Ấn Độ và Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu ký Hiệp định Đối tác Kinh tế và Thương mại
Hiệp định có 14 chương, bao gồm thương mại hàng hóa, quy tắc xuất xứ, quyền sở hữu trí tuệ (IPR), thương mại dịch vụ, xúc tiến đầu tư và hợp tác, mua sắm chính phủ, rào cản kỹ thuật đối với thương mại và tạo thuận lợi thương mại. Theo các hiệp định thương mại tự do, hai đối tác thương mại giảm đáng kể hoặc loại bỏ thuế hải quan đối với số lượng hàng hóa tối đa được giao dịch giữa hai bên, bên cạnh việc nới lỏng các quy định để thúc đẩy thương mại dịch vụ và đầu tư.
Theo đó, TEPA sẽ tạo cơ hội hội nhập vào thị trường EU. Hơn 40% xuất khẩu dịch vụ toàn cầu của Thụy Sĩ là sang EU, các công ty Ấn Độ có thể tìm đến Thụy Sĩ như một cơ sở để mở rộng thị trường sang EU. Mặt khác, TEPA hứa hẹn sẽ kích thích xuất khẩu dịch vụ của Ấn Độ trong các lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh và quan tâm chính như dịch vụ CNTT, dịch vụ kinh doanh, dịch vụ cá nhân, văn hóa, thể thao và giải trí, dịch vụ giáo dục khác...
Ưu đãi tiếp cận thị trường của EFTA sẽ bao gồm 100% các sản phẩm phi nông nghiệp và ưu đãi thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp chế biến (PAP). Ấn Độ đang đưa ra 82,7% số dòng thuế, bao gồm 95,3% xuất khẩu của EFTA, trong đó hơn 80% nhập khẩu là vàng. Thuế thực tế đối với vàng vẫn không bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, Ấn Độ đã đề xuất 105 tiểu ngành cho EFTA và bảo đảm cam kết trong 128 tiểu ngành từ Thụy Sĩ, 114 từ Na Uy, 107 từ Liechtenstein và 110 từ Iceland. Với điều này, TEPA mở ra cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ khả năng tiếp cận các đầu vào chuyên biệt và tạo ra môi trường đầu tư và thương mại thuận lợi. Điều này sẽ thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa do Ấn Độ sản xuất cũng như tạo cơ hội cho ngành dịch vụ tiếp cận nhiều thị trường hơn. Ngoài ra, hiệp định thương mại với EFTA còn có quy định về các hiệp định thừa nhận lẫn nhau trong các dịch vụ chuyên môn như điều dưỡng, kế toán viên, kiến trúc sư...
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal mô tả việc ký kết là một "thời điểm bước ngoặt" vì đây là hiệp định thương mại hiện đại đầu tiên của Ấn Độ với một khối gồm các nước phát triển.
Ấn Độ và EFTA bắt đầu đàm phán TEPA kể từ tháng 1.2008 và trải qua 13 vòng đàm phán cho đến tháng 11.2013 trước khi bị tạm dừng. Sau đó, hai bên đã nối lại đàm phán vào tháng 10.2023. Thương mại hai chiều Ấn Độ - EFTA đạt 18,65 tỷ USD trong năm tài chính 2022 - 2023 so với 27,23 tỷ USD trong năm tài chính 2021 - 2022. Thâm hụt thương mại là 14,8 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua. Trong khối, Thụy Sĩ là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, tiếp theo là Na Uy.
Các nước EFTA không phải là thành viên của Liên minh châu Âu (EU). Đây là một tổ chức liên chính phủ nhằm thúc đẩy và tăng cường thương mại tự do. Hiệp hội được thành lập như một giải pháp thay thế cho các quốc gia không muốn gia nhập cộng đồng châu Âu. Thêm vào đó, Ấn Độ đang đàm phán một hiệp định thương mại tự do toàn diện riêng biệt với EU, khối 27 quốc gia.