Bộ trưởng Bộ Công Thương tháp tùng Thủ tướng kiểm tra khắc phục thiệt hại bão số 3 tại Quảng Ninh
Quảng Ninh là một trong những địa phương nằm trong tâm bão số 3. Bão đổ bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149 km/giờ), giật cấp 16, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Bão đã làm ít nhất 3 người chết, 58 người bị thương. Tại thành phố Hạ Long, hàng loạt cây xanh ở các tuyến phố bị gãy, đổ, bật gốc; tuyến đường Quốc lộ 18A, các cây xanh bị đổ hàng loạt. Nhiều nhà dân bị tốc mái, hàng quán, cửa hàng lớn bị sập, tốc mái. Các tấm tôn bị gió cuốn bay khắp nơi. Nhiều tòa chung cư bị rơi vỡ cửa, tấm kính. Nước biển dâng cao gây ngập cục bộ ở một số nơi, nhiều tàu, thuyền bị chìm. Bên cạnh đó, hệ thống điện cũng bị tê liệt, nhiều cột điện gãy, đổ gây mất điện toàn tỉnh Quảng Ninh.
Trước những diễn biến và thiệt hại do bão số 3 gây ra, ngay sau khi vừa kết thúc Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Hà Nội, chiều ngày 8/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đi kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại Quảng Ninh và Hải Phòng (nơi bão đổ bộ với sức gió mạnh nhất, gây nhiều thiệt hại nhất theo thống kê tới sáng 8/9).
Tham dự đoàn công tác còn có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, đơn vị...
Tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng đã đi thị sát tình hình thiệt hại tại các cơ sở kinh tế - xã hội, thăm hỏi người dân bị thiệt hại và động viên các lực lượng quân đội, công an, thanh niên, công nhân môi trường đô thị… đang làm nhiệm vụ dọn dẹp sau bão.
Tại cuộc làm việc sau đó tại Tỉnh ủy Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết gửi lời thăm hỏi, chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới tỉnh Quảng Ninh và người dân, các gia đình có người thân thiệt mạng, bị thương, thiệt hại tài sản.
Gần 20.000 ngôi nhà tốc mái
Theo báo cáo nhanh của Quảng Ninh, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập 14 đoàn công tác, UBND tỉnh thành lập 4 đoàn công tác ứng phó bão.
Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiểm tra về công tác ứng phó với bão số 3 tại huyện Vân Đồn, thị xã Quảng Yên.
Các địa phương đã phân công các đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng địa bàn và thành lập 48 đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão tại địa phương.
Nhiều nhà cao tầng, trụ sở cơ quan, trường học tại các địa phương bị hư hỏng; hầu như toàn bộ pano, biển quảng cáo bị gãy đổ; hệ thống thông tin, liên lạc toàn tỉnh bị ngắt kết nối không liên lạc được; mất điện trên diện rộng; tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thống kê cụ thể báo cáo Trung ương.
Ngay trong đêm bão đổ bộ, Thường trực Tỉnh ủy, trực tiếp đồng chí Phó Bí thư Thường trực (điều hành hoạt động của Tỉnh ủy), đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, nòng cốt là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh hiệp đồng với các lực lượng vũ trang trên địa bàn bắt đầu tổ chức tìm kiếm, ưu tiên các trường hợp bị nạn ở dưới biển như lật thuyền, trôi dạt, mất tích...
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các địa phương và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung huy động lực lượng dọn dẹp để ổn định cuộc sống người dân trên địa bàn. Tập trung công tác chỉ huy tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn đối với người trên các phương tiện và các tàu bị đắm. Công ty Điện lực Quảng Ninh, các nhà mạng tập trung khắc phục ngay tình trạng mất điện, mất sóng liên lạc phục vụ nhân dân.
Tỉnh đang tiếp tục rà soát, thống kê thiệt hại để có phương án khắc phục, xử lý kịp thời, trước mắt quyết định hỗ trợ ngay cho người nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại ở trên biển do mưa, bão; người trồng lúa, trồng hoa màu và trồng rừng bị thiệt hại; hỗ trợ cho người dân có nhà bị tốc mái, bị đổ, sập; hỗ trợ cho nhân dân đối với tàu du lịch, tàu cá bị chìm, hư hỏng do mưa, bão.
Dưới đây là hình ảnh của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra thực tế khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra tại Quảng Ninh:
Để khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, báo cáo trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết:
Thứ nhất, vào 7 giờ sáng nay (08/9/2024) Bộ Công Thương đã tổ chức giao ban, đánh giá nhanh tình hình và thống nhất phương án xử lý. Ngay sau đó, Bộ đã kịp thời cử các đoàn công tác của các cơ quan chức năng của Bộ và Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam đi Quảng Ninh, Hải Phòng có chỉ đạo trực tiếp triển khai khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Thứ hai, tập trung chỉ đạo các đơn vị ngành điện khẩn trương khắc phục sự cố, khôi phục hệ thống điện bị sự cố nhanh nhất, có phương án dự phòng về mặt kỹ thuật để duy trì ổn định hệ thống điều độ điện khi có sự cố xảy ra; Ưu tiên cấp điện cho các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, phục vụ cung cấp vật tư hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, cơ sở sản xuất; Cố gắng đầu giờ chiều nay ngành điện khắc phục xong các sự cố của đường dây 500, 220, 110 kV và trạm biến áp để sẵn sàng cung ứng điện trở lại.
“Chúng tôi xác định hoàn lưu bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, do vậy các nhà máy điện, nhất là thủy điện, cung cấp sản lượng điện lớn cho miền Bắc, rất có thể sẽ bị ảnh hưởng, do đó cần sẵn sàng để xử lý các sự cố có thể xảy ra”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
"Cùng với đó, quan điểm của ngành Công Thương chỉ đạo khắc phục sự cố gắng đường dây, trạm biến áp với đảm bảo an toàn sử dụng điện, cho nên việc cung cấp thông tin và hướng dẫn các cơ sở sản xuất, người dân đều đảm bảo", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu rõ.
Thứ ba, triển khai Phương án huy động phương tiện, vật tư, thiết bị, nhân lực tại các địa phương không hoặc ít bị ảnh hưởng bởi bão số 3 để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng khắc phục lưới điện bị sự cố;
Thứ tư, chỉ đạo vận hành các hồ chứa thủy điện đúng quy trình, lưu ý dự phòng đón lũ do hoàn lưu bão, góp phần cắt lũ hạ du. Các hồ quan trọng như Hòa Bình, Thác Bà tăng lưu lượng xả tràn; tăng cường phát điện để hạ mực nước hồ dự phòng dung tích đón lũ do hoàn lưu bão;
Thứ năm, chỉ đạo các đơn vị toàn ngành sẵn sàng phương án ứng phó nếu xảy ra mưa lũ do hoàn lưu bão, đặc biệt khi một số khu vực có thể bị chia cắt, cô lập do lũ;
Thứ sáu, chỉ đạo các Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân; chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối cung cấp đầy đủ hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống người dân;
Thứ bảy, chỉ đạo công tác truyền thông xã hội, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình đảm bảo cung cấp điện, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu để bình ổn thị trường. |