Hai ngành Công Thương - Nông nghiệp họp khẩn bàn giải pháp đảm bảo nguồn hàng cho phía Nam

Cuộc họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến. Đầu cầu Hà Nội được tổ chức tại Trụ sở Tổng cục Quản lý thị trường, số 91 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, hai ngành Công Thương - Nông nghiệp cần đoàn kết, phối hợp thực hiện nhiều nhiệm vụ chung. Trong đó, đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, không để đứt gãy chuỗi cung ứng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 969/TTg – KGVX ngày 17/7/2021 về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, ngay sáng nay (18/7), liên Bộ Công Thương - Nông nghiệp đã đồng tổ chức cuộc họp trực tuyến với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường của 19 tỉnh, thành phố để bàn các giải pháp, phương án về nguồn hàng, phương thức cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân vùng dịch,

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đồng chủ trì Hội nghị.

Hai ngành Công Thương - Nông nghiệp họp khẩn bàn giải pháp đảm bảo nguồn hàng cho phía Nam
Hai ngành Công Thương - Nông nghiệp họp khẩn bàn giải pháp đảm bảo nguồn hàng cho phía Nam

Thị trường tương đối ổn định, thiếu hàng chỉ xảy ra ở vài nơi

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, giá hàng hóa trong hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại các địa phương được niêm yết công khai, thống nhất trên toàn hệ thống.

Nhiều siêu thị cam kết giữ giá bình ổn như Central Group, Saigon Coop... Riêng tại hệ thống chợ, cửa hàng bán lẻ giá hàng hóa thiết yếu thường cao hơn giá tại hệ thống siêu thị từ 5% trở lên, tùy mặt hàng và tùy từng địa phương.

Cũng theo Vụ trưởng Trần Duy Đông, trong những ngày qua, giá cả một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam có biến động, tăng nhẹ. Nguyên nhân là do thời gian vận chuyển, chi phí vận chuyển từ vùng trồng về các điểm bán hàng tăng đáng kể khi qua nhiều chốt kiểm dịch liên tỉnh, chưa kể giá xăng tăng, tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao. Thêm vào đó, chi phí nhân công tăng do nhân viên phải tăng ca liên tục, chi phí giấy xét nghiệm Covid-19 cho mỗi lần ra vào thành phố….

Nắm bắt tình hình, ngay lập tức, Cục Quản lý thị trường (QLTT) các tỉnh, thành phố phía Nam đã tăng cường, phân bổ 100% lực lượng trực chiến, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát bình ổn thị trường. Cùng với đó, xử lý nghiêm các hành vi tăng giá, găm hàng, trục lợi từ đại dịch Covid-19. Theo báo cáo nhanh của Cục QLTT các tỉnh, thành phố phía Nam, tính đến trưa ngày 17/7, tình hình thị trường ổn định, hàng hóa cơ bản đáp ứng được sức mua của người dân.

Ngoài ra, bộ phận công tác phía Nam của Tổng cục QLTT cũng công khai danh sách số điện thoại đường dây nóng tại 23 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam để tiếp nhận tố giác hành vi lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính. Thống kê của lực lượng QLTT cho biết, từ ngày 31/1/2020 đến nay, số vụ kiểm tra, giám sát của lực lượng QLTT là 9.776 vụ. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính là hơn 6,81 tỷ đồng.

Đề nghị cho mở lại các chợ đầu mối, truyền thống

Tại cuộc họp trực tuyến, từ các điểm cầu địa phương, đại diện Lãnh đạo Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục QLTT tại một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bình Dương, An Giang, Tiền Giang… đã báo cáo cụ thể tình hình thị trường của từng địa phương.

Cụ thể, chia sẻ về tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP cho biết, hàng hóa qua chợ đầu mối 70% không dùng cho TP. Hồ Chí Minh mà dùng cho các tỉnh thành trong vùng nên các chợ đầu mối có giá trị liên vùng. Năng lực chợ truyền thống chỉ đáp ứng 40-50% sức mua hàng tươi sống của TP, còn lại là các cửa hàng tiện ích, tiện lợi.

