Top 5 chiếm 81% thị phần môi giới hàng hóa quý II/2024
Trong quý II/2024, giá hàng hoá nguyên liệu thế giới biến động mạnh, đã kéo dòng tiền liên tục đổ về thị trường. Khối lượng giao dịch liên thông với thế giới tại Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) tăng trưởng 15% so với quý I/2024 và tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Top 5 chiếm lĩnh thị phần môi giới cả nước
Theo số liệu từ MXV, bảng xếp hạng thị phần quý II không có nhiều xáo trộn trong top 5 môi giới hàng hóa. Top 5 chiếm tổng thị phần 81%, tuy nhiên thị phần của từng công ty đã có sự biến động đáng kể.
Theo đó, CTCP Giao dịch hàng hóa Gia Cát Lợi mở rộng thị phần từ 25,8% lên 31,4%, tiếp tục duy trì vị trí số 1 về thị phần môi giới giao dịch hàng hóa tại Việt Nam. Là một trong những thành viên đầu tiên và có quy mô văn phòng, chi nhánh lớn nhất cả nước, Gia Cát Lợi hiện có số lượng tài khoản giao dịch lớn nhất, chiếm hơn 40% tổng số lượng tài khoản toàn thị trường.
Ba vị trí tiếp theo trong top 5 bám sát Gia Cát Lợi, tạo nên cuộc đua thị phần sôi động trong quý vừa qua. CTCP Giao dịch hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh (HCT) kết thúc quý ở vị trí thứ 2, với 17,9% thị phần. Đứng thứ 3, Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Hữu Nghị (Finvest) gia tăng thị phần lên mức 17,3%. CTCP Saigon Futures nắm giữ 10,1% thị phần, vươn lên vị trí thứ 4.
Xếp thứ 5, CTCP Hitech Finance chiếm 4,4% thị phần. Ở top sau chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của CTCP Giao dịch Hàng hóa Đông Nam Á và CTCP Tập đoàn HT Việt Nam lần lượt với 3,2 và 2,4% thị phần.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc MXV cho biết: “Kết quả thị phần môi giới đã phản ánh sự đầu tư bài bản và chuyên nghiệp của các thành viên trên thị trường giao dịch hàng hoá. Với dự báo thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2024, cuộc đua vào top 5 sẽ rất sôi động trong thời gian tới”.
Đậu tương dẫn đầu xu hướng giao dịch
Tâm điểm của thị trường hướng về mặt hàng đậu tương đang liên thông với Sở Chicago. Trong quý II, đậu tương đã soán ngôi dầu thô WTI trở thành sản phẩm được giao dịch nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm 16,5% khối lượng giao dịch tại MXV. Các mặt hàng liên quan khác như khô đậu tương, dầu đậu tương cũng đều ghi nhận mức tăng trưởng giao dịch ấn tượng.
Đây là kết quả không bất ngờ với thị trường, khi đậu tương là nguyên liệu đầu vào rất khó thay thế trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi, một trong những ngành sản xuất thiết yếu tại Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Hiện nay, Việt Nam là nước nhập khẩu khô đậu tương lớn thứ 3 và nhập khẩu đậu tương lớn thứ 9 trên thế giới.
Xếp sau đậu tương, mặt hàng bạch kim liên thông với Sở NYMEX chiếm tỉ trọng 15,1% và đứng thứ hai trong danh sách các mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trong quý II.
“Khối lượng giao dịch các sản phẩm kim loại vẫn tăng trưởng đều đặn, đặc biệt là mặt hàng bạch kim. Là mặt hàng trú ẩn an toàn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, xung đột địa chính trị leo thang, bạch kim sẽ tiếp tục là mặt hàng chiến lược trong danh mục bảo hiểm giá, đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới”, ông Quỳnh cho biết.
Các vị trí xếp sau có sự xuất hiện của các mặt hàng chủ chốt trong cả 3 nhóm mặt hàng còn lại. Lúa mì và cà phê Robusta lần lượt xếp thứ 3 và thứ 4 với 7,8% và 6,8% tổng khối lượng giao dịch. Dầu WTI Micro đứng thứ 5 với 6,1%. Trong khi đó, đồng Micro đã vươn lên vị trí thứ 6 với tỉ trọng 6,0%.
Giai đoạn nửa cuối năm nay, các chuyên gia đều đưa ra dự báo giá hàng hóa sẽ tiếp tục biến động mạnh. Đối với nhóm nông sản và nguyên liệu công nghiệp, nguồn cung vẫn là nhân tố chính tác động đến thị trường. Riêng với cà phê, giá vẫn sẽ neo ở mức cao hơn so với cùng kỳ các năm trước, do nguồn cung nhìn chung vẫn eo hẹp.
Trong khi đó, kim loại dự kiến là điểm sáng của thị trường trong nửa còn lại của năm. Đà tăng giá của các mặt hàng nhóm này sẽ tiếp tục được duy trì, đặc biệt là giá đồng, do kim loại này đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung nặng nề. Cuối năm nay cũng là thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này sẽ tạo sức ép lên đồng USD, qua đó hỗ trợ cho giá kim loại tăng cao, đặc biệt là kim loại quý, vì nhóm này vốn nhạy cảm với biến động tiền tệ.
“Trong bối cảnh cung cầu và các yếu tố vĩ mô đang biến động mạnh như hiện tại, giá hàng hóa còn rất nhiều dư địa tăng. Khối lượng giao dịch hàng hóa có thể sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm”, ông Quỳnh nhận định.