Giá gạo giảm mạnh, Thủ tướng yêu cầu giám sát thu mua, tránh lợi dụng ép giá

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 21/CĐ-TTg ngày 4/3/2025 về việc điều hành đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo trước diễn biến thị trường thế giới và trong nước.

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu lúa gạo- Ảnh 1.

Trước tác động của diễn biến cung cầu thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2025 có xu hướng suy giảm do giá xuất khẩu liên tục giảm.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Ngoại giao, Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam; Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng Lúa gạo Việt Nam; Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, Tổng Công ty Lương thực miền Nam.

Công điện nêu: Trong những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu lúa gạo luôn duy trì phát triển ổn định và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2025, thương mại lúa gạo toàn cầu diễn biến phức tạp, nguồn cung thế giới trở nên dư thừa. Nhu cầu nhập khẩu của các nước trên thế giới giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi trong thời gian ngắn hạn, các thị trường nhập khẩu lớn đang thận trọng trong dự trữ và thu mua gạo. Trước tác động của diễn biến cung cầu thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2025 có xu hướng suy giảm do giá xuất khẩu liên tục giảm. Trong nước, hiện nay các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long đang thu hoạch rộ lúa vụ Đông Xuân nên có hiện tượng giá thu mua lúa giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2024.

Để đảm bảo việc điều hành cân đối cung cầu lúa gạo trong nước và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, tranh thủ cơ hội xuất khẩu và đảm bảo hài hòa lợi ích cho người sản xuất và các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hiệp hội và doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo theo dõi sát sao, cập nhật kịp thời các biến động về chính sách, các diễn biến thị trường của các quốc gia xuất khẩu, nhập khẩu để chủ động tổ chức thực hiện tích cực, hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, tập trung chỉ đạo, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường: Chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long sản xuất đảm bảo sản lượng và diện tích theo kế hoạch đã đặt ra, trước mắt tập trung sản xuất, thu hoạch lúa vụ Đông Xuân đúng thời vụ; theo dõi sát sao lịch thời vụ và tình hình hạn mặn nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất lúa;

Tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", đặc biệt đẩy mạnh nhân rộng quy trình sản xuất lúa giảm phát thải để giảm chi phí sản xuất và tăng giá bán cho nông dân;

Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới, nhất là sự điều chỉnh chính sách tại các nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan…; nắm bắt nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường còn nhiều dư địa như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Phi cung cấp, cập nhật thông tin tới các địa phương, doanh nghiệp để có những điều chỉnh kịp thời kế hoạch sản xuất, xuất khẩu phù hợp với diễn biến thị trường;

Về dài hạn, tập trung nghiên cứu, cải thiện cơ cấu sản xuất và chất lượng sản phẩm, tập trung vào các giống lúa có chất lượng và giá trị cao, các giống lúa đặc sản; ứng dụng công nghệ hiện đại, đầu tư nghiên cứu và nhân giống, phát triển các giống lúa có khả năng chịu hạn, chịu mặn, kháng sâu bệnh nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai; tăng cường chế biến sâu tạo ra các sản phẩm có giá trị, sản phẩm đặc sản, hữu cơ; tiếp tục tham mưu trình Chính phủ phê duyệt và triển khai Đề án "Phát triển hệ thống logistics nhằm nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030" nhằm nâng cao khả năng lưu chứa, dự trữ, bảo quản hiện đại, góp phần đảm bảo chất lượng gạo phục vụ xuất khẩu vào các thời điểm thị trường thế giới nhu cầu nhập khẩu và giá thành cao; Nghiên cứu, tham mưu xây dựng và phát triển các thương hiệu gạo bền vững và thân thiện môi trường;

Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để nông dân, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội có đầy đủ thông tin, nắm rõ tình hình, kế hoạch sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Tiếp tục chủ trì, đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện "Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030" và các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tại các Chỉ thị, Công điện về thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu gạo;

Chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Ủy ban nhân dân các địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra việc thực hiện việc thu mua, xuất nhập khẩu lúa gạo góp phần làm lành mạnh thị trường đặc biệt là khả năng dự trữ bắt buộc theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP;

