Mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc: Sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam
Cơ sở lý luận về mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc
C.Mác và Ph.Ăngghen khẳng định, giai cấp là một hiện tượng lịch sử và kết luận rằng, sự tồn tại của các giai cấp chỉ gắn với những giai đoạn phát triển nhất định của sản xuất và trong những điều kiện lịch sử cụ thể [9, tr.28, tr.662]. Đây là quan điểm dựa trên cơ sở quan điểm duy vật lịch sử [20, tr.202].
Dân tộc là cộng đồng xã hội - tộc người (ethnie) [20, tr.211]. ổn định bền vững, là sự kết hợp độc đáo các thể cộng đồng về lãnh thổ, ngôn ngữ, kinh tế, văn hoá, tâm lý, tính cách [6, tr.454] và có nhà nước, pháp luật thống nhất [20, tr.211]. Dân tộc được hình thành theo hai phương thức chủ yếu sau [20, tr.212]: Một là, dân tộc hình thành từ quá trình đồng hóa các bộ tộc khác nhau thành một dân tộc duy nhất, một quốc gia dân tộc độc lập. Quá trình hình thành dân tộc ở đây vừa là một quá trình thống nhất lãnh thổ, thống nhất thị trường. Đó là trường hợp hình thành dân tộc ở Tây Âu. Những dân tộc này hình thành cùng với CNTB đang chiến thắng, thủ tiêu tình trạng cát cứ phong kiến. Hai là, dân tộc hình thành từ sự thống nhất giữa các bộ tộc, không có quá trình đồng hóa. Phương thức hình thành dân tộc này ở các dân tộc Đông Âu, thời kỳ chế độ phong kiến ở đây chưa bị thủ tiêu, CNTB phát triển còn yếu.
Mối quan hệ giai cấp - dân tộc được thể hiện rất rõ theo quan đểm triết học Mác-Lênin, giai cấp đóng vai trò quan trọng đối với dân tộc. Giai cấp là nhân tố có vai trò quyết định đối với sự hình thành dân tộc, tính chất và xu hướng phát triển của dân tộc [20, tr.215].Giai cấp quyết định sự hình thành dân tộc. Từ khi xã hội có giai cấp đến nay mỗi phương thức sản xuất có một giai cấp giữ vai trò chủ đạo. Ở các xã hội có sự phân chia giai cấp sâu sắc, vai trò của giai cấp chủ đạo góp phần thống nhất lãnh thổ, tăng tính thống nhất, tính ổn định, bền vững của cộng đồng kinh tế và sự thống trị kinh tế, qua đó tạo cơ sở cho sự gắn bó chặt chẽ các yếu tố tâm lý, tính cách, lối sống và tư tưởng. Giai cấp quyết định tính chất của dân tộc. Ở mỗi dân tộc nhất định, tính chất tiến bộ cách mạng hay bảo thủ, phản động của giai cấp nào giữ địa vị thống trị trong phương thức sản xuất sẽ quyết định tính chất của dân tộc. Giai cấp cách mạng, tiến bộ sẽ thúc đẩy sự phát triển của dân tộc theo hướng tiến bộ, cách mạng. Giai cấp lỗi thời, bảo thủ, lạc hậu, phản động sẽ kìm hãm sự phát triển của chính dân tộc ấy. Giai cấp quyết định xu hướng của dân tộc. Dân tộc là cộng đồng xã hội - tộc người ổn định bền vững với những đặc trưng cơ bản của nó, song điều đó không có nghĩa là dân tộc không biến đổi. Qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, các giai cấp, nhà nước đã thay nhau đứng trên vũ đài lịch sử, nhưng dân tộc vẫn có tính ổn định của nó, không biến đổi và mất đi ngay với sự biến đổi của giai cấp. Ngoài ra, áp bức giai cấp là nguyên nhân căn bản, sâu xa của áp bức dân tộc [20, tr.215]. C.Mác và Ph.Ăngghen chỉ ra rằng, các chế độ người áp bức, bóc lột người trong lịch sử đều dẫn đến tình trạng dân tộc này đi áp bức, bóc lột dân tộc khác. Tình trạng này xuất hiện là do giai cấp thống trị về kinh tế trong một dân tộc luôn muốn củng cố địa vị kinh tế của mình thông qua bóc lột, đồng thời mở rộng sự ảnh hưởng của mình thông qua áp bức, nô dịch các dân tộc khác [23]. Sự đô hộ của các nước đế quốc đối với các nước thuộc địa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, về thực chất là sự bành trướng, áp bức bóc lột của giai cấp tư sản khi nó đã trở thành giai cấp lỗi thời về mặt lịch sử. Vì vậy, muốn xóa bỏ tình trạng giai cấp này đi áp bức giai cấp khác thì tình trạng dân tộc này đi áp bức dân tộc khác cũng mất đi. Hơn thế, giai cấp còn là nhân tố cơ bản, hàng đầu trong phong trào giải phóng dân tộc, có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc.
