Vận tải qua Biển Đỏ gián đoạn, nỗi lo về giá năng lượng
Hành lang là cầu nối quan trọng giữa các nước xuất khẩu hàng đầu tại Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), Đông Nam Á (Việt Nam, Thái Lan, Malaysia), Nam Á (Ấn Độ), cũng như nguồn cung dầu khí Trung Đông đi các thị trường tiêu thụ lớn nhất tại châu Âu, Bắc Mỹ.
Kể từ khi sự kiện này xảy ra, chi phí vận tải cũng có chiều hướng tăng vọt. Giá cước các tàu chở nhiên liệu từ Trung Đông đến châu Á đã tăng gần gấp 3 lần kể từ giữa tháng 1, lên 83.000 USD/ngày. Những con tàu này chủ yếu chở naphtha, một sản phẩm được sử dụng để sản xuất xăng và nhựa. Chi phí vận chuyển các sản phẩm nhiên liệu tinh chế từ Trung Đông đến Nhật Bản tăng thêm 3% lên 101.000 USD, mức cao nhất kể từ năm 2020. Chi phí tàu chở dầu trên tuyến đường từ Trung Đông đến châu Âu cũng tăng lên trong khoảng 97.000-117.000 USD mỗi ngày.
Ảnh minh họa |
Điều này cũng đã tác động tới diễn biến giá dầu. Theo dữ liệu của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá dầu đã đạt đỉnh hai tháng trong tuần kết thúc ngày 28/1, với dầu WTI lên sát mốc 80 USD/thùng. Hiện tại, giá dầu WTI vẫn đang dao động trên 75 USD/thùng, tăng hơn 11% trong hai tháng qua trước rủi ro quanh Biển Đỏ.
Nhận định về tình hình trên, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV cho biết: “Chi phí vận tải nhiên liệu và bảo hiểm đã tăng vọt, nếu tình hình tiếp tục kéo dài sẽ đẩy chi phí hàng hóa tăng cao. Các nhà sản xuất cũng sẽ phải san sẻ lại một phần chi phí cho người tiêu dùng. Một khi giá xăng dầu tăng lên sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác “đội” thêm chi phí”.
Bối cảnh này đặt ra sự hoài nghi lớn hơn liệu rằng lạm phát sẽ thực sự chấm dứt trong năm 2024?
Cẩn trọng về biến động giá cả trong nước
Tại Việt Nam, giá năng lượng và chi phí vận tải hàng hoá dự kiến sẽ còn nhiều biến động, giá xăng dầu trong nước cũng sẽ có chiều hướng tương tự. Do đó, những ảnh hưởng đến lạm phát vẫn cần được theo dõi.
“Việt Nam nhập khẩu dầu thô chủ yếu từ Kuwait, một quốc gia thuộc khu vực Trung Đông. Mặc dù không ảnh hưởng trực tiếp bởi các cuộc xung đột của phiến quân Houthi ở thời điểm hiện tại, nhưng hải trình vận tải nhiên liệu từ quốc gia này cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, qua đó gián tiếp tác động tới việc tiếp nhận hàng hoá”, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết.
Bối cảnh hiện nay đang đặt các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp vào tâm thế phải sẵn sàng ứng phó với diễn biến bất ngờ của thị trường, linh hoạt điều tiết nguồn cung năng lượng để không ảnh hưởng quá lớn tới giá cả.