Chủ trì tăng cường xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường lớn, thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa với các phân khúc sản phẩm của Việt Nam, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc (gạo chất lượng cao, gạo thơm đặc sản giá trị cao như ST24, ST25), Trung Đông, Châu Phi, ASEAN (gạo trắng) thông qua các hiệp định thương mại tự do hoặc các thỏa thuận song phương đã ký kết nhằm đa dạng hóa thị trường, giảm dần phụ thuộc vào các quốc gia nhập khẩu truyền thống; cung cấp thông tin, hướng dẫn cho các doanh nghiệp các thời điểm tập trung xuất khẩu có lợi về giá và tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế;

Tăng cường các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ gạo trong nước; quan tâm các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại cấp quốc gia về đào tạo, tập huấn phát triển sản phẩm, thiết kế bao bì nhằm đa dạng hóa các sản phẩm từ gạo phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu;

Tổng kết, đánh giá và rà soát, đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP và Nghị định số 01/2025/NĐ-CP toàn diện trong Quý II năm 2025, trong đó nghiên cứu đề xuất bổ sung các tiêu chí, điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh, xuất, nhập khẩu gạo, theo hướng ưu tiên, ưu đãi đối với các đơn vị có chuỗi liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm có hệ thống kho chứa, logistics đồng bộ, hiện đại nhằm khắc phục tình trạng thương lái thu mua ép giá nông dân. Đề xuất xây dựng tiêu chí đánh giá mức độ tín nhiệm đối với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu gạo hướng tới giảm đầu mối và minh bạch thông tin;

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Chỉ đạo nghiên cứu, tính toán mở rộng hạn ngạch, thời hạn cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực, có hệ thống kho chứa để mua gạo tạm trữ trong giai đoạn thị trường có biến động và giá mua thấp;

Chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, đáp ứng đủ nhu cầu tín dụng phục vụ thu mua và xuất khẩu lúa gạo, nhất là thu mua lúa hàng hóa vụ Đông Xuân tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long; hỗ trợ nông dân tái vụ; đơn giản hóa thủ tục xét duyệt cấp tín dụng, bao gồm các điều kiện về hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng thu mua lúa, tài sản bảo đảm...

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Chỉ đạo, tạo điều kiện hoàn thuế xuất khẩu sớm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo;

Tạo cơ chế thông quan nhanh gọn, thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tăng cường công tác kiểm tra đối với hoạt động xuất nhập khẩu gạo để tạo sự minh bạch và công bằng cho thị trường;

Chủ động xây dựng kế hoạch mua dự trữ gạo quốc gia năm 2025 để triển khai kịp thời khi có biến động bất lợi về giá lúa gạo.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Tăng cường nắm bắt, phổ biến thông tin về nhu cầu, thị hiếu và các quy định thị trường cũng như chính sách ngoại giao kinh tế để thông tin tới các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng lúa gạo;

Chủ trì nghiên cứu chính sách của các nước đối với thực phẩm, nông sản xuất nhập khẩu; tham mưu các giải pháp, hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm tăng cường và tạo điều kiện cho xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam sang thị trường quốc tế.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Chỉ đạo quyết liệt triển khai có hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030"; tổ chức sản xuất lúa gạo đảm bảo sản lượng và diện tích theo kế hoạch đã phê duyệt; theo dõi sát sao lịch thời vụ theo từng mùa vụ; chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình thu mua lúa gạo để kịp thời có giải pháp xử lý và cung cấp thông tin kịp thời cho các Bộ, ngành liên quan phục vụ công tác điều hành sản xuất và xuất khẩu. Tuyên truyền, vận động bà con nông dân yên tâm tiếp tục sản xuất vụ Hè Thu theo kế hoạch, để đảm bảo ổn định sản lượng theo kế hoạch;

Đẩy mạnh công tác quản lý thị trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình mua bán của các doanh nghiệp đầu mối, thương lái, tránh tình trạng lợi dụng tình hình để ép giá, trục lợi; cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp;

Nghiên cứu, tổ chức sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường; trên cơ sở kế hoạch chung của Bộ, ngành trong điều hành sản xuất, các địa phương chủ động điều chỉnh cơ cấu mùa vụ theo đặc thù của địa phương bảo đảm thuận lợi cho sản xuất và hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu;

Có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thu mua, vận chuyển lúa, gạo về kho chứa của các doanh nghiệp;

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo quy định tại Nghị định số 112/2024/NĐ-CP nhất là hỗ trợ cải thiện hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, mở rộng diện tích sản xuất.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo.