Cũng theo quan đểm triết học Mác-Lênin, dân tộc đóng vai trò then chốt ảnh hưởng đến giai cấp. Dân tộc là nơi diễn ra các quá trình KT-XH, cơ sở đảm bảo cho sự sinh tồn của các giai cấp. Quá trình kinh tế tạo ra đời sống vật chất để duy trì toàn bộ đời sống của các giai cấp, qua đó nó cũng quyết định đến sự phát triển của các giai cấp và dân tộc. Dân tộc là cơ sở của cuộc đấu tranh giai cấp, mọi cuộc đấu tranh giai cấp chỉ là để giải quyết vấn đề lợi ích giữa những tập đoàn người trong xã hội. Lợi ích của những tập đoàn người này gắn bó chặt chẽ với lợi ích dân tộc. Do vậy cách thức giải quyết lợi ích dân tộc sẽ quy định xu hướng giải quyết vấn đề lợi ích giữa các giai cấp. Cuộc đấu tranh giai cấp thắng lợi hay thất bại tùy thuộc vào việc lợi ích của nó có phù hợp với lợi ích của dân tộc hay không. Nói cách khác, dân tộc chính là cơ sở của các cuộc đấu tranh giai cấp. dân tộc là cái nôi của các nền văn hóa, nơi nuôi dưỡng tâm hồn, lối sống của các giai cấp. Dân tộc là một cộng đồng văn hóa, là sự đan xen, hòa quyện các giá trị biểu trưng văn hóa của mỗi cộng đồng tộc người nhất định. Vì vậy, văn hóa dân tộc có tác động đến việc hình thành tâm lý, lối sống của các giai cấp. Mỗi giai cấp, bên cạnh những nét riêng sẽ có những giá trị chung văn hóa của dân tộc. Do đó, không thể hiểu được đầy đủ về giai cấp nếu tách khỏi cộng đồng văn hóa ấy. Ngoài ra, áp bức dân tộc tác động mạnh mẽ đối với áp bức giai cấp, nó nuôi dưỡng áp bức giai cấp và làm sâu sắc thêm áp bức giai cấp. phong trào giải phóng dân tộc ảnh hưởng to lớn đến đấu tranh giai cấp.
Sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam về quan hệ giữa giai cấp – dân tộc ở Việt Nam
Mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc ở Việt Nam qua các thời kỳ dựng nước, giữ nước, giành độc lập dân tộc đã có một số quan điểm như sau:
Thứ nhất, sự nổi trội của tính dân tộc trong quan hệ với tính giai cấp.Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, đấu tranh giải phóng dân tộc luôn gắn liền với đấu tranh giai cấp, giải phóng và thực hiện lợi ích của nhân dân. Điều này đã được lịch sử Việt Nam minh chứng. Sự hòa quyện giữa đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc còn được thể hiện đậm nét trong thời kỳ chống chủ nghĩa đế quốc. Lịch sử Việt Nam chứng tỏ lợi ích giai cấp chỉ có thể được thực hiện nếu dân tộc được giải phóng, và sự nghiệp giải phóng dân tộc chỉ giành thắng lợi nếu nó hướng vào việc giải quyết lợi ích cho quần chúng nhân dân lao động [7]. Tuy nhiên, trong quan hệ giữa giai cấp và dân tộc thì tính dân tộc nổi trội hơn tính giai cấp.
