Sa Pa ra mắt sản phẩm du lịch văn hóa mới thu hút du khách
“Điểm hẹn” và “Vũ điệu dưới trăng” được trích từ kịch bản “Thì thầm sương mây” do chính đồng bào dân tộc thiểu số tại Sa Pa thực hiện với sự phối hợp của các diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp; nhằm góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo việc làm, thu nhập cho cộng đồng; mang lại cho du khách những trải nghiệm mới, lạ, hấp dẫn.
Nơi gặp gỡ, giao duyên của cộng đồng các dân tộc thiểu số
Theo đó, “Điểm hẹn” là nơi gặp gỡ, giao duyên của cộng đồng các dân tộc thiểu số, điển hình là người Mông, người Dao Đỏ tại Sa Pa. Trước đây người dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống rải rác trên núi cao, đường giao thông đi lại khó khăn; chợ phiên tổ chức mỗi tuần một lần vào ngày chủ nhật, vì vậy người dân thường hẹn nhau đi trước từ ngày thứ Bảy để kịp thời gian chuẩn bị cho việc họp chợ vào sáng sớm hôm sau. Việc gặp gỡ vào tối thứ Bảy hằng tuần được diễn ra rất tự nhiên của cộng đồng, trở thành một nếp sinh hoạt văn hóa độc đáo, sinh động. Họ gặp nhau để chia sẻ vui, buồn, ngỏ lời yêu thương, rồi cùng nhau nhảy múa, hát ca…”Điểm hẹn” còn là nơi dệt nên tình yêu đôi lứa, nơi để thổ lộ, sẻ chia chân thành của người già, người trẻ… nỗi buồn vơi đi, niềm vui, hạnh phúc được nhân lên, trở thành sức sống diệu kỳ nơi sương mây.
Nhưng nét đẹp văn hóa truyền thống đó đang đứng trước nguy cơ mai một rất cao, cần được bảo tồn. Vì vậy “ Điểm hẹn” sẽ tái hiện chân thực một số nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo đó, theo hình thức diễn như không diễn; với mong muốn đưa quý du khách, đại biểu đến với một không gian văn hóa vừa thanh bình vừa lãng mạn. Trong bầu không khí mát lành thơ mộng sẽ là những sắc màu thổ cẩm ẩn hiện trong mây, réo rắt kèn lá, đàn môi như tiếng nhạc rừng du dương bắt nhịp với những lời giao duyên mộc mạc “Gầu Plềnh” của người Mông, “Páo dung” của người Dao… "Điểm hẹn” năm xưa trở lại hòa cùng “ điểm hẹn” hôm nay thì thầm, thì thầm... trong sương mây của đất trời Sa Pa!
Vũ điệu kết tinh từ nhịp sống mãnh liệt của cộng đồng các dân tộc tại Sa Pa
“Vũ điệu dưới trăng” là những vũ điệu được kết tinh từ nhịp sống mãnh liệt của cộng đồng các dân tộc tại Sa Pa xuất phát từ đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tập quán, lễ hội, lao động, sản xuất, tri thức dân gian vừa đặc sắc vừa phong phú, tạo nên sức mạnh nội sinh, gắn kết cộng đồng, xây dựng quê hương.
Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam |
Những tiếng kèn lá, đàn môi, chuông rung nhè nhẹ đáp lời những tiếng khèn, tiếng sáo trầm trầm, bổng bổng (thì thầm)… Sắc màu thổ cẩm quyện hòa với âm hưởng của núi rừng thay cho lời ngỏ: “Rừng rộng chiêu nhiều thú – Nhà rộng chiêu nhiều khách”… Các vũ điệu là những lát cắt nho nhỏ khắc họa một vài nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc nơi đây sẽ được nâng tầm bởi không gian âm nhạc truyền thống kết hợp với nghệ thuật sắp đặt sân khấu, ánh sáng…
- Sự huyền bí trong điệu múa “Vạn Phù” của Thầy Cúng; Vẻ đẹp tâm hồn và vẻ đẹp độc đáo về trang phục cô dâu; Tinh thần lạc quan trong cuộc sống được thể hiện sinh động qua điệu múa và những giai điệu cất lên từ tiếng tù và, kèn Pí lè, trống, chuông của người Dao Đỏ.
- Những điệu múa khèn, múa gậy sênh tiền, thanh âm du dương, lách cách, những bước chân tựa như lên thác xuống đèo, mạnh mẽ, dẻo dai; váy xòe xúng xính… toát lên sự tinh tế, tính cách mạnh mẽ của người Mông sống trên núi cao.
- Từ truyền thuyết về tiếng sáo mũi, người Xá Phó luôn gìn giữ trao truyền để hôm nay trong mây núi, tiếng sáo trầm bổng, vi vu như tiếng lòng vẫn trường tồn cùng năm tháng; tiếng sáo hòa nhịp tiếng chày giã gạo bung bung, bang bang như tiếp thêm sức mạnh để người Xá Phó đoàn kết xây dựng bản làng bình yên, hạnh phúc.
- Thầy then hát múa theo nghi lễ then truyền thống một cách say sưa, huyền bí; điệu múa uyển chuyển trong nhịp đàn tính… phản ánh nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh, tình yêu quê hương đất nước của người Tày.
- Điệu múa quạt trong trang phục truyền thống của những cô gái dân tộc Giáy như những cánh chim liệng bay trên bầu trời mây núi bồng bềnh, thể hiện khát vọng tự do; tinh thần vượt khó để xây dựng cuộc sống ấm no, phồn thịnh.
Kết thúc là Vũ điệu chung vui: Gắn kết các vũ điệu dân gian của 5 nhóm ngành dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó) hòa chung tiếng nhạc rừng, lời hát đồng ca của các em nhiếu nhi tạo nên khí thế đoàn kết, chung tay bảo tồn văn hóa, hăng say lao động sản xuất; mở rộng vòng tay đón bạn gần, xa đến với miền đất có đỉnh Phan Xi Păng (nóc nhà của Đông Dương), được mệnh danh là “nơi gặp gỡ của đất trời”.
Ảnh: Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam |
Sản phẩm du lịch văn hóa "ĐIỂM HẸN" và "VŨ ĐIỆU DƯỚI TRĂNG” do Thị xã Sa Pa thực hiện được sản xuất bởi: Công ty cổ phần Tập đoàn Anh Sơn; Tác giả kịch bản: Hà Văn Thắng; Đạo diễn, dàn dựng: NS Đặng Xuân Trường; Giám đốc âm nhạc: NS Lê Anh Dũng; Tổng biên đạo: NSUT Vũ Tùng Dương.