Căng thẳng ở Biển Đỏ: Bộ Công Thương họp khẩn
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, kênh đào Suez là một trong những vị trí chiến lược, nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ. Biển Đỏ và Kênh đào Suez là lối đi tắt cho tàu thuyền đi qua các cảng châu Âu, Bờ Đông châu Mỹ đến những cảng phía Nam châu Á, cảng phía Đông châu Phi và châu Đại dương. Đây là một trong những tuyến đường hàng hải huyết mạch quan trọng bậc nhất thế giới, chiếm khoảng 12% tổng lưu lượng giao thông hàng hải toàn cầu.
Tuy nhiên kể từ cuối năm 2023, do xung đột tại khu vực Biển Đỏ, nhiều hãng tàu đã phải thay đổi tuyến đường, không đi qua Kênh đào Suez mà phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng, làm cho hành trình tàu kéo dài từ 10 đến 15 ngày so với trước.
Cùng với những hạn chế về tàu qua Kênh đào Panama do tình trạng khô hạn (El Nino), thì những diễn biến mới nhất ở Biển Đỏ đã gây tác động xấu đối với ngành vận tải biển thế giới cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, trực tiếp nhất là với khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ.
Tính chung năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam với khu vực châu Âu là 71,14 tỷ USD và với khu vực Bắc Mỹ là 122,3 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 02 khu vực này chiếm tới 28,4% tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước năm 2023. Do vậy, có thể thấy khả năng tác động của cuộc xung đột Biển Đỏ đến Việt Nam là không hề nhỏ.
"Trước tình hình trên, từ cuối tháng 12/2023, Bộ Công Thương đã có văn bản thông tin, khuyến cáo đến các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng như doanh nghiệp xuất nhập khẩu một số giải pháp để hạn chế các tác động của tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ", ông Hải cho biết.
Do căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ, từ tháng 12/2023 hàng loạt hãng vận tải biển lớn đã tạm dừng lịch trình qua Biển Đỏ, hàng trăm tàu lớn phải thay đổi đường đi, vòng qua Mũi Hảo Vọng ở phía nam Châu Phi, khiến thời gian đi biển kéo dài thêm 10 - 15 ngày, từ đó làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển. Diễn biến thị trường dầu mỏ cũng nóng lên theo căng thẳng khi một lượng lớn dầu mỏ, khí đốt được vận chuyển từ khu vực Trung Đông, Bắc Phi qua tuyến đường này.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, tác động của tình hình Biển Đỏ lên thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu là có thể thấy rõ, trong đó có các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
Một số tác động tiêu cực có thể nhìn thấy ngay đó là việc giá cước vận tải tăng, nghiêm trọng hơn là tình trạng thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển kéo dài và ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng đơn hàng xuất nhập khẩu. Xa hơn nữa, việc tăng chi phí vận tải và giá dầu sẽ có thể gây ra hiệu ứng domino đối với giá cả hàng hóa khác và làm tăng thêm bất ổn kinh tế và địa chính trị, từ đó cản trở đà phục hồi kinh tế toàn cầu.
Thông tin tại cuộc họp, ông Vũ Sơn Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Trung Đông - Châu Phi (Bộ Ngoại giao) đã thông tin cập nhật về diễn biến các cuộc xung đột tại khu vực Biển Đỏ hiện nay tới các cơ quan và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội.
Về chiều hướng diễn biến căng thẳng tại Biển Đỏ trong thời gian tới, ông Tùng cho biết đây là câu hỏi rất khó để có câu trả lời song có thể thiên về dự báo theo 03 kịch bản.
Kịch bản thứ nhất, có khả năng cao là xung đột tiếp tục tiếp diễn trong một vài tháng tới và sẽ làm gián đoạn các tuyến giao thông tại khu vực này, gây nên các rủi ro rất lớn cho các tàu thuyền hoạt động và vận chuyển hàng hải liên quan đến khu vực này.
Kịch bản thứ hai tương đối lạc quan hơn, đó là các bên liên quan sẽ hạ nhiệt căng thẳng và tình hình sẽ ổn định trở lại. Hiện tại có một số yếu tố có thể dự kiến xảy ra như hiện nay xung đột giữa Israel và Palestine đã có một số chuyển biến tích cực. Trong trường hợp kịch bản này xảy ra thì hệ quả là các hoạt động tấn công vào các tàu hàng sẽ giảm bớt đi, tình hình khu vực này sẽ trở nên theo hướng tích cực hơn.
