Đưa công nghệ vào thực thi Quy định chống phá rừng của EU trong ngành cà phê
Thương vụ Việt Nam tại Bỉ mới đây cho biết, ngày 29/6/2023 Nghị viện châu Âu thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR). Quy Định này có hiệu lực thực thi từ 12/2024, như vậy các quốc gia sẽ có thời gian chuẩn bị 18-24 tháng để đưa ra các đề xuất thực thi.
Phạm vi hàng hóa sản xuất chịu áp dụng trong Quy định này gồm: gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và một số sản phẩm có nguồn gốc từ chúng, chẳng hạn như da, sô cô la, lốp xe, hoặc đồ nội thất.
Theo Quy định, bất kỳ nhà khai thác hoặc thương nhân nào đưa các mặt hàng này vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ thị trường này có khả năng phải chứng minh rằng các sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây hoặc góp phần làm suy thoái rừng.
Nghị viện châu Âu nhấn mạnh, Quy định nhằm giải quyết nạn Phá rừng; Suy thoái rừng và bảo tồn rừng để giảm lượng khí thải carbon và mất đa dạng sinh học.
Thách thức ngành cà phê Việt Nam trước quy định mới của EU |
Đối với ngành cà phê, theo quy định, các nhà xuất khẩu phải đảm bảo họ không lấy nguồn cà phê từ đất bị phá rừng hoặc suy thoái. Chỉ khi đó, họ mới có thể xuất khẩu cà phê sang Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, việc tích hợp công nghệ kỹ thuật số là rất quan trọng để đáp ứng quy định về sản phẩm không phá rừng theo quy định.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, kể từ ngày 31/12/2024, EU cấm việc bán cà phê có nguồn gốc từ đất bị phá rừng hoặc đất bạc màu đã bị cấm. Quy định của EU yêu cầu các công ty bán cà phê ở EU thu thập tọa độ định vị của trang trại sản xuất cà phê. Các công ty có thể kết hợp dữ liệu này với các công cụ giám sát vệ tinh. Những công cụ này kiểm tra xem các công ty có đáp ứng các yêu cầu của quy định hay không và xác định các khu vực tiềm ẩn có nguy cơ suy thoái đất và phá rừng.
Đề xuất này cũng dán nhãn các quốc gia trồng cà phê là có rủi ro thấp hoặc rủi ro cao. Cà phê từ các vùng có rủi ro cao phải đáp ứng các yêu cầu thẩm định nhiều hơn so với các vùng có rủi ro thấp.
Đặc biệt, Thương vụ cho rằng, Quy định này còn giúp tăng nhu cầu truy xuất nguồn gốc. Cụ thể, đối với ngành cà phê, truy xuất nguồn gốc liên quan đến việc liên kết dữ liệu với một cá nhân hoặc một nhóm nhà sản xuất. Truy xuất nguồn gốc làm tăng yêu cầu thu thập dữ liệu cho tất cả các tác nhân trong chuỗi.
Việc thu thập dữ liệu là cần thiết ở mọi giai đoạn của chuỗi cung ứng nếu các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê muốn duy trì hoạt động tại thị trường EU. Để đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng cà phê, các tác nhân trong chuỗi cung ứng cần ghi lại dữ liệu mỗi khi hạt cà phê thay đổi chủ sở hữu. Bên cạnh tọa độ địa lý của khu vực sản xuất, các loại dữ liệu khác cũng cần được báo cáo như: Số lượng nhà sản xuất làm việc trên mỗi lô; Số lượng và chất lượng của hạt cà phê; và dự báo năng suất.
Đưa ra một số công nghệ trong ứng dụng truy xuất nguồn gốc, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ cho rằng, các sản xuất có thể sử dụng các công cụ kỹ thuật số khác nhau để thu thập dữ liệu định vị địa lý, ví dụ như: các ứng dụng sử dụng GPS của thiết bị để vẽ tọa độ khi bạn đi bộ; Máy bay không người lái có thể lập bản đồ bằng cách chụp ảnh từ trên cao; Và các nền tảng tinh vi hơn cho phép bạn vẽ các khu vực này từ bản đồ hoặc hình ảnh vệ tinh hiện có.
Bà Florika Fink-Hooijer - Tổng vụ trưởng Vụ Môi trường của Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bị ảnh hưởng khi Quy định này được áp dụng. Hơn 2,3 tỷ Euro từ các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu chủ yếu rơi vào các mặt hàng cà phê (chiếm 47,5%); gỗ (chiếm 35,2%) và cao su (chiếm 17,1%).
"EU cam kết hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững. Thông qua việc kết hợp sức mạnh của cả hai bên, EU và Việt Nam cùng hướng đến mục tiêu giải quyết các thách thức về môi trường một cách hiệu quả hơn, đóng góp vào sự thịnh vượng của nhân dân Việt Nam cũng như bảo tồn di sản tự nhiên độc đáo của đất nước này", bà Florika Fink-Hooijer khẳng định.
Trình bày Khung Kế hoạch hành động cấp quốc gia của ngành nông nghiệp Việt Nam nhằm đáp ứng EUDR, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Khung Kế hoạch bao gồm các giai đoạn xây dựng khung hợp tác công tư; tuyên truyền, vận động; đưa ra các giải pháp kỹ thuật; xây dựng kênh đối thoại; huy động nguồn lực.
Nhiệm vụ đầu tiên là thành lập các nhóm đối tác công tư cho các ngành hàng bị ảnh hưởng bởi EUDR và triển khai các hoạt động hợp tác công tư. Sau đó sẽ xây dựng hướng dẫn kỹ thuật và tuyên truyền, phổ biến quy định EUDR đến các cơ quan quản lý các cấp, các tác nhân trong các chuỗi giá trị ngành hàng.
Với các giải pháp kỹ thuật, cần xây dựng và công nhận cơ sở dữ liệu quốc gia về vùng trồng; xây dựng cơ chế chia sẻ và phản hồi thông tin. Sau đó xây dựng và triển khai truy xuất nguồn gốc và xây dựng và triển khai cơ chế tăng cường bảo vệ giám sát rừng, tăng cường tuần tra/giám sát cộng đồng để bảo vệ rừng. Đồng thời xây dựng và triển khai các mô hình chuyển đổi sinh kế bền vững tại các vùng rủi ro.
Cùng với đó, xây dựng kênh đối thoại thường xuyên với EU, tổng hợp, chia sẻ thông tin định kỳ. Một vấn đề quan trọng nữa là huy động hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân hỗ trợ các chuỗi giá trị ngành hàng thích ứng với EUDR.