Bình Thuận nhiều giải pháp mở rộng xuất khẩu thanh long
Xuất khẩu phụ thuộc vào tiểu ngạch
Bình Thuận được xem là “thủ phủ” thanh long của cả nước với diện tích lên đến 33.750ha, trong đó 11.936ha đạt chứng nhận VietGAP, 517ha đạt GlobalGAP, tổng sản lượng trung bình 650.000 tấn quả/năm.
UBND tỉnh Bình Thuận, hiện nay việc mua bán thanh long chủ yếu thông qua thương lái, người sản xuất không quyết định được giá cả. Công nghiệp chế biến thanh long còn nhỏ lẻ, chất lượng chưa cao, chưa hỗ trợ hữu hiệu cho việc tiêu thụ thanh long quả tươi, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ.
Theo ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, thanh long Bình Thuận được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á, Đông Bắc Á... song vẫn còn khó khăn, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng chậm.
Các doanh nghiệp trong tỉnh chủ yếu bán thanh long cho các doanh nghiệp khác xuất khẩu hoặc xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch, buôn bán biên mậu nên không thống kê được kim ngạch.
Hiện thanh long Bình Thuận xuất khẩu sang Trung Quốc trên 500.000 tấn/năm nhưng với phương thức chủ yếu là xuất khẩu tiểu ngạch và buôn bán biên mậu qua các cửa khẩu đường bộ”. Chính vì vậy, việc phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát tại các cửa khẩu phía Bắc ảnh hưởng lớn đến tình hình tiêu thụ nông sản, hoa quả, đặc biệt là thanh long của tỉnh trong thời gian qua.
Bình Thuận nhiều giải pháp mở rộng xuất khẩu thanh long |
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Theo UBND tỉnh Bình Thuận, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài để phát triển và mở rộng thêm thị trường xuất khẩu cho thanh long Bình Thuận như: Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, các quốc gia Trung Đông và các nước đã ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Đối với thị trường trong nước, ngoài hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, tỉnh sẽ thực hiện tốt các chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước. Từ đó hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, mở thêm các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm; trọng tâm là thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, kế tiếp là thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Duyên hải miền Trung -Tây Nguyên...
Để đảm bảo hoạt động xuất khẩu thanh long Bình Thuận sang thị trường Trung Quốc được thuận lợi, tránh ùn ứ phương tiện và hàng hóa xuất khẩu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người dân, Sở Công thương đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, Hiệp hội thanh long Bình Thuận thường xuyên cập nhật các thông tin, tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu và các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Từ đó chủ động trong việc thu hoạch, thu mua hàng hoá, tính toán phương án vận chuyển hàng lên cửa khẩu đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, xuất nhập hàng hóa hợp lý để tránh ùn ứ hàng nông sản, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.
Cùng với đó, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, cập nhật tình hình, những yêu cầu của thị trường xuất khẩu; chú trọng, quan tâm thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương, liên hệ với đối tác để đàm phán chuyển dần sang hình thức chính ngạch để giảm thiểu rủi ro…