Thời gian làm việc Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội dự kiến kéo dài 26 ngày
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tại phiên họp thứ 32 diễn ra vào chiều 17/4.
Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được 17/17 ý kiến góp ý của các cơ quan, trong đó cơ bản nhất trí với dự kiến nội dung Kỳ họp; một số ý kiến đề nghị các vấn đề cụ thể; Chính phủ đề nghị điều chỉnh lùi thời gian trình 1 nội dung và bổ sung 13 nội dung khác để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Báo Chính phủ cho hay, ngày 14/3/2024, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản gửi đến Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội đề nghị cho ý kiến đối với các nội dung Chính phủ đề nghị bổ sung trình tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; đồng thời, có văn bản đề nghị Chính phủ đề xuất cụ thể thời gian trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các nội dung này và gửi hồ sơ, tài liệu đến các cơ quan của Quốc hội bảo đảm thời gian theo quy định.
Đến ngày 20/3/2024, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề xuất thời điểm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các nội dung Chính phủ đề nghị bổ sung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Trong đó, bổ sung 6 nội dung vào dự kiến Chương trình Kỳ họp, bao gồm, 3 nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này: Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước); điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Phương án xử lý nguồn tiền thực hiện phán quyết của Trọng tài quốc tế Vụ kiện Hợp đồng dầu khí Lô 01&02.
Cũng theo Báo Chính phủ, bên cạnh các nội dung trên còn có 3 nội dung vừa được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7: Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Do đó, dự kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét 24 nội dung thuộc công tác lập pháp; 16 nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 20 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.
Về cách thức tiến hành và dự kiến chương trình chi tiết, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị tăng thời gian thảo luận ở hội trường của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lên 1 ngày; bố trí thảo luận nội dung về kết quả thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới năm 2023, do kết quả thực hiện năm 2023 là năm bản lề để đánh giá sơ bộ việc thực hiện mục tiêu đến năm 2025 và đưa ra những dự báo và giải pháp để đạt được mục tiêu năm 2030.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đồng ý với đề nghị của Thường trực Ủy ban Xã hội về thời gian thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đối với nội dung về kết quả thực hiện mục tiêu của chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, trên cơ sở ý kiến của Thường trực Ủy ban Xã hội, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến có thể bố trí thảo luận nội dung này cùng với các phiên thảo luận ở tổ và hội trường về kinh tế - xã hội.
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26 ngày; khai mạc vào ngày 20/5 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 27/6, trong đó có bố trí Quốc hội làm việc 2 ngày thứ Bảy (ngày 25/5 và ngày 8/6). Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt. Cụ thể, Đợt 1 là 17 ngày, từ ngày 20/5 đến ngày 8/6. Đợt 2 là 9 ngày, từ ngày 17/6 đến sáng ngày 27/6.
Về chuẩn bị nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, công tác chuẩn bị nội dung kỳ họp đã và đang được các cơ quan hữu quan tiến hành khẩn trương nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ, kịp thời phục vụ kỳ họp. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực các Ủy ban phụ trách nội dung phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, các cơ quan, tổ chức có liên quan, Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội; tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, tổ chức khảo sát, hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động để hoàn thiện các dự án, dự thảo,... bảo đảm chất lượng các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.