Tồn kho dầu Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến kéo giá dầu đi lên
Chốt ngày, chỉ số MXV-Index của 4 nhóm mặt hàng đều tăng, kéo chỉ số MXV-Index lên 1,08%, ở mức 2.145 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 3.800 tỷ đồng. Tiếp tục xu hướng của ngày hôm trước, nhiều mặt hàng vẫn ngập trong sắc xanh.
Ảnh minh họa |
Tồn kho dầu Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến kéo giá dầu đi lên
Theo MXV, kết thúc ngày giao dịch 24/1, giá dầu bật tăng do tồn kho dầu Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến. Ngoài ra, các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc làm tăng thêm triển vọng lạc quan về nhu cầu tiêu thụ tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, góp phần hỗ trợ giá dầu.
Chốt phiên, giá dầu WTI tăng 0,97% lên 75,09 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,62% lên 80,04 USD/thùng.
Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 19/1 bất ngờ giảm mạnh 9,2 triệu thùng, con số cao hơn hơn nhiều so với mức giảm 6,6 triệu thùng theo số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) và dự báo giảm 2,2 triệu thùng của Reuters. Trong khi đó, tồn kho xăng tăng 4,9 triệu thùng, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,2 triệu thùng theo dữ liệu của API. Tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm 1,4 triệu thùng, so với kỳ vọng tăng 300.000 thùng của giới phân tích.
Ngoài ra, tồn kho dầu tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma, điểm giao hàng dầu kỳ hạn WTI của Mỹ, giảm 2 triệu thùng. Đáng chú ý, sản lượng dầu của Mỹ cũng bất ngờ giảm mạnh 1 triệu thùng/ngày xuống 12,3 triệu thùng/ngày. Nguồn cung tại Mỹ thắt chặt trong bối cảnh thời tiết lạnh giá gây gián đoạn cho hoạt động sản xuất, đã thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường.
Xét về yếu tố vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã tuyên bố sẽ cắt giảm 0,5 điểm phần trăm đối với tỉ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) vào ngày 5/2. Kỳ vọng vào sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu, củng cố đà tăng của giá dầu.
Bên cạnh đó, dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ làm gia tăng kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ hạ cánh mềm trong tương lai. Báo cáo sơ bộ của S&P Global cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ phục hồi rõ rệt trong tháng 1/2024, với chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất đạt 50,3 điểm, cao hơn 2,4 điểm so với dự báo và là mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Trong khi đó, PMI dịch vụ đạt 52,9 điểm, cao hơn 1,9 điểm so với dự báo và là mức cao nhất kể từ tháng 7/2023.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên tăng gần 8% do dự báo nhu cầu sưởi ấm và sản lượng giảm trong bối cảnh thời tiết lạnh giá đóng băng giếng và các thiết bị khác. LSEG cho biết sản lượng khí đốt trung bình ở 48 bang của Mỹ đã giảm xuống 102,9 tỷ feet khối/ngày (bcfd) từ đầu tháng 1 đến nay, giảm so với mức kỷ lục hàng tháng là 108,0 bcfd trong tháng 12/2023.
Ngô phá vỡ xu hướng giằng co, giá tăng 5 phiên liên tiếp
Thị trường ngô đã phá vỡ xu hướng giằng co và ghi nhận phiên thứ 5 liên tiếp tăng giá. Về phía nguồn cung, tình hình vụ mùa tại Brazil một lần nữa là yếu tố đang hỗ trợ giá. Bên cạnh đó, lo ngại khối lượng xuất khẩu giảm từ nước này cũng là yếu tố thúc đẩy lực mua đối với thị trường.
Lúa mì là mặt hàng tăng giá mạnh nhất nhóm nông sản vào ngày giao dịch hôm qua, ghi nhận phiên thứ 6 liên tiếp tăng giá. Kể từ khi mở cửa, phe mua đã áp đảo thị trường trong bối cảnh dollar index giảm mạnh. Không chỉ có vậy, lo ngại về nguồn cung từ khu vực Biển Đen cũng thúc đẩy lực mua đối với lúa mì.
Theo một quan chức cấp cao của Ukraine, hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của nước này bằng đường biển trong tháng 1 có thể giảm 20% so với tháng trước do cuộc khủng hoảng biển Đỏ. Việc người Houthi tấn công vào các tàu hàng di chuyển qua khu vực này đã làm gián đoạn một phần dòng chảy thương mại giữa châu Âu và châu Á. Tuyến đường Biển Đỏ đặc biệt quan trọng đối với Ukraine bởi gần 1/3 lượng hàng hóa xuất khẩu của nước này là đến Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích dự báo rằng nhiều chuyến hàng có thể chuyển hướng khỏi tuyến kênh Suez - Biển Đỏ, cản trở việc xuất khẩu của Ukraine.