Đón Tết cùng hoa ban và dân tộc Thái Tây Bắc
Nét văn hoá đặc sắc
Một năm đồng bào dân tộc Thái đón nhiều lễ, Tết nhưng có 3 Tết chính được tổ chức trang trọng, nhiều lễ nghi. Đó là Tết “Chiêng Xam” (Tết Thanh minh) tổ chức vào ngày 3/3 âm lịch, Tết “Xíp Xí” tổ chức vào 14/7 âm lịch và đặc biệt quan trọng là Tết Bươn Chiêng - trùng vào thời gian đón Tết Nguyên đán. Dân tộc Thái có 2 nhóm Thái đen và Thái trắng (khác nhau chủ yếu về trang phục, khăn đội đầu của phụ nữ) phân bố ở các tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hoá và Nghệ An. Trong đó tập trung đông nhất ở nơi “khởi thuỷ” của người Thái là thung lũng Mường Thanh (Điện Biên) và Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái).
Tết Nguyên đán của người Thái vùng Tây Bắc có nhiều phong tục, mang đậm nét đặc trưng riêng. Cách Tết một tuần, sau khi công việc ruộng đồng, nương rẫy đã xong, người dân mới chuẩn bị đón Tết. Khoảng 25 - 26 Tết, các gia đình bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, đốt lá. Công việc này do phụ nữ trong gia đình làm. Cánh đàn ông lau dọn bàn thờ, trang trí nhà cửa, vào rừng hái lá giong, chặt giang (về làm lạt gói bánh) hoặc mang lưới lên tận các con suối đầu nguồn bắt cá. Vào dịp này lên các bản người dân tộc Thái nơi đâu cũng thập thịch tiếng trống, tiếng giã gạo, khói lam chiều bảng lảng...
![]() |
![]() |
Múa xòe hay còn gọi là “Xe khăm khen” (múa cầm tay), là di sản văn hóa quý giá của người Thái, được UNESCO công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại” |
Người Thái trắng sinh sống ở Mường Chà, Nậm Pồ (Điện Biên), Mường Tè (Lai Châu), Quỳnh Nhai (Sơn La) còn có phong tục rất độc đáo là gội đầu tập thể vào chiều 30 Tết. Tục lệ này từ nhiều năm nay đã phát triển thành lễ hội trên sông Đà, thu hút khách du lịch ở Quỳnh Nhai. Theo quan niệm của người Thái, năm mới mọi người trong bản đều phải gội đầu để cầu an, để dòng nước rửa trôi những vất vả, bệnh tật, tai ương, điều không may mắn của năm cũ...
Đêm 30 Tết, các gia đình làm mâm cơm thịnh soạn để cúng và mời tổ tiên trước bữa ăn tối. Vào khoảnh khắc Giao thừa, sau khi chủ nhà cúng thần linh, tổ tiên, cả gia đình ngồi quây quần cùng ăn bữa cơm đầu năm mới, nâng chén rượu thơm hương trời đất, dành tặng các thành viên những lời chúc tốt đẹp.
Người Thái không theo một tôn giáo nghiêm ngặt nào mà theo hướng riêng của từng dòng họ, lập gian thờ cúng tổ tiên theo tuần rằm và tin có ma nhà, ma rừng, ma dòng suối đầu nguồn, ma cà rồng... Do đó quan niệm về thế giới tâm linh của dân tộc Thái vẫn tồn tại đến ngày nay như buộc chỉ ở cổ chân, cổ tay khi cúng hồn và hình thức kiêng kỵ không xoa đầu người đến tuổi thanh niên hoặc bố mẹ người khác không được dùng đũa, đòn gánh nước đánh vào đầu. Điểm khác biệt trong tết cổ truyền của người Thái là tục gọi hồn cho những người đang sống. Ở một góc độ khác có thể thấy nét tương đồng trong tục “giải hạn” của người Kinh khi gặp năm “sao xấu” chiếu mệnh.
![]() |
Hoa ban - loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc |
Sáng mùng 1 Tết, mọi người dậy sớm, mặc lên mình những bộ quần áo mới nhất, cùng nhau ra suối lấy nước, xin lộc đầu năm. Sau khi rửa mặt tại dòng suối trong vắt, mọi người sẽ mang nước về để cả nhà rửa mặt, cầu chúc sức khoẻ, an lành, mùa màng sinh sôi. Tết ở nhiều nơi kéo dài đến rằm tháng Giêng, do vậy, khắp các bản mường đều tổ chức biểu diễn nghệ thuật, hoặc các trò chơi cộng đồng như hát Hạn khuống (hát giao duyên giữa nam và nữ), múa sạp, kéo co, đẩy gậy, thi cưỡi ngựa, bắn nỏ... trong đó không thể thiếu điệu dân vũ múa xoè…
Sau khi đi chúc Tết, mọi người sẽ ngồi lại với nhau quanh bếp lửa hồng thưởng thức những món ăn từ núi rừng và khi ấy, điệu xòe sôi động, khỏe khoắn, uyển chuyển của các bà, các mẹ, nam thanh nữ tú cũng được diễn ra. Múa xòe thường được tổ chức tại những khoảng đất rộng, bằng phẳng hoặc ở khoảng sân rộng của một gia đình trong bản. Múa xòe hay còn gọi là “Xe khăm khen” (múa cầm tay), là di sản văn hóa quý giá của người Thái, được UNESCO công nhận là “Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại”. Qua nghiên cứu và khảo sát, thì loại hình nghệ thuật múa xòe được chọn lọc gồm 6 điệu múa phổ biến gồm: Điệu xòe Khăm khen (nắm tay nhau); Đổn hôn (bước tiến lùi); Phá xí (bước bốn); Nhôm khăn (tung khăn), Khắm khăn mơi lảu (Nâng khăn mời rượu); Ỏm mọm tốp mư (vỗ tay đi vòng tròn). Sau một năm lao động vất vả, những điệu xòe, câu hát làm người ta quên đi những mệt nhọc, hòa mình, đắm say trong niềm hoan ca đón chào Xuân mới.
Ẩm thực độc đáo
Người Thái cũng gói bánh chưng vào dịp Tết Nguyên đán. Bánh chưng của người Thái không giống người Kinh. Bánh chưng hình ống, gần giống bánh tét của đồng bào miền Nam, có 2 loại là bánh trắng và bánh đen. Độc đáo riêng có là bánh chưng đen. Nguyên liệu được làm từ gạo nếp trộn với tro của cây muối và cây vừng đen đã được lọc kĩ. Cùng với xôi ngũ sắc, bánh chưng đen của người Thái trước đây chỉ được làm vào dịp Tết Nguyên đán. Ăn rất bùi, béo, thơm mùi vừng đen và lá giong tươi. Đáng chú ý, bánh chưng phải luộc ngoài trời. Theo quan niệm của dân tộc Thái là để thần núi, thần sông và các cụ tổ tiên “ngự ẩm” cái hương thơm, cái tinh túy của bánh trước để phù hộ cho con cháu một năm sức khoẻ, mùa màng bội thu.
![]() |
![]() |
Trong mâm cơm của người Thái có nhiều món ăn, mỗi món đều có hương vị đặc trưng xuất xứ từ núi rừng, rất tự nhiên, dung dị nhưng đằm thắm, độc đáo |
Trong mâm cơm của người Thái có nhiều món ăn, mỗi món đều có hương vị đặc trưng xuất xứ từ núi rừng, rất tự nhiên, dung dị nhưng đằm thắm, độc đáo. Mâm cơm ngày Tết, không thể thiếu món cơm lam, xôi ngũ sắc và các món nướng. Xôi ngũ sắc là loại xôi nếp nương, có 5 màu cơ bản gồm trắng, tím, xanh, vàng và đỏ, tượng trưng cho ngũ hành, thể hiện sự tôn kính, lòng thuỷ chung, tốt lành, may mắn. Người Thái có phương pháp đồ xôi cách thuỷ bằng chõ gỗ. Xôi chín được bới ra tãi trên mẹt đan bằng mây cho bốc hơi, tránh nhão. Khi nào ăn người ta lại cho vào xôi lại, sau đó cho vào các “cóng khẩu” (một loại giỏ hình tròn, có nắp đậy).
Trong khi đó, các món nướng được người Thái ướp tẩm cầu kỳ, với nhiều gia vị của núi rừng như “mắc khén”. Thịt lợn hun khói, thịt trâu gác bếp, cá suối, thịt gà nướng đều là những món ăn nổi tiếng của người Thái và nay đã trở thành những mặt hàng thực phẩm tiêu thụ khắp trong và ngoài nước. Ẩm thực của người Thái không chỉ sự cầu kỳ trong khâu chế biến món ăn mà còn trong cách chế biến gia vị, trong đó phải kể đến chẩm chéo - món nước chấm “quốc hồn quốc tuý” của người Thái nói chung và các dân tộc thiểu số vùng cao nói riêng. Chẩm chéo được làm từ ớt, tỏi, gừng, muối, một số loại rau thơm (mùi, ngò gai) và đặc biệt phải có hạt mắc khén. Món nước chấm chẩm chéo có thể dùng cho nhiều món ăn, nhất là món nướng hay thịt lợn luộc, măng đắng. Ngay cả nhót non chấm chẩm chéo từ lâu cũng là món ăn dân dã của đồng bào Thái, đồng thời cũng là món quà miền ngược khiến bao phụ nữ miền xuôi nao lòng…
Một mùa ban mới lại bắt đầu, sắc xuân đã nhuộm thắm bản trên mường dưới của Tây Bắc. Thật hiếm nơi nào hội tụ đủ đầy những cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, cùng bản sắc văn hóa độc đáo, những món ăn hấp dẫn, điệu xoè mê hoặc như dân tộc Thái. Trong men say của đất trời, chúng ta như đắm chìm trong làn điệu với ca từ quyến luyến: “Điệu xòe, điệu xòe có tự bao giờ/Mà vẫn mê say như thuở nào/Điệu xòe, điệu xòe nhớ thuở ban đầu/Chân đi nhịp nhàng mà sao bối rối/Tay trong tay đêm nay/Chân bước đi rộn ràng/Em bâng khuâng trong điệu xòe/Để lại hơi ấm bàn tay/Tay trong đêm nay/Lòng xao xuyến bồi hồi/Em lung linh trong điệu xòe/Như cành ban trắng mùa xuân”.
Có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Tin khác

Tam Cốc-Bích Động: Mở cửa trở lại, đón khách du lịch từ 2/9

Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước tăng 21,5% so với cùng kỳ

Thúc đẩy tiềm năng du lịch golf tại Đà Nẵng

Du lịch Khánh Hòa ước đạt hơn 19.000 tỷ đồng sau 7 tháng

Kiên Giang tập trung phát triển du lịch thu hút khách quốc tế

Quảng Ninh thuộc TOP 3 địa phương có doanh thu du lịch từ 10.000 tỷ đồng trở lên

Nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với công dân 13 nước

7 tháng đầu năm: Quảng Bình thu hút 2,7 triệu lượt khách tham quan
Đọc nhiều / Mới nhận

150 doanh nghiệp Việt Nam - Israel kết nối giao thương trong lĩnh vực công-nông nghiệp, năng lượng

Bộ trưởng Công Thương: Hàng nông sản Việt Nam đã xuất khẩu vào 200/224 nước và vùng lãnh thổ