Thứ hai, điểm đặc thù của việc giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc trong thời kỳ chống chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam được Nguyễn Ái Quốc xác định đó là con đường cách mạng vô sản: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” [20]. Cách mạng vô sản do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo là cuộc cách mạng khác về chất với tất cả các cuộc cách mạng trong lịch sử. Nó không nhằm thay thế giai cấp thống trị này bằng giai cấp thống trị khác; nó cũng không hướng đến việc chỉ giải quyết lợi ích cho giai cấp công nhân hay thiểu số người trong xã hội, mà nó giải phóng triệt để mọi áp bức bóc lột giữa các giai cấp, đồng thời giải phóng sự áp bức dân tộc; tạo điều kiện phát triển toàn diện con người, thực hiện lợi ích cho tất cả quần chúng nhân dân lao động. Khẳng định được điều này bởi giai cấp vô sản là giai cấp cách mạng, đại diện cho LLSX mới, giai cấp có sứ mệnh lịch sử thủ tiêu các chế độ áp bức bóc lột [12].
Trong quá trình giải quyết mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc ở Việt Nam đã vận dụng triết học Mác – Lênin kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh ở thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước đã có một số điểm nổi bật như sau:
Thứ nhất, ĐLDT gắn liền với CNXH là mục tiêu cơ bản, lâu dài của sự nghiệp CMVN từ khi giành ĐLDT trong cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa thực dân cuối thế kỷ XIX đến nay [20, tr.222]. Sau khi giải phóng dân tộc bằng con đường cách mạng vô sản, Nguyễn Ái Quốc tiếp tục khẳng định: “Chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ” [20]. Thực tế, những cuộc cách mạng trước kia, chỉ đem lại lợi ích thật sự cho một giai cấp thiểu số. Sau khi cách mạng thành công, giai cấp lãnh đạo lại nhanh chóng thể hiện sự thống trị của mình đối với toàn xã hội. Đó không phải là cuộc cách mạng giải phóng thực sự cho toàn thể nhân dân [17]. Do vậy, xã hội giải phóng thực sự giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động, chỉ có thể là CNXH, CNCS. Có thể khẳng định, quan điểm của Hồ Chí Minh về con đường cách mạng vô sản, về xây dựng CNXH, CNCS là sự kế thừa và sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện lịch sử cụ thể của Việt Nam [30]. Chính điều này là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp CMVN, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định, CMVN là cuộc cách mạng gắn ĐLDT với CNXH [3]. Đây là định hướng cơ bản cũng là nét đặc thù nhằm giải quyết mối quan hệ giai cấp và dân tộc ở Việt Nam thời kỳ giành ĐLDT và xây dựng đất nước. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con đường CMVN có hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng XHCN. Ở giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ thì ĐLDT là mục tiêu trực tiếp, trước mắt, cấp bách. Giai đoạn cách mạng XHCN nhằm xây dựng CNXH [3]. Mục tiêu ĐLDT, giành độc lập để đi tới xã hội cộng sản; ĐLDT phải gắn liền với CNXH. ĐLDT là mục tiêu cốt yếu, trực tiếp của cách mạng dân tộc dân chủ, là mục tiêu trước hết của quá trình CMVN do Đảng Cộng sản lãnh đạo, đồng thời là điều kiện hàng đầu, quyết định để cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chuyển sang giai đoạn kế tiếp cách mạng XHCN [3]. Do vậy, cách mạng dân tộc dân chủ càng triệt để thì những điều kiện tiến lên CNXH càng được kiến tạo đầy đủ [18]. CNXH là con đường củng cố vững chắc ĐLDT, giải phóng dân tộc một cách hoàn toàn triệt để. CNXH, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, là một xã hội tốt đẹp, xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột bất công. Đó là một xã hội có kỷ cương, đạo đức, văn minh, do nhân dân lao động làm chủ, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc [20, tr.224]. Như vậy, ĐLDT gắn liền với CNXH thể hiện mối quan hệ giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu cuối cùng; mối quan