Giá dầu đạt đỉnh trong hai tháng, giá khí tự nhiên tăng vọt hơn 7%
Theo MXV, kết thúc tuần giao dịch 22-28/1, toàn bộ 5 mặt hàng trong nhóm năng lượng đều tăng giá mạnh. Trong đó, giá dầu WTI tăng 6,5% lên 78 USD/thùng, ghi nhận mức cao nhất trong hai tháng qua. Dầu Brent chốt tuần với mức giá 83,55 USD/thùng, cao hơn 6,35% so với tuần trước đó.
Nỗi lo gián đoạn nguồn cung vì căng thẳng quanh khu vực Biển Đỏ là chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy giá dầu trong tuần. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế vượt kỳ vọng của Mỹ, cũng mở ra niềm tin tích cực về nhu cầu tiêu thụ dầu thô trong tương lai.
Trước đó, đà tăng của giá dầu phần lớn do sụt giảm nguồn cung cục bộ cùng với tín hiệu tích cực trong tăng trưởng kinh tế Mỹ. Thời tiết lạnh khắc nghiệt trên khắp nước Mỹ hạn chế sản lượng dầu thô ở North Dakota, cũng như cản trở hoạt động sản xuất ở các bang khác. Cơ quan quản lý đường ống của North Dakota cho biết hơn 20% sản lượng tại bang sản xuất dầu lớn thứ ba đã bị ảnh hưởng.
Đây cũng chính là nguyên nhân kéo tổng sản lượng của Mỹ trong tuần qua giảm sâu, đẩy giá dầu tăng mạnh. Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu của quốc gia này đã sụt giảm 1 triệu thùng/ngày xuống 12,3 triệu thùng/ngày chỉ trong một tuần. Ngoài ra, tồn kho dầu thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 19/1 bất ngờ giảm mạnh 9,2 triệu thùng, nhiều hơn mức giảm được công bố 6,6 triệu thùng theo số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API).
Cũng đóng vai trò quan trọng củng cố lực mua dầu thô trong tuần qua, báo cáo sơ bộ lần 1 của Cục Phân tích kinh tế Mỹ cho thấy GDP quý IV/2023 tăng 3,3% so với quý trước, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 2% của các chuyên gia kinh tế. Tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ bất chấp áp lực từ môi trường lãi suất cao, củng cố kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kỳ vọng này sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu, là động lực mạnh mẽ hỗ trợ giá dầu tăng cao, nhất là trong bối cảnh nguồn cung thiếu ổn định.
Ở một diễn biến khác, khí tự nhiên tăng vọt hơn 7% trong tuần qua khi Ba Lan và các nước vùng Baltic đang kêu gọi cấm nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga trong gói trừng phạt thứ 13 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Moscow. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ hôm 26/1 đã tạm dừng phê duyệt đơn đăng ký từ các dự án mới để xuất khẩu LNG. Động thái được các nhà hoạt động khí hậu ủng hộ vì có thể trì hoãn các quyết định về dự án mới cho đến sau cuộc bầu cử cuối năm nay.
Thị trường cà phê sôi động trước căng thẳng Biển Đỏ và tồn kho về đáy
Kết thúc tuần giao dịch 22-28/1, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, giá Robusta tăng 4,51%, mức cao nhất trong 16 năm qua. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường gia tăng khi căng thẳng trên Biển Đỏ kéo dài và tồn kho quay về mức thấp kỷ lục. Bên cạnh đó, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU tính đến hết ngày 25/1 ở mức 30.080 tấn, quay về mức thấp nhất kể từ 2014.
Giá Arabica cũng tăng mạnh 4,7% so với tham chiếu nhờ hỗ trợ từ giá Robusta và tồn kho đạt chuẩn tiếp tục suy yếu. Trong tuần kết thúc ngày 28/1, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đã giảm thêm 3.902 bao loại 60 kg, đưa tổng số bao cà phê đã chứng nhận còn 249.206 bao. Điều này làm gia tăng lo ngại về khả năng đáp ứng đủ nguồn cung trên thị trường thời điểm hiện tại.
Ở một diễn biến đáng chú ý khác trên bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp, giá đường 11 tăng nhẹ 0,85% trong tuần qua khi thị trường dồn sự chú ý về triển vọng vụ tới tại Brazil.