Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hòa Bình tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng diễn ra trong bối cảnh thế giới có những biến động lớn với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, tình hình an ninh, chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa trên địa bàn tỉnh Hòa Bình luôn được giữ vững theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các lực lượng chức năng tại các địa phương tăng cường công tác phối hợp nắm bắt tình hình, đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Công tác phối hợp, chế độ báo cáo, cung cấp thông tin kịp thời tới Ban Chỉ đạo tỉnh nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hòa Bình đã áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn trên từng địa bàn, đảm bảo các hoạt động công tác thường xuyên, liên tục.
Tại Hội nghị, Đồng chí Nguyễn Bá Thức, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024. Theo đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hòa Bình, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và các lực lượng chức năng trong tỉnh đã cố gắng, nỗ lực, phối hợp tốt với các ngành, các địa phương, tăng cường công tác nắm bắt tình hình, đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó, đã phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh, nhằm ngăn chặn giảm thiểu các vụ việc vận chuyển hàng giả, hàng cấm, hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vào địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 711 vụ. Trong đó: 49 vụ về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 662 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế. Tổng số tiền xử phạt và truy thu thuế: 288.860 triệu đồng (bằng 210% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó: Tổng số tiền phạt VPHC: 89.655 triệu đồng; Tiền thu phạt bổ sung và truy thu: 199.205 triệu đồng. Xử lý hình sự: khởi tố 10 vụ, 10 đối tượng.
Cục Quản lý thị trường - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thực hiện tốt vai trò Cơ quan Thường trực, tham mưu giúp Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh xây dựng các văn bản, phương án, kế hoạch kiểm tra, tổng hợp và báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo quy định; chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trên địa bàn toàn tỉnh chủ trì, phối hợp với các lực lượng tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa gian lận nguồn gốc xuất xứ. Trong năm 2024, toàn Cục QLTT tỉnh đã nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Tổng cục QLTT tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đạt hiệu quả, cụ thể: kiểm tra 1.081 vụ, xử lý 326 vụ, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 1.951,275 triệu đồng. Hàng hoá là tang vật vi phạm hành chính tịch thu 2.387,213 triệu đồng.
Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hòa Bình về kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đoàn liên ngành (Cục Quản lý thị trường chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ) đã tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đối với 52 cơ sở. Trong đó số cơ sở được kiểm tra, giám sát 48 cơ sở; thực hiện ký cam kết 02 cơ sở; 02 cơ sở đã thông báo ngừng hoạt động. Phát hiện 29 Doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh: Số doanh nghiệp đã xử phạt 10 doanh nghiệp, tổng số tiền vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước là 137,9 triệu đồng; Số doanh nghiệp đang trong quá trình xử lý là 19 doanh nghiệp. Hành vi vi phạm chủ yếu: Sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ; Lập hóa đơn không đúng thời điểm, việc kê khai thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng không đúng biểu mẫu theo quy định.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hòa Bình tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 |
Công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các phương tiện thông tin đại chúng hiệu quả, lan tỏa rộng rãi. Công tác phối hợp, trao đổi thông tin về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giữa các lực lượng chức năng được phát huy.
Các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những mặt tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024. Đồng thời đề xuất, kiến nghị một số vấn đề nhằm thực hiện tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ được giao thời gian tới như: Đề nghị quan tâm bổ sung kinh phí cho công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ trực tiếp làm công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhất là trong hoạt động thương mại điện tử, hàng đa cấp và sở hữu trí tuệ. Kiến nghị rà soát, sửa đổi, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt là các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, tránh quy định chồng chéo, trùng lặp và các chế tài xử lý bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tính khả thi của hệ thống pháp luật; rà soát xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Quách Tất Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024. Nhấn mạnh về nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, thành viên Ban Chỉ đạo và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức pháp luật và có kiến thức, kỹ năng phân biệt hàng thật, hàng giả, tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần xây dựng thị trường lành mạnh, ổn định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt là kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội như pháo nổ,vật liệu nổ, chất cấm dùng trong chăn nuôi, hóa chất, hương liệu, phụ gia thực phẩm; các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, tiêu thụ nhiều trong dịp lễ, Tết. Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch cao điểm của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh về đấu tranh cao điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025.