hệ giữa hai giai đoạn của một quá trình cách mạng. Thực tiễn lịch sử cho thấy, thực hiện mục tiêu trước mắt là điều kiện tiên quyết để đi tới mục tiêu cuối cùng và chỉ thực hiện được mục tiêu cuối cùng thì mục tiêu trước mắt mới củng cố vững chắc một cách hoàn toàn, triệt để [37]. Giữa hai giai đoạn cách mạng không có bức tường ngăn cách, cách mạng dân tộc dân chủ xác lập cơ sở, tiền đề cho cách mạng XHCN, cách mạng XHCN khẳng định và bảo vệ vững chắc nền ĐLDT. Do vậy, ĐLDT gắn liền với CNXH là lôgic khách quan tất yếu của tiến trình cách mạng [13]. Có thể nói, gắn ĐLDT với CNXH là nét đặc thù nhằm giải quyết mối quan hệ giai cấp và dân tộc ở Việt Nam thời kỳ giành ĐLDT và xây dựng đất nước [8]. Bởi lẽ, khi cách mạng dân tộc giành được thắng lợi, chúng ta đứng trước sự lựa chọn giữa hai con đường: tư bản chủ nghĩa hay XHCN. Đi theo con đường tư bản chủ nghĩa là trao quyền lực nhà nước cho một lực lượng thiểu số (giai cấp tư sản), tiếp tục duy trì chế độ xã hội áp bức, bóc lột của họ đối với đại đa số nhân dân lao động (cơ bản là giai cấp công nhân và nông dân); là phản bội lại giai cấp công nhân và nông dân, lực lượng chủ lực của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ; trái với xu hướng “cách mạng không ngừng”, xu hướng tất yếu của thời đại [23]. Thực tiễn trên thế giới cho thấy, nhiều nước sau khi giành được độc lập đưa đất nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa đang rơi vào tình trạng nghèo đói, khó khăn, chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, phe phái. Sự nghèo đói, chậm phát triển làm cho các nước đó không thể có độc lập thật sự [31]. Do vậy, sự lựa chọn con đường xây dựng CNXH với mục tiêu gắn ĐLDT với CNXH không chỉ là nét đặc thù mà còn là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời đại mới [22].
Thứ hai, thực hiện liên minh giai cấp, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng để xây dựng CNXH. Liên minh giai cấp có tầm quan trọng đặc biệt trong cách mạng XHCN, là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân trong giành, giữ chính quyền; trong cải tạo xã hội cũ xây dựng xã hội mới [3]. V.I.Lênin khẳng định rằng, liên minh công - nông - trí thức là nguyên tắc tối cao của chuyên chính vô sản [27]. Bởi vì, liên minh là điều kiện căn bản để giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản đối với toàn xã hội; là cơ sở chính trị xã hội vững chắc của nhà nước XHCN; là lực lượng bảo đảm thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN [20, tr.225]. Trong suốt quá trình lãnh đạo CMVN, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn thực hiện nhất quán, kiên trì đường lối đại đoàn kết dân tộc, tập hợp được mọi lực lượng của toàn dân tộc thành một khối thống nhất, đấu tranh cho mục tiêu ĐLDT và CNXH. Nền tảng, hạt nhân của khối đại đoàn kết dân tộc là liên minh giữa các giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo [1]. Liên minh công - nông - trí thức là thành tố cơ bản, chủ yếu nhất để tạo thành cái cốt lõi, linh hồn của khối đại đoàn kết dân tộc. Trên cơ sở khối liên minh, các giai cấp, tầng lớp được phát triển và củng cố, góp phần làm cho khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng mở rộng và phát triển vững chắc. Đảng ta xác định: “Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng là đường lối, chiến lược của CMVN, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định đảm bảo thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[16].Trong những năm qua, liên minh giai cấp ở Việt Nam được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, tư tưởng và đang tạo ra những chuyển biến sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng CNXH, được thể hiện ở ba khía cạnh:
Một là, sự liên minh trên lĩnh vực chính trị giữa các giai cấp, tầng lớp thể hiện trước hết ở việc thiết lập Nhà nước dân chủ kiểu mới, đó là Nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân.
