Cục QLTT tỉnh Bình Định mở cửa Phòng trưng bày hàng thật, hàng giả
Gian lận thương mại nói chung và sản xuất, buôn bán hàng giả nói riêng có chiều hướng gia tăng nhất là trong giai đoạn hiện nay khi nền kinh tế nước nhà đang trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa. Hàng giả lưu thông trên thị trường nội địa có nguồn gốc từ hàng hóa nhập khẩu hoặc hàng giả được sản xuất trong nước. Vì vậy, cách thức và biện pháp để tổ chức kiểm tra, xử lý đối với mỗi loại hình cũng có những đặc thù riêng. Song song đó, công tác tuyên truyền pháp luật cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng để người tiêu dùng nhận thấy được tác hại của hàng giả, phân biệt được hàng thật và hàng giả; chủ động tố giác các đối tượng vi phạm với các cơ quan chức năng nhằm xã hội hóa công tác đấu tranh chống hàng giả. Đối tượng sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng cần hiểu rõ một số nội dung sau:
1. Hàng giả
Là những sản phẩm hàng hóa được sản xuất trái pháp luật, có hình dáng giống như những sản phẩm, hàng hóa được Nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường hoặc những sản phẩm, hàng hóa không có giá trị sử dụng đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của nó; là loại sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu hàng hóa giống hệt hoặc tương tự có khả năng làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn với sản phẩm, hàng hóa thật.
Hàng giả bao gồm:
- Giả chất lượng và công dụng: hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hóa.
- Giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa: hàng hóa giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hóa; giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn hoặc bao bì hàng hóa.
- Giả mạo về sở hữu trí tuệ: gồm hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; hàng hóa là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan.
- Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả: gồm các loại đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tem chất lượng, tem chống giả, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa có nội dung giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.
2. Tác hại của hàng giả
- Đối với sự phát triển kinh tế - xã hội: hàng giả tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội. Hàng giả còn gây hậu quả phức tạp, nặng nề về mặt đạo đức và xã hội.
- Đối với người tiêu dùng: việc mua và sử dụng hàng giả làm thiệt hại đến lợi ích kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, nhất là các sản phẩm như: thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm giả.
- Đối với doanh nghiệp: hàng giả làm giảm trực tiếp doanh thu, lợi nhuận, uy tín của doanh nghiệp; gây mất lòng tin đối với người tiêu dùng.
3. Cách nhận biết hàng giả
- Về giá: hàng giả giá thường rẻ hơn hàng thật.
- Về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
- Những dấu hiệu trên nhãn hàng hóa.
- Quan sát bằng mắt thường: nước sơn, độ sắc nét góc cạnh, bao bì… hàng giả không bằng hàng thật.
- Để nhận biết hàng giả, người tiêu dùng cần: chủ động trang bị các kiến thức tiêu dùng cho mình; tham khảo từ nhiều nguồn thông tin khác nhau như từ những người xung quanh, đặc biệt là nhà sản xuất, phân phối, các hiệp hội ngành hàng, hội bảo vệ người tiêu dùng và từ các cơ quan chuyên môn.
4. Hình thức xử phạt vi phạm
Đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả có thể bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm, tước quyền sử dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn các loại giấy tờ liên quan, buộc tiêu hủy hoặc loại bỏ, thu hồi yếu tố vi phạm trên hàng hóa… Ngoài ra, còn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự.
5. Khuyến cáo
Để góp phần phối hợp cùng cơ quan nhà nước thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người tiêu dùng, doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh:
- Về phía người tiêu dùng: nên mua hàng tại những địa chỉ tin cậy, có đăng ký kinh doanh hợp pháp, có đủ điều kiện kinh doanh. Trước khi mua hàng, cần tìm hiểu thật kỹ các dấu hiệu phân biệt hàng thật, hàng giả của sản phẩm; Mua hàng, cần đọc kỹ các thông tin ghi trên nhãn hàng hóa; Nhận đầy đủ các chứng từ có liên quan đến việc mua sản phẩm như hóa đơn, phiếu bảo hành. Nếu phát hiện các trường hợp bất thường, có thể liên hệ với nhà sản xuất, Hội Bảo vệ người tiêu dùng để được bảo vệ quyền lợi chính đáng, các cơ quan có chức năng xử lý.
- Về phía doanh nghiệp: cần có ý thức bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình; Cung cấp thông tin về mặt hàng do công ty sản xuất, các dấu hiệu nhận biết sản phẩm. Phối hợp với các lực lượng chức năng, với cộng đồng xã hội bảo vệ thương hiệu của mình.
- Về phía cơ sở bán lẻ: nên lựa chọn những cơ sở sản xuất, cung cấp hàng hóa có uy tín, có đăng ký kinh doanh hợp pháp để nhập hàng; Xem xét kỹ các nội dung liên quan đến chất lượng hàng hóa, nhãn hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa… Làm rõ trách nhiệm với cơ sở sản xuất cung cấp hàng hóa về tính pháp lý của hàng hóa trước khi nhập hàng để bán cho người tiêu dùng
Nhằm giúp hiểu rõ hơn những vấn đề về hàng thật, hàng giả, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã bố trí Phòng trưng bày hàng thật - hàng giả. Phòng trưng bày được tổ chức với kỳ vọng sẽ giúp người tiêu dùng Việt Nam hiểu được những thông tin cơ bản về hàng hóa, từ đó tránh mua phải những sản phẩm gian lận trên thị trường, góp phần bảo vệ bản thân và gia đình.
Phòng trưng bày sẽ mở cửa đón khách tham quan tự do trong các ngày hành chính (Từ ngày 29/11/2024 đến hết ngày 06/12/2024. Thời gian mở cửa buổi sáng: từ 8h00-11h00, buổi chiều: từ 14h00-16h30 hàng ngày).
Trong trường hợp nhân dân phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái,… đề nghị phản ánh thông tin qua đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định trực tiếp ông Trần Đức Tiến - Cục trưởng, số điện thoại: 0914.035104 để tiếp nhận, xử lý theo quy định.