Kịch bản thứ ba ít có khả năng xảy ra nhưng cũng không thể loại trừ đó là kịch bản căng thẳng giữa các bên leo thang, xung đột diễn ra quy mô lớn dẫn tới tắc nghẽn và dừng hoàn toàn di chuyển tàu bè ở khu vực này.
Theo thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, giá cước tàu hiện vẫn ở mức cao, từ tháng 1/2024, cước vận chuyển container bằng tàu biển đi Hoa Kỳ, Canada tăng mạnh so với tháng 12/2023, cước tàu đến Bờ Tây tăng từ mức 1.850 USD/container tháng 12/2023 lên 2.873 - 2.950 USD/container tháng 01/2024 (tăng 55 - 60%); cước tàu đến Bờ Đông tháng 12/2023 giá ở mức 2.600 USD/container tăng lên 4.100 - 4.500 USD/container vào tháng 01/2024 (tăng thêm 58 - 73%).
Riêng giá cước sang thị trường châu Âu ghi nhận tăng mạnh so với tháng 12/2023, cước đi Hamburg là 1.200 - 1.300 USD trong tháng 12/2023 tăng lên 4.350 - 4.450 USD trong tháng 1/2024. Các doanh nghiệp châu Âu được cho là chịu nhiều ảnh hưởng nhất, bởi chuỗi cung ứng của họ phụ thuộc nhiều vào tuyến đường qua Biển Đỏ.
Tại cuộc họp, các cán bộ quản lý, đại diện hiệp hội và doanh nghiệp trực tiếp có liên quan cùng nhau cập nhật, chia sẻ thông tin hữu ích; nêu lên các khó khăn, vướng mắc phát sinh; đưa ra các nhận định, đánh giá về tình hình cũng như đề xuất các giải pháp, kinh nghiệm, cách làm hay để giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực phát sinh từ xung đột Biển Đỏ cũng như khai thác, tận dụng các cơ hội nếu có.
Để ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực của tình hình Biển Đỏ đối với hoạt động xuất nhập khẩu và vận tải hàng hóa liên quan đến doanh nghiệp Việt Nam, các cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp cũng đưa ra đề xuất ổn định giá cước và phí vận chuyển; phân luồng hàng hóa và tuyến đường thay thế; đa dạng nguồn cung ứng hàng hóa; lưu ý trong đàm phán hợp đồng mua bán và hợp đồng bảo hiểm bám sát tình hình; tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, đánh giá tình hình và ứng phó đối với các tình huống tương tự trong tương lai; tăng cường hợp tác quốc tế; xây dựng kế hoạch phòng ngừa và phản ứng nhanh.
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, các đơn vị thuộc các Bộ, ngành liên quan, bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính... sẽ nghiên cứu tiếp thu các thông tin, ý kiến, đề xuất của các đại biểu; tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình để tham mưu cho Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan cũng như báo cáo tới các cấp cao hơn để có những giải pháp cần thiết hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Về phía các hãng tàu, đề nghị các hãng tàu trong bối cảnh hiện nay cố gắng duy trì các tuyến và các dịch vụ, đảm bảo đưa container rỗng về để hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu đóng hàng; thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết và cập nhật giá cước như quy định tại Nghị định số 146/2016/NĐ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2016.
Đối với những trường hợp hãng tàu thu phí chưa có niêm yết, chưa có thông báo, đề nghị các hiệp hội, ngành hàng phản ánh lại với Cục Hàng hải Việt Nam để có thể xử lý.
Mặt khác, đề nghị các hãng tàu xem xét thêm khả năng có hình thức vận tải đa phương thức như kết hợp với đường sắt, đường biển và hàng không. Hình thức này cần sự kết hợp của nhiều đơn vị vận tải khác nhau để có thể giúp các doanh nghiệp có thêm phương án để vượt qua tác động của căng thẳng tại Biển Đỏ.
Đối với các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội chủ tàu, hiệp hội logistics, cần tiếp tục bám sát tình hình, phối hợp với các hãng tàu cũng như các cơ quan Nhà nước để hỗ trợ, giúp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu có được thuận lợi lớn nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế.