Giá dầu tiếp tục xu hướng tăng do yếu tố nguồn cung
* Giá xăng tăng lần thứ tư liên tiếp, RON 95 lên hơn 23.500 đồng/lít
Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu diễn biến khá trầm lắng trong ngày 4/7 khi nhiều mặt hàng đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ. Phần lớn các mặt hàng còn lại biến động giằng co tuy nhiên lực mua chiếm ưu thế hơn đã kéo chỉ số MXV-Index tăng nhẹ 0,02% lên 2.293 điểm.
Tính đến 1h30 sáng 5/7, giá dầu WTI tăng 0,84% lên mức 84,06 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 0,1% lên 87,43 USD/thùng. Do thị trường đóng cửa sớm trong ngày Mỹ nghỉ lễ Quốc khánh, giá đóng cửa sẽ được tính toán vào sáng 6/7.
MXV cho biết, đà tăng này được thúc đẩy bởi rủi ro nguồn cung tăng cao bên cạnh yếu tố vĩ mô. Thêm vào đó, các căng thẳng tại khu vực Trung Đông cũng tiếp tục tạo ra sự chi phối trên thị trường.
Cụ thể, theo phát ngôn từ Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp Alberta, Todd Loewen cho biết hoạt động khai thác 215.000 thùng/ngày tại dự án cát dầu Firebag của Suncor Energy sẽ bị đóng cửa để đề phòng cháy rừng. Ông cũng cho biết thêm, hiện đang có hơn 60 đám cháy đang bùng phát khắp Alberta, bang sản xuất dầu lớn nhất Canada với hơn 5 triệu thùng/ngày. Các quan chức cũng đã đánh giá nguy cơ hỏa hoạn ở phía bắc của tỉnh là rất cao đến cực đoan. Trong năm ngoái, nguy cơ cháy rừng đã khiến hoạt động sản xuất gần 1 triệu thùng/ngày tại khu vực này phải tạm dừng.
Áp lực nguồn cung cũng được gia tăng khi theo nhà sản xuất dầu lớn đến từ Nga, Rosneft cho biết, họ sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu khoảng 220.000 thùng/ngày trong tháng 7 so với mức trung bình tháng 6 khi các nhà máy lọc dầu trong nước nối lại hoạt động sau giai đoạn bảo trì.
Bên cạnh đó, trong một tuyên bố mới được đưa ra, Chính phủ Trung Quốc đã đã yêu cầu các công ty dầu khí nhà nước bổ sung 8 triệu tấn, tương đương gần 60 triệu thùng dầu thô vào kho dự trữ khẩn cấp của nước này để tăng cường an ninh nguồn cung. Động thái trên là một tín hiệu mang tính hỗ trợ đối với giá khi mục tiêu nâng cao kho dự trữ sẽ buộc các nhà máy lọc dầu tại Trung Quốc tăng cường nhập khẩu.
Đối với yếu tố vĩ mô, nền kinh tế Mỹ đang cho thấy những dấu hiệu chịu áp lực sau khi chỉ số quản trị mua hàng (PMI) phi sản xuất tháng 6 giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm khi chỉ đạt 48,8 điểm. Điều này thúc đẩy niềm tin trên thị trường vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đẩy nhanh việc hạ lãi suất. Dấu hiệu áp lực đối với nền kinh tế Mỹ đã thúc đẩy thị trường nâng dự báo Fed cắt giảm lãi suất trong tháng 9 lên 74% từ 65%.
Ở một diễn biến khác, Hezbollah, Lebanon đã phát động một cuộc tấn công lớn hướng vào Israel và đưa ra đe dọa sẽ tấn công các mục tiêu mới để trả đũa việc một chỉ huy hàng đầu nước này hy sinh. Rủi ro địa chính trị qua đó cũng thúc đẩy đà tăng đối với giá khi căng thẳng biên giới giữa hai bên được đẩy lên cao làm dấy lên lo ngại một cuộc xung đột toàn diện, kéo theo sự tham gia tại các quốc gia tại khu vực.