Châu Á rộn ràng đón Tết Giáp Thìn 2024
Tràn ngập không khí tết
Ngay từ sau rằm tháng Chạp, khu phố người Hoa tại thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa - khu phố người Hoa có tuổi đời lâu nhất và quy mô lớn nhất Nhật Bản, đã nhộn nhịp không khí mua sắm, thưởng ngoạn lễ hội mùa Xuân, một sự kiện quy mô lớn được tổ chức mỗi độ tết đến, xuân về.
Số liệu của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh và lưu trú Nhật Bản cho thấy, tính đến cuối năm 2022, cộng đồng người Trung Quốc tại Nhật Bản có gần 800.000 người. Vì thế, cũng dễ hiểu khi những khu phố người Hoa luôn tái hiện những nét văn hóa truyền thống và không gian đậm chất dân tộc mình ngay trên mảnh đất của xứ sở Phù Tang vào dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, du khách đến đây có thể thưởng thức các món ăn mang hương vị đặc trưng của nhiều địa phương của Trung Quốc cùng với rất nhiều món ăn nổi tiếng châu Á.
Tại đặc khu Hồng Công (Trung Quốc), không khí những ngày cận Tết Giáp Thìn sôi động, náo nhiệt. Các khu chợ bán hoa và trái cây tươi luôn tấp nập người mua sắm, đặc biệt là ở chợ bán buôn trái cây Yau Ma Tei và chợ hoa Mongkok thuộc khu vực đảo Cửu Long. Là chợ trái cây có tuổi đời hàng thế kỷ, chợ bán buôn trái cây Yau MaTei cung cấp các loại trái cây nhập khẩu theo mùa từ khắp nơi trên thế giới. Khối lượng bán buôn của chợ chiếm khoảng 80% lượng tráicây tiêu thụ ở thị trường Hồng Công. “Mua hoa tết” là phong tục truyền thống ở Hồng Công để đón tết, thể hiện niềm mong đợi của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn trong năm tới.
Tại Macau (Trung Quốc) sẽ diễn ra lễ kép - vừa đón năm rồng vừa kỷ niệm 25 năm thành lập đặc khu hành chính này. Hàng loạt cuộc diễu hành đã được lên kế hoạch.
Tại Singapore, dấu ấn năm rồng tỏa sáng cùng triển lãm hoa mang chủ đề Giấc mơ thược dượcvvà River Hongbao, lễ hội lớn nhất năm tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán. Tiếp đến, vào ngày 23 và 24-2 sẽ diễn ra cuộc diễu hành đường phố Chingay và nhiều hoạt động vui chơi trên đảo Sentosa...
Không khí đón tết cũng tưng bừng tại một số nước Đông Nam Á khác. Tại thủ đô Vientiane của Lào, nhiều cửa hàng rộn ràng trang trí đèn lồng đỏ và hình tượng rồng. Các trung tâm mua sắm lớn ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia ngập tràn sắc màu năm mới Giáp Thìn ngay từ giữa tháng 1 dương lịch.
Hòa chung với một số nước châu Á, tại Sydney, Bưu điện Australia cho ra mắt 3 con tem rồng độc đáo, với màu vàng và đỏ nổi bật, kèm theo tem 12 con giáp được tạo hình.
Những con tem không chỉ tượng trưng cho sự may mắn mà còn thể hiện sức mạnh và quyền lực của rồng trong văn hóa Á Đông. Ngoài ra, nhiều sản phẩm khác như hộp quà, túi xách và tờ rơi cung hoàng đạo cũng được phát hành với 12 thiết kế độc đáo tương ứng với các con vật thuộc cung hoàng đạo.
Cơ hội thúc đẩy du lịch
Tết Nguyên đán cũng là dịp để người dân các nước đi du lịch. Ở một số nước châu Á, lượng du khách đến đây thường tăng hai con số. Nhờ chính sách miễn thị thực với du khách đã góp phần đáng kể làm tăng số lượng du khách đến Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và Singapore... Theo công ty du lịch trực tuyến Trip.com, du lịch quốc tế đã tăng gấp 10 lần. Trong đó, Trung Quốc đang chứng kiến sự tăng vọt về số lượng du lịch và dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa trong ngày đoàn viên 9-2 (tức 30 Tết).
Thái Lan, Nhật Bản, Malaysia, Australia, Singapore, Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam cũng được dự báo đón lượng du khách kỷ lục trong mùa lễ hội nhân dịp tết. Ở một phương diện khác cũng liên quan đến đi lại dịp tết là cơn sốt xuân vận - cuộc di cư hàng năm lớn nhất tại Trung Quốc. Dự kiến tết năm nay, tổng số lượt đi lại của người Trung Quốc là 9 tỷ chuyến đi kéo dài 40 ngày từ giữa tháng 1 đến hết tháng 2.
Hình ảnh sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh chật cứng dukhách cùng với các hình ảnh trang trí năm con rồng khắp nơi càng làm tăng thêm vẻ đẹp và không khí Tết Nguyên đán ở Trung Quốc. Ước tính,sân bay này sẽ đón 7,2 triệu chuyến bay trong mùa xuân vận, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 1,41 triệu lượt khách quốc tế. Mức tăng trưởng này là nhờ sự phục hồi kinh tế nhiều nơi và du lịch trong nước và quốc tế sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy tiêu dùng của Trung Quốc.