Hai là, sự liên minh trên lĩnh vực kinh tế giữa các giai cấp, tầng lớp được thực hiện chủ yếu trong giai đoạn xây dựng đất nước đi lên CNXH.
Ba là, nội dung văn hóa - xã hội của liên minh công - nông - trí thức, trong thực tế là sự đoàn kết, hợp lực…của công nhân, nông dân, trí thức để xây dựng nền văn hóa mới, con người mới và xã hội văn minh…
Thứ ba, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích giai cấp với lợi ích dân tộc và lợi ích quốc tế trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia lên trên hết [23, tr.228]. Trong Văn kiện Đại hội XII, Đảng ta nhấn mạnh “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc” [16], luôn luôn coi lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng. Đây là sự khẳng định mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất, có ý nghĩa định hướng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Quá trình hội nhập quốc tế phải lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm xuất phát điểm, làm mục tiêu, đích hướng tới để lãnh đạo, chỉ đạo trong việc giải quyết các lợi ích khác. Trong hội nhập và mở rộng quan hệ quốc tế, không bao giờ được xem nhẹ lợi ích của quốc gia - dân tộc, tránh những tư tưởng, hành động làm tổn hại đến lợi ích quốc gia. Mặc dù coi trọng lợi ích quốc gia, nhưng Việt Nam cũng kiên quyết chống chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và chống chủ nghĩa cường quyền, áp đặt cho các dân tộc cái trật tự thế giới phục vụ cho lợi ích ích kỷ của một nước hay một nhóm nước có ưu thế về kinh tế và quân sự.
Giai cấp và dân tộc có mối quan hệ mật thiết với nhau, song đó là những phạm trù chỉ các quan hệ xã hội khác nhau, có vai trò lịch sử khác nhau và không thể thay thế được nhau. Giai cấp và dân tộc sinh ra và mất đi không đồng thời. Vấn đề giai cấp và dân tộc là một nội dung có ý nghĩa chiến lược của chủ nghĩa Mác Lênin và của cách mạng XHCN, đây là vấn đề thực tiễn nóng bỏng đòi hỏi phải được giải quết một cách đúng đắn và thận trọng. Toàn thể dân tộc Việt Nam có chung lợi ích, mục tiêu, tập hợp dưới một ngọn cờ duy nhất do giai cấp công nhân lãnh đạo thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến nay, thực tiễn CMVN cho thấy Đảng ta đã ngày càng cụ thể hoá và hoàn thiện đường lối đổi mới toàn diện, mà thực chất là nhận thức đúng đắn và sâu sắc hơn về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp đúng đắn vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp trong công cuộc xây đựng CNXH tại Việt Nam.Văn kiện của Đảng ta tại Đại hội lần thứ IX xác định rõ: “mối quan hệ giữa các giai cấp, các tầng lớp xã hội là quan hệ hợp tác và đấu tranh trong nội bộ nhân dân, đoàn kết và hợp tác lâu dài trong sự nghiệp xây đựng và bảo vệ Tổ quốc được sự lãnh đạo của Đảng. Lợi ích giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích toàn dân tộc trong mục tiêu chung là: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” [15].Nhìn lại lịch sử dân tộc ta trong thế kỷ XX, một thế kỷ vận động và phát triển mau lẹ và phức tạp của tình hình quốc tế, chúng ta càng thấy sự đúng đắn, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và giai cấp. Cùng với đó là mở rộng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh của cả dân tộc. Muốn tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới tiến lên, giành những thành tựu to lớn hơn, cần thực hiện tốt hơn nữa việc mở rộng, phát huy dân chủ, động viên tối đa sức mạnh của toàn thể dân tộc. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam khi vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc ở Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-ix/nghi-quyet-so-23-nqtw-ngay-1232003-hoi-nghi-lan-thu-bay-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-ix-ve-phat-huy-suc-manh-dai-656. Truy cập ngày 16/01/2022.
2. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội – sự vận động tất yếu của lịch sử Việt Nam, https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/doc-lap-dan-toc-gan-lien-voi-chu-nghia-xa-hoi--su-van-dong-tat-yeu-cua-lich-su-viet-nam-73636.html. Truy cập ngày 17/01/2022.
3. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/doc-lap-dan-toc-gan-lien-voi-chu-nghia-xa-hoi-la-quan-diem-nhat-quan-xuyen-suot-cua-cach-mang-viet-nam.html Truy cập ngày 12/01/2022.
4. Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (2012), Đền Kinh Dương Vương - nơi thờ vị vua đầu tiên của đất nước, https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/den-kinh-duong-vuong--noi-tho-vi-vua-dau-tien-cua-dat-nuoc-115099.html. Truy cập ngày 18/01/2022.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007), Giáo trình Triết học (Dùng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh không thuộc chuyên ngành Triết học), Nxb. Lý luận chính trị.
6. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2008), Giáo trình Triết học (Dùng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh không thuộc chuyên ngành Triết học), Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.
7. Bộ giáo dục và Đào tạo (2017), Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
8. Bùi Quảng Bạ, Trần Thị Thúy Hà (2021), Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/doc-lap-dan-toc-gan-lien-voi-chu-nghia-xa-hoi-la-quan-diem-nhat-quan-xuyen-suot-cua-cach-mang-viet-nam.html. Truy cập ngày 15/01/2022.
9. C. Mác và Ph. Ăng-ghen (1995): Toàn tập, Tập3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.28, tr.662; https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/c-mac/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong/ly-luan-cua-c-mac-ve-dau-tranh-giai-cap-va-y-nghia-cua-no-o-viet-nam-hien-nay-3178. Truy cập ngày 11/01/2022.
10. C.Mác và Ph.Ăngghen (2002): Toàn tập, Tập.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.623-624, 624.
11. Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị Khu vực III (2021), Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về quan hệ lợi ích giai cấp và lợi ích dân tộc trong cách mạng dân tộc dân chủ, https://hcma3.hcma.vn/tintuc/Pages/tin-tuc-su-kien.aspx?ItemId=49890&CateID=0. Truy cập ngày 17/01/2022.
12. Cổng thông tin điện tử Học viện Chính trị Khu vực III (2021), Khát vọng cứu nước của Hồ Chí Minh, https://hcma4.hcma.vn/tintuc/Pages/tin-tuc-su-kien.aspx?ItemID=11491&CateID=342.Truy cập ngày 17/01/2022.
13. Cổng Thông tin điện tử tình Quảng Bình (2019), Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, https://www.quangbinh.gov.vn/3cms/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-doc-lap-dan-toc-gan-lien-voi-chu-nghia-xa-hoi*-41392589.htm?cv=1. Truy cập ngày 14/01/2022.
14. Đại học Luật Hà Nội (2009), Giáo trình Lý luận Nhà nước và Pháp luật, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội.
15. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
16. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội,
17. Đặng Quang Định (2019), “Đấu tranh chống lại quan điểm bác bỏ, phủ nhận sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản”, Tạp chí Lý luận Chính trị, số 7, https://hcma4.hcma.vn/nghien-cuu-khoa-hoc/Pages/bao-ve-nen-tang-tu-tuong.aspx?CateID=379&ItemID=11329. Truy cập ngày 17/01/2022.
18. Đào Việt Dũng (2021), Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, https://tuyenquang.dcs.vn/DetailView/24668/22/Tu-tuong-Ho-Chi-Minh-ve-doc-lap-dan-toc-gan-lien-voi-chu-nghia-xa-hoi.html Truy cập ngày 13/01/2022.
19. Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, (2000), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
20. Học viên chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Triết học Mác-Lênin (Dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị), Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội.
21. Lê Hữu Nghĩa (2021), “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, http://tapchiqptd.vn/vi/quan-triet-thuc-hien-nghi-quyet/kien-dinh-muc-tieu-doc-lap-dan-toc-va-chu-nghia-xa-hoi-trong-tinh-hinh-moi/17129.html. Truy cập ngày 18/01/2022.
22. Lê Quang Mạnh (2021), “Kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế”, Báo điện tử Đang Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/kien-dinh-van-dung-sang-tao-chu-nghia-mac-lenin-tu-tuong-ho-chi-minh-trong-dieu-kien-toan-cau-hoa-hoi-nhap-quoc-te-581096.html. Truy cập ngày 17/01/2022.
23. Lê Thị Thanh Hà (2018), “Lý luận của C. Mác về đấu tranh giai cấp và ý nghĩa của nó ở Việt Nam hiện nay”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/c-mac/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong/ly-luan-cua-c-mac-ve-dau-tranh-giai-cap-va-y-nghia-cua-no-o-viet-nam-hien-nay-3178. Truy cập ngày 17/01/2022.
24. Lưu Ngọc Khải (2021), “Bàn luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay - Khoa học và niềm tin”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/823613/ban-luan-ve-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-hien-nay---khoa-hoc-va-niem-tin.aspx. Truy cập ngày 11/01/2022.
25. Ngô Thị Phượng (2007), Đội ngũ trí thức khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
26. Nguyên Hải, “Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam - Bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam”, Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng, http://www.bqp.vn/wps/portal/!ut/p/b1/vZTbjqowFIafZR7A0IKcLsFyhqJYQLwxHpCTCgo. Truy cập ngày 13/01/2022.
27. Nguyễn Thị Tuyết, Hà Sơn Thái (2019), “Chủ nghĩa Mác - Lênin về liên minh giai cấp, tầng lớp trong cách mạng XHCN - giá trị và những nội dung cần bổ sung, phát triển”. Trang Thông tin điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, http://mattran.org.vn/hoi-dong-tu-van/chu-nghia-mac-lenin-ve-lien-minh-giai-cap-tang-lop-trong-cach-mang-xhcn-gia-tri-va-nhung-noi-dung-can-bo-sung-phat-trien-20984.html. . Truy cập ngày 16/01/2022.
28. Nguyễn Thủy - Hồ Thủy (2020), “Văn hóa Việt Nam và những giá trị văn hóa Việt Nam”, Khoa học xã hội và Nhân văn Nghệ An, http://khxhnvnghean.gov.vn/?x=3967/nghien-cuu-khxhnv/van-hoa-viet-nam-va-nhung-gia-tri-van-hoa-viet-nam. Truy cập ngày 18/01/2022.
29. Nguyễn Viết Thảo (2021), Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, https://snv.bacgiang.gov.vn/chi-tiet-tin-tuc/-/asset_publisher/aRIn3er4plGA/content/van-dung-va-phat-trien-sang-tao-chu-nghia-mac-lenin-tu-tuong-ho-chi-minh-truoc-yeu-cau-nhiem-vu-moi. Truy cập ngày 17/01/2022.
