Ðào tạo Đại học ngành Quản lý thị trường: Ươm mầm hạt giống tốt
Làm việc theo kinh nghiệm
Có thể nói, công tác đào tạo nguồn nhân lực QLTT là một trong những nỗi trăn trở của tập thể Ban Lãnh đạo lực lượng QLTT qua các thời kỳ. Hình thành từ năm 1957, trong suốt quá trình phát triển, lực lượng QLTT đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển kinh tế đất nước.
Ngày nay, cùng với sự phát triển và hội nhập của nền kinh tế quốc tế, lực lượng QLTT ngày càng lớn mạnh, mô hình tổ chức đã được hoàn thiện, đảm bảo hoạt động hiệu lực hiệu quả trong tình hình mới.
Tổng cục QLTT đã phối hợp với Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế quốc dân) xây dựng chương trình và giáo trình đào tạo chính quy bậc Đại học chuyên ngành QLTT. |
Mặc dù lực lượng QLTT thường xuyên được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, do công tác đào tạo bồi dưỡng phần lớn phụ thuộc vào việc gửi tới các trường đào tạo khác, chưa thực sự chuyên sâu vào lĩnh vực QLTT, chính vì vậy các chương trình đào tạo chưa thật sự phù hợp, thiếu kiến thức cơ sở, nền tảng, còn nặng về đào tạo kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đơn thuần, thiếu kỹ năng nghề nghiệp để đáp ứng tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực QLTT
Chính vì lẽ đó, ngay từ những ngày đầu đảm đương trách nhiệm chèo lái con thuyền Tổng cục, Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh đã đặt vấn đề tìm kiếm mô hình đào tạo đại học chính quy cho lực lượng QLTT. Trong khoảng 2 năm qua, Tổng cục QLTT đã phối hợp với Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế quốc dân) xây dựng chương trình và giáo trình đào tạo chính quy bậc Đại học chuyên ngành QLTT.
Lễ ký kết thỏa thuận đào tạo theo nhu cầu và hợp tác giữa Tổng cục QLTT và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Đầu năm 2021 là dấu mốc mang tính lịch sử, đặt nền móng cho đào tạo nguồn nhân lực chính quy của QLTT.
“Đây cũng là tiền đề quan trọng để đào tạo nên một lực lượng công chức QLTT trong tương lai mạnh về trình độ chuyên môn, am hiểu về chính sách pháp luật, có kỹ năng nghề nghiệp khắc phục những hạn chế và yếu kém trong hoạt động công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó” - Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh - nhấn mạnh.
Lãnh đạo Tổng cục cũng xác định, đào tạo đại học về QLTT là định hướng chiến lược, quan trọng của lực lượng QLTT giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030; là điều kiện tiên quyết để phát triển lực lượng QLTT theo hướng chính quy - chuyên nghiệp - hiện đại.
PGS.TS TẠ VĂN LỢI Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế: Ngành QLTT chính thức được đưa vào tuyển sinh và đào tạo trong năm 2021 sẽ là chuyên ngành “hot” nối tiếp, hoàn thiện hơn vị trí việc làm cho các bạn trong quản lý hàng hóa dịch vụ. |
Đặc biệt, trong điều kiện hội nhập và toàn cầu hóa kinh tế, khoa học công nghệ phát triển mạnh, công nghệ số được ứng dụng vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, lực lượng QLTT chỉ có thể thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ được giao khi có một đội ngũ công chức QLTT đủ lớn với trình độ chuyên môn sâu, được đào tạo bài bản chính quy; biết ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào hoạt động QLTT.
Sẵn sàng cho công tác đào tạo
Theo PGS.TS Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, trước đây Viện đã từng đào tạo cán bộ hải quan theo các cam kết quốc tế, kiểm soát tốt hàng hóa trong khâu xuất nhập. Tuy nhiên, với khâu quản lý hàng hóa lưu thông trong nội địa thì từ trước đến nay chưa có chuyên ngành đào tạo chính quy lực lượng quản lý hàng hóa chuyên nghiệp.
QLTT qua 4 tổ hợp xét tuyển: A01, D01, D07, D09 với số lượng 50 chỉ tiêu. Mã tuyển sinh của ngành là “POHE”. |
Đầu tháng 4/2021, Trường Đại học kinh tế Quốc dân đã thu hút sự quan tâm lớn của các em học sinh cũng như các bậc phụ huynh khi chính thức công bố chỉ tiêu tuyển sinh chương trình đào tạo đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng Pohe với chuyên sâu QLTT thuộc ngành Kinh doanh thương mại.
Theo PGS.TS Tạ Văn Lợi: Mùa thi năm 2021 sẽ là năm đầu tiên Trường Đại học kinh tế quốc dân tuyển sinh chuyên sâu lĩnh vực QLTT qua 4 tổ hợp xét tuyển: A01, D01, D07, D09 với số lượng 50 chỉ tiêu. Mã tuyển sinh của ngành là “POHE”.
Trong các chương trình học, các bạn sinh viên sẽ được trau dồi kiến thức xung quanh các lĩnh vực quản lý thị trường, phòng chống gian lận thương mại, nghiệp vụ điều tra thị trường, nghiệp vụ thanh tra thị trường, pháp luật liên quan đến QLTT, bảo hộ sở hữu trí tuệ, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm và dược phẩm, quản lý xuất xứ hàng hóa. “Chúng tôi đã sẵn sàng cho công tác đào tạo đối với chuyên ngành QLTT cho năm tuyển sinh đầu tiên” PGS.TS Tạ Văn Lợi - khẳng định.