Tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn
Bộ Công Thương cho biết, sau 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, công nghiệp nông thôn trên cả nước đạt được một số kết quả nhất định, tuy vậy, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, các chủ trương, định hướng về phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của Đảng và Nhà nước đã có sự điều chỉnh đáng kể.
Một số nội dung/quy định về khuyến công tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP cần được rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với đặc điểm tình hình hiện nay do bộc lộ một số bất cập, hạn chế như:
Một số khái niệm chưa rõ nghĩa, gây các cách hiểu không thống nhất, ảnh hưởng đến quá trình triển khai công tác khuyến công của các địa phương, đơn vị.
Mục tiêu của hoạt động khuyến công cần hướng đến những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước trong phát triển công nghiệp như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chuyển đổi số…
Danh mục ngành nghề được hưởng chính sách khuyến công chưa bao quát hết các nội dung mới theo quy định của pháp luật.
Việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương về trách nhiệm quản lý một số nội dung của hoạt động khuyến công cần được đẩy mạnh hơn. Tổ chức hệ thống khuyến công địa phương đã có sự thay đổi do quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công theo quy định của pháp luật.
Nâng cao hiệu quả chính sách khuyến công
Để khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP rất cần thiết và cấp bách theo hướng kế thừa những nội dung còn phù hợp của Nghị định hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm đưa ra các quy định cụ thể, dễ tuân thủ, dễ thực hiện; nâng cao chất lượng và làm sâu sắc hơn hiệu quả tác động của chính sách khuyến công; xác định trách nhiệm liên tục của trung ương và địa phương trong quá trình thực hiện; tạo sự chuyển biến rõ về chất lượng, bảo đảm chỉnh thể thống nhất giữa Nghị định mới và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhà nước tổ chức hoạt động khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn thực hiện những định hướng lớn của Đảng và Nhà nước trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như: Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chuyển đổi số…
Tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, chuyển đổi số,… phát triển mạnh sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn.
Dự kiến, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số vấn đề sau: Điều chỉnh đối tượng áp dụng của Nghị định; bổ sung mục tiêu của hoạt động khuyến công như: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chuyển đổi số; điều quy định về Chính sách khuyến công; trong đó điều chỉnh, bổ sung các nội dung hoạt động và bổ sung định mức hỗ trợ cho từng nội dung cụ thể; sửa đổi quy định về tổ chức hệ thống khuyến công địa phương...