30. Nguyễn Viết Thông (2020), “Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của V.I.Lênin về liên minh giai cấp, tầng lớp”, Trang Thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/dang-cong-san-viet-nam-van-dung-sang-tao-va-phat-trien-tu-tuong-cua-vilenin-ve-lien-minh-giai-cap-tang-lop.html. Truy cập ngày 17/01/2022.
31. Nguyễn Võ Cường (2021), “Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội – Sự lựa chọn phù hợp xu thế phát triển của thời đại, khát vọng thiêng liêng của dân tộc Việt Nam”, Trang Thông tin điện tử Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh, https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/doc-lap-dan-toc-gan-lien-voi-chu-nghia-xa-hoi-%E2%80%93-su-lua-chon-phu-hop-xu-the-phat-trien-cua-thoi-dai-1491878626. Truy cập ngày 14/01/2022.
32. Nhân Dân (2005), Truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/Truyền-thống-dựng-nước-và-giữ-nước-của-dân-tộc-Việt-Nam-522072. Truy cập ngày 18/01/2022.
33. Phạm Thị Hoàng Hà, Nguyễn Thị Thu Huyền (2020), “Tư tưởng V.I.Lênin về quan hệ giai cấp - dân tộc và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam”, Tạp chí Lý luận chính trị, (4), http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/3164-tu-tuong-vilenin-ve-quan-he-giai-cap-dan-toc-va-su-van-dung-cua-dang-cong-san-viet-nam.html. Tuy cập ngày 17/01/2022.
35. Tạp Chí Cộng sản (2008), Nghị quyết số 27/NQTW https://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Tri-thuc-viet-nam/2011/11981/Nghi-quyet-so-27NQTW-ngay-682008-Hoi-nghi-lan-thu-bay-Ban.aspx. Truy cập ngày 12/01/2022.
36. Thúy Minh (2021), “Đối ngoại Việt Nam năm 2020: Tự tin vững bước trên con đường phát triển”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/821527/doi-ngoai-viet-nam-nam-2020--tu-tin-vung-buoc-tren-con-duong-phat-trien.aspx. Truy cập ngày 16/01/2022.
37. Triệu Quang Minh (2018), Quan hệ giai cấp trong lịch sử Việt Nam: Sách chuyên khảo, Nxb. Lý luận Chính trị, Hà Nội.
38. Trịnh Thị Hồng Hạnh, Nguyễn Thành Long (2021), Nhận thức về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ Đại hội II của Đảng đến công cuộc đổi mới đất nước - Giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn”, Tạp chí Cộng sản, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/821887/nhan-thuc-ve-doc-lap-dan-toc-va-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam-tu-dai-hoi-ii-cua-dang-den-cong-cuoc-doi-moi-dat-nuoc---gia-tri-ly-luan-va-y-nghia-thuc-tien.aspx. Truy cập ngày 17/01/2022.
39. Trương Minh Dục (2016), “Quan hệ tộc người ở Việt Nam và một số giải pháp xây dựng quan hệ tộc người tốt đẹp”, Tạp chí Lý luận chính trị, (7). http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/nguyen-cuu-ly-luan/item/1877-quan-he-toc-nguoi-o-viet-nam-va-mot-so-giai-phap-xay-dung-quan-he-toc-nguoi-tot-dep.html. Truy cập ngày 16/01/2022.
40. V.I.Lênin Toàn tập (1977), Nxb.Tiến bộ, Matxcơva.
41. VOER, Cơ cấu xã hội giai cấp và liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, https://voer.edu.vn/m/co-cau-xa-hoi-giai-cap-va-lien-minh-giua-cong-nhan-voi-nong-dan-va-tri-thuc-trong-qua-trinh-xay-dung-chu-nghia-xa-hoi/80a39130. Truy cập ngày 11/01/2022.