Quốc hội xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia
Về việc bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng thuốc lá, theo Uỷ ban Tài chính Ngân sách (TCNS), lộ trình tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá theo phương án 2 để góp phần tăng tính hiệu quả của chính sách trong định hướng tiêu dùng và phù hợp với xu hướng cải cách thuế của các nước.
Về việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với rượu, bia theo lộ trình, đa số ý kiến của Uỷ ban TCNS đồng tình với việc tăng thuế như phương án 2. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc tính toán, đề xuất mức tăng hợp lý để có thể đạt được các mục tiêu đặt ra. Có ý kiến cho rằng, việc quy định thuế suất đối với bia bằng thuế suất đối với rượu trên 20 độ là chưa thực sự phù hợp vì tác hại của rượu hay bia phụ thuộc chính vào nồng độ cồn.
Quang cảnh phiên họp |
Về việc sửa đổi, bổ sung mô tả và mức thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường và sửa đổi thuế suất đối với mặt hàng xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, đa số ý kiến nhất trí với đề xuất quy định thuế suất thấp hơn đối với các loại xe sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường để giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với xu thế của quốc tế.
Về thuế suất đối với mặt hàng xe ô tô pick-up chở hàng cabin kép, đa số ý kiến cho rằng, việc nâng thuế suất như đề nghị của Chính phủ là phù hợp để điều tiết hạn chế sử dụng phương tiện giao thông, góp phần bảo đảm việc sử dụng xe ô tô vừa chở người vừa chở hàng theo đúng mục tiêu thiết kế xe, tránh lợi dụng chính sách và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Một số ý kiến cho rằng, xe pick-up chở hàng cabin kép bản chất là xe ô tô tải, với công năng chính là vận tải hàng hóa, phục vụ kinh doanh nhỏ và vừa, thuận tiện và đơn giản trong vận chuyển hàng hóa. Do đó, đề nghị giữ nguyên mức thuế suất thuế TTĐB theo Luật hiện hành…
Về quy định đối với mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), có hàm lượng đường trên 5g/100ml, đa số ý kiến của Uỷ ban TCNS nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc áp dụng mức thuế suất 10% đối với mặt hàng này.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, mục tiêu chính của việc đề xuất bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế là để điều tiết, định hướng hành vi sản xuất, tiêu dùng đối với sản phẩm này, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân. Song, mức thuế suất 10% là khá thấp, có thể không đủ để tác động, thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, dẫn đến không đạt được mục tiêu đặt ra trong ban hành chính sách. Do đó, cần cân nhắc để đề xuất mức thuế cao hơn để đạt được mục tiêu điều tiết tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe người dân.