Cao điểm kiểm soát thị trường hàng hóa dịp Tết 2025
Nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng cao để chuẩn bị cho dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã chủ động triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm, trước, trong và sau Tết với nhiều giải pháp quyết liệt, phù hợp.
Theo đó, đợt cao điểm tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như: Thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát, đường cát, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, gia súc, gia cầm, các sản phẩm chế biến từ gia súc, gia cầm, pháo nổ, pháo hoa các loại.
Thu giữ hàng ngàn linh phụ kiện điện thoại không nguồn gốc tại Bình Thuận |
Đặc biệt, kiểm soát hàng hóa kinh doanh trên môi trường online như: Sàn thương mại điện tử, website, các mạng xã hội như: Facebook, TikTok; kiểm tra chất lượng hàng hóa, việc chấp hành các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Bình Thuận chú trọng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân dịp Tết. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thường xuyên rà soát, kiểm tra trên khâu lưu thông, các điểm kinh doanh, các kho hàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh, thực hiện cao điểm, trong tháng 11, lực lượng quản lý thị trường đã tổ chức kiểm tra hơn 30 vụ, phát hiện và xử lý 8 vụ vi phạm về các hành vi: Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; sản xuất thực phẩm có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nhưng đã hết hiệu lực. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước hơn 187 triệu đồng.
Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) phát hiện và xử lý một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên đường Bùi Thị Xuân, thành phố Phan Thiết có nhiều vi phạm trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả.
Lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở đang kinh doanh 444 sản phẩm thực phẩm có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, 757 sản phẩm thực phẩm có dấu hiệu nhập lậu. Đoàn kiểm tra còn phát hiện cơ sở này kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường.
Ngoài ra, Bình Thuận tăng cường kiểm tra, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận kiểm tra hoạt động của 20 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 9 vụ vi phạm với các lỗi vi phạm chủ yếu như: Không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; có thực hiện đăng ký hệ thống phân phối nhưng không đúng thời gian theo quy định… Lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt với tổng số tiền 270 triệu đồng.
Đại diện Cục quản lý thị trường cho biết, từ nay đến kết thúc đợt cao điểm, cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ổn định thị trường, Cục cũng chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa và bảo đảm an toàn thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp không tham gia, tiếp tay và cùng tham gia đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, mua bán hàng cấm, hàng giả.