN |
Lễ hội chùa Hương diễn ra trong khoảng thời gian dài từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Khai hội chính thức bắt đầu lễ hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm, ngày mở cửa rừng của người dân. Lễ hội kéo dài trong 3 tháng, nhưng thời điểm được nhiều du khách khắp đất nước đến tham quan chính là vào những ngày từ rằm tháng Giêng đến 18 tháng Chạp âm lịch. Ngoài ra, mùng 5 cũng là một trong những ngày thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan.
Nói đến nguồn gốc chùa Hương là nói đến mối quan hệ gắn kết giữa chùa Hương với tín ngưỡng dân gian thờ bà Chúa Ba. Trong truyền thuyết, vào thế kỷ đầu tiên ở vùng đất này có công chúa Diệu Thiện - tục gọi là chúa Ba ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm tu hành 9 năm đắc đạo trở thành Phật đi cứu độ chúng sinh. Ngày đó cũng được xem là ngày Phật Đản (được xác định là ngày 19 tháng 2 âm lịch), đây cũng là thời điểm mùa xuân vừa đến, trăm hoa đua nở.
Đến tháng 3 năm 1770 (năm Canh Dần), Chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đã có chuyến tuần du cùng quân dưới trướng đến Trấn Sơn Nam. Chúa đã vào động Hương Tích để thắp hương, vãn cảnh và Chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm có đề lên trên vách đá trước cửa động Hương Tích năm chữ “Nam Thiên Đệ Nhất Động”. Đây là nơi linh địa, lại được Chúa ca ngợi nên trở thành đắc địa hơn, trở thành chỗ dựa tinh thần của nhiều người dân để mong cầu an bình và mọi điều được suôn sẻ, tốt lành.
Ngoài ra, Chúa Trịnh Sâm cũng là một trong những người góp phần đưa vị thế động Hương Tích trở thành một di tích lớn, đặt nền móng cho sự phát triển lễ hội chùa Hương về sau. Từ đó, hàng năm du khách đến tham quan lễ hội ngày một đông hơn. Nhưng cho đến năm 1896 niên hiệu Thành thái năm thứ 8, lễ hội chùa Hương mới chính thức mở hội lớn sau ngày lễ hội khai sơn của làng Yến Vỹ (mùng 6 tháng Giêng).
Không chỉ được biết đến như một lễ hội du xuân thông thường của vùng đất “linh sơn phúc đại”, mà lễ hội chùa Hương còn mang đậm nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của Bắc Bộ. Phần hội là nét giao thoa giữa văn hóa dân tộc độc đáo với vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân vốn có. Phần nghi lễ thể hiện đậm nét tín ngưỡng thờ cúng của một tổng thể tôn giáo Việt Nam (bao gồm cả Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo). Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên mà còn cảm nhận được nét đẹp đoàn kết của dân tộc giữa con người ở mọi chốn Việt Nam hội tụ.
Lễ hội chùa Hương còn tượng trưng cho sự dung hòa giữa thực và mơ, tiên và tục. Hiện thực là nền tảng, mơ được xem là uất vọng trong không khí mùa xuân tươi mát, ấm áp mà con người Việt Nam nhân ái, chất phác đã cảm nhận và trao truyền từ thuở xa xưa.
Phần lễ của lễ hội chùa Hương thể hiện niềm tin về tín ngưỡng tôn giáo chung ở Việt Nam bao gồm cả Phật tử và những du khách mang tín ngưỡng Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo.
Lễ hội chùa Hương bắt đầu khai sơn (lễ mở cửa rừng) vào ngày mùng 6 tháng Giêng. “Mở cửa rừng” mang ý nghĩa mới - mở cửa chùa - khai lễ. Trong nghi thức dâng hương sẽ có hương, nến, đèn, hoa quả, đồ chay. Khi dâng đàn, hai ni tăng sẽ mặc áo cà sa, mang đồ lễ chạy đàn đến cúng, rồi thực hiện những động tác vô cùng độc đáo. Mặt khác, ở sảnh ngoài còn thờ các vị thần mang đậm chất của đạo giáo.
Rất nhiều trò chơi, hoạt động văn hóa đặc sắc cũng được diễn ra tại nơi đây như: Chèo thuyền, hát chèo, leo núi, hát chầu văn... Ngày hội du thuyền còn mang lại một nét đẹp độc đáo của lễ hội chùa Hương bởi gợi nhớ đến cội nguồn cho người đi hội.