Ninh Bình: Kiểm tra 128 vụ việc, thu phạt trên 3.8 tỷ đồng trong đợt cao điểm giáp Tết
Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường tại Kế hoạch số 09/KH-TCQLTT ngày 08/11/2023 cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã xây dựng Kế hoạch yêu cầu các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong đó, tập trung vào các nhóm hàng có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp cuối năm như: sữa chế biến, bánh kẹo, hoa quả, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, động vật và sản phẩm chế biến từ động vật, pháo nổ, pháo hoa các loại...
Tính từ đầu đợt cao điểm triển khai thực hiện Kế hoạch đến nay (từ ngày 15/11/2023 đến 07/02/2024), lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an trong đó có phòng An ninh Kinh tế, phòng Cảnh sát kinh tế và Công an các huyện/thành phố đã tổ chức kiểm tra 128 vụ, xử lý 107 vụ, phạt tiền 1.815.750.000 đồng (tăng 161.76% so với cùng kỳ năm 2023), trị giá hàng hoá tịch thu 2.069.391.000 đồng, trị giá hàng hoá buộc tiêu huỷ trong kỳ 193.360.000 đồng.
Trong đợt kiểm tra cao điểm, có nhiều vụ việc vi phạm có quy mô lớn, phức tạp được phát hiện và xử lý, điển hình như: Vụ việc khám phương tiện vận tải và khám kho hàng của ông Trần Nhật Tùng (địa chỉ: Phố Phúc Chỉnh 2, phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) đã phát hiện đối tượng đang kinh doanh 65 bình khí N2O (khí cười) không rõ nguồn gốc xuất xứ, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt ông Trần Nhật Tùng tổng số tiền là 82.000.000 đồng, đồng thời tịch thu 21kg bóng bay không rõ nguồn gốc, xuất xứ và buộc tiêu hủy 65 bình chứa khí N2O đã có các hành vi vi phạm hành chính: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký theo quy định; Kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp mà không có Giấy phép kinh doanh hóa chất hạn chế kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Vụ việc kiểm tra cơ sở kinh doanh Vũ Thị Yến Mai (địa chỉ tại phố Mỹ Lộ, thị trấn Thiên Tôn, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), đoàn kiểm tra đã phát hiện cơ sở đang kinh doanh nước hoa giả mạo các nhãn hiệu đang được bảo hộ như: BVLGARI, CHANEL, DIOR,…; kinh doanh nước hoa nhập lậu và kinh doanh hàng hoá nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu (giày thể thao đã qua sử dụng). Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở trên với tổng số tiền 188.500.000 đồng, tịch thu toàn bộ hàng hoá giả mạo nhãn hiệu và nhập lậu có trị giá 220.400.000 đồng, đồng thời đình chỉ một phần hoạt động kinh doanh hàng hóa kinh doanh mỹ phẩm trong 02 tháng đối với hộ kinh doanh Vũ Thị Yến Mai. Vụ việc kiểm tra Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Cẩm Vân (địa chỉ: số 108, đường Đông Phương Hồng, phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở đang kinh doanh quần áo nhập lậu và không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hộ kinh doanh Nguyễn Thị Cẩm Vân tổng số tiền phạt hành chính là 27.500.000 đồng, trị giá hàng hoá tịch thu là 80.250.000 đồng đối với các hành vi nói trên.
Song song với hoạt động kiểm tra, kiểm soát, Cục Quản lý thị trưởng tỉnh Ninh Bình đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn trong đợt cao điểm dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng; thông báo đường dây nóng để nhân dân phát giác các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông kịp thời đưa tin về hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của Cục, các vụ việc điển hình nhằm khuyến cáo và cảnh báo người tiêu dùng trong mua bán và sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
Đặc biệt thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh Ninh Bình, Tổng cục Quản lý thị trường về việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã quyết liệt chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong hoạt động xăng dầu. Tổ chức cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn ký cam kết không đầu cơ găm hàng, hạn chế lượng xăng dầu xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán, không ngừng bán hàng khi không có lý do chính đáng và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Phối hợp với Sở Công Thương trong hoạt động kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh xăng dầu; Phối hợp với cơ quan Thuế kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm pháp luật về hoá đơn điện tử theo từng lần bán hàng của đơn vị kinh doanh xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật.
Để đảm bảo ổn định tình hình thị trường trong và sau Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, phân công công chức thường trực tiếp nhận thông tin phản ánh về thị trường qua đường dây nóng, triển khai kiểm tra, kiểm soát thị trường và phối hợp với các lực lượng chức năng, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp
Cục QLTT tỉnh Ninh Bình