Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo “Giả danh shipper” chiếm đoạt tài sản
Thời gian vừa qua, từ công tác điều tra và phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đồng Nai ghi nhận nhiều vụ việc người dân bị các đối tượng giả danh shipper để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, anh N.H.T (trú TP Biên Hoà) cho biết, trước đó nhận được cuộc gọi từ số điện thoại nói là shipper giao đơn hàng có giá trị 111.000 đồng. Do anh T. không có nhà và hẹn thời điểm khác. Tuy nhiên người shipper này thúc giục nhận hàng, nếu không giao sẽ không kịp chỉ tiêu. Do trước đó cũng đã đặt đơn hàng giá trị tương tự qua mạng, anh T. đã không nghi ngờ mà chuyển khoản thanh toán theo yêu cầu.
Ảnh minh hoạ |
Sau khi chuyển tiền, anh T. lại nhận được tin nhắn từ shipper đã gửi nhầm số tài khoản thẻ hội viên “Giao Hàng Tiết Kiệm”, Trung tâm giao hàng sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3.500.000 đồng từ tài khoản của anh T, nếu không có tiền sẽ bị nợ xấu. Đồng thời, gửi kèm một đường link, giới thiệu là trang Facebook của trung tâm vận chuyển để anh T. liên hệ hủy đăng ký hội viên.
Sau đó, đối tượng giả danh shipper liên tục gọi điện thúc giục anh T. nhấp vào đường link trên để nhắn tin hủy đăng ký, lo sợ bị trừ tiền nên anh T. đã truy cập đường link và nhắn tin theo hướng dẫn, đăng nhập App ngân hàng, nhập mã xác thực (gồm dãy số 6 ký tự), giữ nút chuyển tiền trong 3 giây, sau đó ấn chuyển tiền.
Do nghi ngờ, anh T, kiểm tra trang Facebook tên “Giao Hàng Tiết Kiệm”, liên hệ tổng đài công ty vận chuyển để xác minh số điện thoại và phát hiện mình bị lừa, lập tức dừng mọi thao tác.
Đây là hình thức lừa đảo mới, các đối tượng thông qua việc tham gia các buổi bán hàng trực tuyến (livestreams) trên các nền tảng mạng xã hội để thu thập thông tin khách hàng và các sản phẩm được đặt mua từ các bình luận công khai của khách hàng để giả danh shipper giao hàng lừa, chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng; đồng thời chiếm đoạt luôn số tiền nạn nhân đã thanh toán trước đó rồi cắt liên lạc.
Gần đây nhất, ngày 30/8, Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trực thuộc đơn vị vừa tiếp nhận thông tin về một vụ lừa đảo tinh vi.
Nạn nhân là anh T.T.L., trú tại phường Bãi Cháy, Tp.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, làm nghề shipper. Anh T.T.L. khai báo, trước đó anh nhận được yêu cầu từ một khách hàng lạ mặt nhờ mua giúp một thùng rượu vang tại một cửa hàng trên địa bàn phường Bãi Cháy. Khách hàng cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết về loại rượu và hứa sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền, kèm theo một khoản hoa hồng 200.000 đồng sau khi công việc hoàn thành. Tin tưởng vào lời hứa, anh T.T.L. đã đến cửa hàng và mua thùng rượu với giá 5 triệu đồng. Sau đó, anh mang thùng rượu đến địa điểm giao hàng theo chỉ dẫn, nhưng khi đến nơi, anh không thể liên lạc được với khách hàng.
Đối tượng lừa đảo hình thức trên thường tạo ra đơn hàng giả và yêu cầu shipper giao hàng đến địa chỉ không có thật hoặc không tồn tại. Bên cạnh đó, đối tượng thường xuyên yêu cầu shipper phải thanh toán một khoản tiền trước khi nhận đơn hàng hoặc yêu cầu thanh toán tiền mặt từ khách hàng khi không có lý do rõ ràng. Để tạo lòng tin, đối tượng còn cung cấp thông tin cá nhân giả mạo, đưa ra lời hứa sẽ thanh toán thêm tiền hoa hồng với nhân viên giao hàng. Sau khi nạn nhân đồng ý và thực hiện theo yêu cầu, nạn nhân giao đến địa chỉ được đối tượng cung cấp nhưng lại bị chặn liên lạc và chiếm đoạt tài sản.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dùng đặc biệt là nhân viên giao hàng cần xác minh đơn hàng và địa chỉ giao hàng thông qua các kênh chính thức của hệ thống quản lý đơn hàng. Tuyệt đối không thực hiện giao hàng nếu có nghi ngờ về tính xác thực của đơn hàng. Chỉ thanh toán tiền và nhận tiền từ các nguồn tin cậy và theo quy trình chính thức của công ty hoặc nền tảng giao hàng. Không chia sẻ thông tin cá nhân hoặc tài chính với những người không xác định hoặc qua các phương tiện không an toàn. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.