Chống hàng giả, hàng nhái: Không chỉ là trách nhiệm mà là bổn phận
Người kinh doanh định hình xu hướng
Bà đánh giá thế nào về tình trạng hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các nhãn hiệu lớn trên thế giới ở Việt Nam hiện nay?
Có thể nói là rất đáng báo động. Nếu như nhiều năm trước đây, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) phần nhiều chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn thì hiện nay nó đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước.
|
Đặc biệt là nhóm ngành hàng thời trang, những sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách, kính mắt, đồng hồ… giả mạo đã xuất hiện rất nhiều tại các huyện thị, nông thôn, miền núi nơi mà trước đây việc tiêu dùng chỉ dừng lại ở các nhu cầu thiết yếu thì nay nhu cầu mua sắm “hàng hiệu” đã trở thành một khái niệm không còn lạ lẫm với người tiêu dùng.
Nói như thế để thấy rằng, mức độ bao phủ và tần xuất xuất hiện hàng giả của nhóm ngành hàng này là thật sự đáng báo động.
Xu hướng mà tôi nói ở đây không phải do người tiêu dùng tự định hướng mà tôi nghĩ rằng phần lớn nó xuất phát từ việc bán hàng giả, hàng nhái đã trở nên quá dễ dàng cho một người kinh doanh doanh kiếm lợi nhuận. Những người kinh doanh hàng giả là người định hình xu hướng đó.
Có thể thấy để mua được sản phẩm mang thương hiệu như Chanel, LV, Dior, Gucci, Rolex,... hàng giả, hàng nhái ở các cửa hàng, chợ truyền thống, chợ thương mại điện tử… với giá rẻ không khó, vậy đâu là nguyên nhân tình trạng này?
Nguyên nhân thì rất nhiều, là cả một câu chuyện dài từ thể chế pháp luật, từ thực tiễn thực thi của cơ quan chức năng, từ văn hóa và xu hướng tiêu dùng… nhưng như tôi đã nói ở trên, nguyên nhân chính là ngày càng có nhiều người kinh doanh hàng giả tham gia vào thị trường này khiến cho việc tiếp cận được với các sản phẩm giả trở nên vô cùng dễ dàng.
Nhưng hiện nay với sự phát triển của mạng xã hội, của các phương tiện Internet, việc kinh doanh hàng giả trở nên quá dễ dàng và việc tiếp cận được với hàng giả từ phía người tiêu dùng cũng quá đơn giản. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, xu hướng tiêu dùng “hàng hiệu” đã dần như thấm vào người tiêu dùng không phải ở một bộ phận nhỏ hay ở khu vực thành thị như trước đây mà đã lan rộng đến các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Lợi nhuận lớn trong khi các chế tài xử lý nhóm đối tượng kinh doanh hàng giả này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe dẫn đến một thực trạng là dù nhiều năm qua, lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng QLTT đã rất tăng cường trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT nhưng mức thuyên giảm vẫn chưa đáng kể.
Phối hợp chặt chẽ, chuyển biến mạnh mẽ
Thời gian gần đây, một số đơn vị sở hữu các thương hiệu lớn trên thế giới như Tập đoàn Moet Hennessy -Louis Vuitton đã phối hợp với Tổng cục QLTT trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát hàng giả xâm phạm quyền SHTT. Bà đánh giá thế nào về sự phối hợp này?
Các thương hiệu lớn đã đánh giá cao sự chủ động vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng QLTT, đặc biệt là sự chỉ đạo rất quyết liệt của Tổng cục QLTT trong những năm qua trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Qua đó, các chủ thể quyền đã có nhiều cơ hội để phối hợp chặt chẽ hơn với lực lượng QLTT trong công tác phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi. Có thể nói, cho đến nay, lực lượng QLTT vẫn là lực lượng thực thi chủ lực trong công tác này.
Tôi rất đánh giá cao vai trò của lực lượng QLTT trong cuộc chiến chống hàng giả, điều này nó thể hiện bằng những con số cụ thể vụ việc mà chúng tôi thực hiện tăng nhiều qua từng năm. |
Thực tế cũng cho thấy rằng, thông qua sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng cục QLTT mà công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT trên toàn quốc có chuyển biến mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây. Nếu như trước đây công tác thực thi phần lớn diễn ra tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Lạng Sơn… thì hiện nay, hầu như tất cả các tỉnh, thành phố khác đều đã vào cuộc ở nhiều mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, nhìn chung là việc chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT đã trở nên chủ động hơn rất nhiều. Qua đó, chủ sở hữu quyền cũng đạt được sự phối hợp với lực lượng QLTT ở mức độ hiệu quả hơn.
Với vai trò là luật sư, đại diện chủ thể quyền cho nhiều Thương hiệu nổi tiếng tại Việt Nam, bà có lời khuyên gì đối với việc bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam hiện nay?
Tôi luôn cho rằng việc bảo vệ thương hiệu là một việc lớn, nếu không muốn nói là sống còn của doanh nghiệp, vì thương hiệu, không chỉ đơn giản là danh xưng hay tên gọi đơn thuần mà nó là tài sản của doanh nghiệp. Đặc biệt là đối với các thương hiệu nổi tiếng và lâu đời, nó là tài sản, là danh tiếng, là cả một sự tồn tại và phát triển mang tính lịch sử, nhiều thương hiệu đã trở thành thương hiệu quốc gia.
Về phía chủ sở hữu quyền, với thực trạng tại Việt Nam hiện nay, chủ sở hữu quyền phải biết mình cần bảo vệ gì, hành động như thế nào khi đánh giá mức độ nhãn hiệu của mình bị xâm phạm. Chủ sở hữu phải có chiến lược cụ thể cho hành động của mình. Việc chống hàng giả là cả một quá trình dài, không thể “bắt cóc bỏ dĩa” nên chủ sở hữu phải kiên trì và phối hợp chặt chẽ với cơ quan thực thi để thực hiện hóa kế hoạch hành động đó. Không thể tất cả đều trông chờ vào sự quyết liệt của cơ quan thực thi mà không hành động.
Về phía cơ quan thực thi, trong phạm vi ngành hàng mà tôi đề cập trên đây là hàng giả các thương hiệu nổi tiếng, tôi nghĩ rằng việc chủ động nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực thi không chỉ là nhiệm vụ đơn thuần của lực lượng, nó còn thể hiện trách nhiệm lớn hơn là hiện thực hóa những cam kết ràng buộc về thực thi quyền Sở hữu trí tuệ mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với thế giới thông qua các hiệp định đa phương và song phương. Cơ quan thực thi khi hành động với mục tiêu kép như thế, tôi rất hy vọng rằng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền SHTT sẽ dần được đẩy lùi.