GDP Quý III/2023 của Việt Nam tăng 5,33%
Tổng cục Thống kê cho biết, GDP Quý III ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù GDP chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 (trong giai đoạn 2011-2023) nhưng kết quả trên cho thấy xu hướng đang dần tích cực so với các quý trước. Cụ thể, GDP Quý I tăng 3,3%, Quý II tăng 4,1%.
Như vậy, GDP 9 tháng của năm đã tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước và chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 (trong giai đoạn 2011-2023).
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,4% (đóng góp 9,2%). Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41% (đóng góp 22,3%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng xấp xỉ 2%, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023.
GDP Quý III/2023 ước tăng 5,33% so với cùng kỳ, tính chung 9 tháng năm 2023, GDP tăng 4,24% so với cùng kỳ |
Bên cạnh đó, khu vực dịch vụ tăng 6,3% (đóng góp 68,57%) với một số ngành dịch vụ thị trường tăng cao, như bán buôn và bán lẻ tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, ngành vận tải, kho bãi tăng 8,7%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,9%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,2%.
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,16%, khu vực dịch vụ chiếm 42,7%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,6%.
Theo đó, sử dụng GDP 9 tháng ghi nhận tiêu dùng cuối cùng tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022 và đóng góp 34,3% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế. Tích lũy tài sản tăng 3,22%, đóng góp 19,4%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 5,8%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,2%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 46,4%.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2023, bà Hương cho biết tăng 1,08% so với tháng trước. CPI bình quân Quý III/2023 tăng 2,89% so với Quý III/2022. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/9 gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 9 tháng qua ước đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.
Về xuất nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Thống kê cho biết, tính chung 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 237,99 tỷ USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 70,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 79,1 tỷ USD.
Tính chung 9 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 6,9 tỷ USD).