Thời sự Tin tức Nghị quyết Đảng vào cuộc sống Thông tin đối ngoại Kỷ cương hành chính Nhân sự
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 2,5 ngày (dự phòng 1 ngày) có ý nghĩa hết sức quan trọng. Phiên họp sẽ xem xét, thông qua rất nhiều nội dung, nhất là cho ý kiến tiếp thu, giải trình các dự án Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã qua 2/3 thời gian chương trình, nội dung kỳ họp đã được thực hiện theo đúng yêu cầu đổi mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình đợt 1 đã đạt nhiều kết quả quan trọng, được đại biểu Quốc hội đánh giá cao.
Liên quan đến công tác xây dựng Luật, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh lại quan điểm, Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không hành chính hóa các nội dung nghị định và thông tư, tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện Luật; gắn công tác xây dựng Luật và tổ chức thi hành Luật đạt kết quả cao nhất.
Tại phiên họp thứ 39, dự kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến với 12 nội dung, trong đó tiếp thu, chỉnh lý 9 Dự thảo Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và một số nội dung quan trọng khác, như xem xét công tác nhân sự tại đợt 2 kỳ họp; xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành phố…
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cơ quan của Quốc hội chủ trì nội dung tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ nhằm hoàn thiện các dự thảo Luật. Đối với những dự án Luật được xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, chỉ những vấn đề đã "chín", đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì mới được thông qua.
Ngay sau phần khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của 12 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.