Giá xăng dầu đồng loạt giảm
Theo Liên Bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 01/11/2023-13/11/2023) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: Nguồn cung thắt chặt sau khi Nga và Ả rập xê út tái khẳng định cam kết cắt giảm nguồn cung dầu tự nguyện, biến động tăng giảm của đồng USD và xung đột ở Trung Đông… các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới có biến động tăng giảm đan xen.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 01/11/2023 và kỳ điều hành ngày 13/11/2023 là: 93,786 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 1,459 USD/thùng, tương đương giảm 1,53% so với kỳ trước); 99,204 USD/thùng xăng RON95 (giảm 1,602 USD/thùng, tương đương giảm 1,59% so với kỳ trước); 107,750 USD/thùng dầu hỏa (giảm 4,051 USD/thùng, tương đương giảm 3,62% so với kỳ trước); 105,289 USD/thùng dầu điêzen (giảm 5,580 USD/thùng, tương đương giảm 5,03% so với kỳ trước); 456,003 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 19,956 USD/tấn, tương đương giảm 4,19% so với kỳ trước).
Kỳ điều hành này, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới nêu trên và các quy định hiện hành, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định: Không trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Sau khi thực hiện việc không trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
- Xăng E5RON92: không cao hơn 22.274 đồng/lít (giảm 340 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.256 đồng/lít;
- Xăng RON95-III: không cao hơn 23.530 đồng/lít (giảm 399 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
- Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 20.888 đồng/lít (giảm 1.052 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
- Dầu hỏa: không cao hơn 21.512 đồng/lít (giảm 793 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);
- Dầu madút 180CST 3.5S: không cao hơn 15.623 đồng/kg (giảm 617 đồng/kg so với giá bán lẻ hiện hành).
Tại thị trường thế giới, trong sáng nay ngày 13/11, giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng nhẹ sau khi Iraq, một thành viên chủ chốt của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), lên tiếng ủng hộ việc cắt giảm sản lượng khai thác.
Bên cạnh đó, giới phân tích nhận định Saudi Arabia, quốc gia lãnh đạo của OPEC, có thể sẽ duy trì việc tự nguyên cắt giảm sản lượng khai thác 1 triệu thùng/ngày cho đến quý 1/2024 thay vì cuối năm 2023 như kế hoạch hiện nay.
Trước đó, giá xăng dầu đã chịu áp lực giảm khi thị trường lo ngại tình trạng kinh tế toàn cầu ảm đạm sẽ khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu yếu hơn kỳ vọng; đồng thời, nguồn cung dầu từ khối OPEC có tín hiệu tăng trở lại.