Thị trường lo lắng về nguồn cung, giá dầu quay đầu hồi phục
Một số công ty vận tải biển lớn vẫn đang tránh Biển Đỏ sau các xung đột của phiến quân Houthi liên kết với Iran nhằm đáp trả hành động của Israel chống lại Hamas. Số lượng tàu chở dầu vì thế cũng ít hơn so với đầu năm. Quân đội Israel cho biết giao tranh sẽ còn tiếp tục đến năm 2024. Điều này làm dấy lên nguy cơ leo thang thành một cuộc khủng hoảng khu vực, làm gián đoạn nguồn cung dầu.
Nhà phân tích của Price Futures Group cho biết giá dầu tương lai cũng được hỗ trợ vào thứ Ba sau khi Saudi Arabia nhấn mạnh nỗ lực ổn định thị trường dầu mỏ. Ngoài ra, báo cáo dòng chảy dầu mới nhất của Nga bước đầu đã thể hiện mức độ hạn chế sản xuất dầu thô.
Ảnh minh họa |
Khoảng 3,28 triệu thùng dầu thô mỗi ngày đã được vận chuyển từ các cảng của Nga trong tuần đầu năm 2024, giảm hơn 500.000 thùng/ngày so với tuần trước đó. Con số này thấp hơn 300.000 thùng/ngày so với mức xuất khẩu trung bình trong tháng 5 và tháng 6, mốc thời gian cơ bản được Moscow sử dụng để giảm xuất khẩu dầu thô. Tín hiệu cắt giảm bước đầu được thể hiện, đã góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn Mỹ (STEO) tháng 1 của Cơ quan Thông tin Quản lý năng lượng Mỹ (EIA) phát hành đêm qua, thị trường dầu vẫn được nhận định sẽ thâm hụt khoảng 800.000 thùng/ngày trong quý I/2024. Con số này không đổi so với báo cáo trước đó. EIA kỳ vọng giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 82 USD/thùng năm 2024 và 79 USD/thùng vào năm 2025, gần với mức trung bình năm 2023 là 82 USD/thùng dựa trên kỳ vọng rằng cung và cầu toàn cầu về chất lỏng xăng dầu sẽ tương đối cân bằng.
EIA nhận định giá dầu WTI sẽ đạt trung bình 76,5 USD/thùng trong tháng 1 và sẽ tăng dần lên mức đỉnh 80,5 USD/thùng do việc nguồn cung hạn chế, trước khi giảm dần cho tới cuối năm để quay trở lại mức 76,5 USD/thùng. Mức đỉnh trong báo cáo lần này thấp hơn 1 USD/thùng so với dự báo trước đó.
Rạng sáng nay (10/1) theo giờ Việt Nam, Viện dầu khí Mỹ (API) báo cáo tồn kho dầu thương mại giảm mạnh 5,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 5/1. Tuy nhiên, tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất tiếp tục tăng lần lượt gần 5 triệu và 7 triệu thùng, phản ánh nhu cầu còn hạn chế. Có thể điều này đã gây áp lực nhẹ lên giá trong phiên mở cửa.
Ở một diễn biến khác, giá khí tự nhiên tăng vọt hơn 7% lên mức cao nhất kể từ tháng 11 trong bối cảnh thời tiết lạnh giá trên khắp nước Mỹ. Bối cảnh này làm gia tăng kỳ vọng về việc Mỹ phải rút một lượng lớn hàng tồn kho cho nhu cầu sưởi ấm, làm giảm thặng dư lưu trữ và hỗ trợ cho giá.