Chủ động tìm kiếm thị trường, nhất là các bạn hàng truyền thống với các Hiệp hội; tăng cường các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ để khắc phục tình trạng ép giá cho nông dân;

Tích cực mua tạm trữ lúa cho bà con nông dân và đăng ký, cung cấp thông tin về khả năng tạm trữ với Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường để phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ;

Tăng cường cập nhật, theo dõi, dự báo, cung cấp thông tin diễn biến tình hình sản xuất và thị trường lúa gạo trong nước và thế giới; khuyến khích các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội tích cực tham gia vào triển khai Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030";

Huy động, khuyến khích các thành viên tham gia thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ lúa gạo và các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ thống logistics nông sản gắn với vùng nguyên liệu.

Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo thực hiện Công điện này; Văn phòng Chính phủ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này theo chức năng, nhiệm vụ được giao

Cùng chuyên mục

Tin khác

Thủ tướng chỉ đạo 6 nhóm nhiệm vụ lớn trọng tâm, cấp bách

Thủ tướng chỉ đạo 6 nhóm nhiệm vụ lớn trọng tâm, cấp bách

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách thời gian tới, trong đó việc sắp xếp lại địa giới hành chính cấp tỉnh, xã, chính sách tiền tệ và tài khóa thúc đẩy tăng trưởng, không để thiếu điện, năng lượng, quan hệ thương mại với Hoa Kỳ...
Đồng chí Trần Hữu Linh giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước

Đồng chí Trần Hữu Linh giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước

Ngày 3/3/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký, ban hành Quyết định số 599/QĐ-BCT về việc bổ nhiệm đồng chí Trần Hữu Linh - nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường giữ chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước.
Thị trường trong nước tiếp tục là bệ đỡ quan trọng giúp duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định sản xuất

Thị trường trong nước tiếp tục là bệ đỡ quan trọng giúp duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định sản xuất

Năm 2025, thị trường thế giới được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khó lường, với nguy cơ gia tăng căng thẳng thương mại và chủ nghĩa bảo hộ. Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc mở rộng xuất khẩu và tìm kiếm thị trường mới, Bộ Công Thương đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc phát triển mạnh thị trường trong nước để đảm bảo tăng trưởng bền vững. Như những giai đoạn trước đây, thị trường trong nước tiếp tục là bệ đỡ quan trọng giúp duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định sản xuất.
Bảo đảm bộ máy nhà nước đi vào hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn sau khi thực hiện sắp xếp

Bảo đảm bộ máy nhà nước đi vào hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn sau khi thực hiện sắp xếp

Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Công điện số 20/CĐ-TTg ngày 26/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Phá đường dây mua bán thông tin ngân hàng, rửa tiền nghìn tỷ cho người nước ngoài

Phá đường dây mua bán thông tin ngân hàng, rửa tiền nghìn tỷ cho người nước ngoài

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đồng Nai vừa triệt phá thành công, bắt giữ nhóm đối tượng mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng, rửa tiền cho các đối tượng người nước ngoài, số tiền giao dịch trên 2.000 tỷ đồng.
Đắk Lắk: Bắt 2 vụ sản xuất, buôn bán cà phê bột giả

Đắk Lắk: Bắt 2 vụ sản xuất, buôn bán cà phê bột giả

Chiều ngày 21/2/2025, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết đơn vị đã phát hiện xử lý 2 vụ sản xuất, buôn bán cà phê bột giả, thu giữ nhiều tang vật.
Đến ngày 30/6, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng

Đến ngày 30/6, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng

Đến ngày 30 tháng 6 năm 2025, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc.
Việt Nam - Anh: Hợp tác phòng chống hàng hóa giả mạo và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Việt Nam - Anh: Hợp tác phòng chống hàng hóa giả mạo và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Chiều ngày 19/2, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức Hội thảo Vương quốc Anh gia nhập CPTPP - Ý nghĩa đối với doanh nghiệp. Trong khuôn khổ Hội thảo, Bộ Công Thương và Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-Len tại Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác thúc đẩy công tác phòng chống hàng hóa giả mạo và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo cam kết trong Hiệp định CPTPP.
Xem thêm

Đọc nhiều / Mới nhận