“Chúng tôi rất cần bảo vệ các vùng sản xuất, không thể để tình trạng cấm nông dân ra khỏi nhà, gây khó khăn cho nguồn cung. Điều này dẫn đến việc giá cả gia tăng, như tại Tiền Giang, giá bầu đã lên 35.000đ/kg”, lãnh đạo Sở Công Thương TP thông tin, và kiến nghị các địa phương làm đúng công tác phòng, chống dịch nhưng không ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin về nguồn hàng để Bộ Công Thương có thể làm việc với các chợ đầu mối, từ đó phân phối hàng hóa hợp lý.

Đối với vấn đề nguồn cung, ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang chia sẻ, ngành nông nghiệp tỉnh đã lên kế hoạch, thống kê sản lượng các mặt hàng nông sản thiết yếu hiện có trên địa bàn. Kiên Giang có nguồn lúa gạo lớn, thủy hải sản, nhất là các mặt hàng nuôi trồng như: tôm, cua biển… sẵn sàng cung ứng cho các địa phương trong vùng khi cần thiết.

Trong khi đó, khâu vận chuyển hàng hóa của các tỉnh Bình Dương, Hậu Giang, An Giang hiện đang bị “nghẽn”, do vậy, các tỉnh này kiến nghị ngành Y tế tháo gỡ các khó khăn trong việc kiểm soát cũng như kiến nghị Chính phủ phân bổ vacxin để tháo gỡ vướng mắc trong việc đứt gãy lao động thương mại.

Đại diện Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ khi thực hiện Chỉ thị 16, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã tăng cường 100% lực lượng để nắm bắt tình hình, phối hợp với lực lượng chức năng để bắt buôn lậu và các trường hợp găm hàng hóa. Thời gian đầu, một số bà con ở chợ truyền thống nâng giá hàng, một số trường hợp mua hàng ở siêu thị để bán bên ngoài, Cục đã kịp thời nhắc nhở, tuyên truyền cho bà con. Đến nay, hoạt động nâng giá ở các siêu thị không còn. Hiện tại, rau củ quả ở siêu thị vẫn đảm bảo nguồn cung, giá cả không tăng so với ngày thường.

Bên cạnh đó, Cục QLTT TP cũng làm việc với các chợ truyền thống, các siêu thị, các cửa hàng để vận động cam kết không tăng giá, tạo mọi điều kiện cung ứng hàng hóa cho người dân.

Đồng quan điểm với TP. Hồ Chí Minh, đại diện Cục QLTT Đồng Nai cho biết, Cục cũng đã yêu cầu các siêu thị, cửa hàng cam kết bán đúng giá, niêm yết giá công khai, bán với số lượng đủ ăn trong 1-3 ngày, tránh tình trạng đầu cơ.

Ngay tại buổi làm việc, hai Bộ trưởng đã trao đổi, phản hồi ngay vướng mắc, khó khăn của các tỉnh, thành phố. Đối với kiến nghị tháo gỡ nút thắt trong khâu vận chuyển lưu thông hàng hóa của các tỉnh Bình Dương, Hậu Giang, An Giang… Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị, các địa phương cần làm rõ những vướng mắc của từng tỉnh.

“Khâu thu hoạch khó ở đâu trong lúc giãn cách thế này, nếu khó có thể đề nghị Bộ Quốc phòng tham gia hoặc đề nghị các địa phương hỗ trợ lẫn nhau. Ở khâu vận chuyển có khó khăn gì, phân phối có khó khăn gì, chúng ta cần làm rõ để tháo gỡ vướng mắc một cách khoa học, cụ thể”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.

Về kiến nghị không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau 7 ngày thực hiện áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, việc cung ứng hàng hóa bị đứt gãy nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, việc lưu chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, các vùng và ba miền gặp nhiều khó khăn. “Nếu không có biện pháp kịp thời thì rất gay go”, Bộ trưởng lo lắng và cho rằng, “Mở lại chợ đầu mối, chợ truyền thống sẽ điều kiện tiên quyết trong việc nối lại nguồn cung. Tuy nhiên, mở lại chợ đầu mỗi sẽ phải kèm theo những điều kiện. Phòng chống dịch ở chợ thuận lợi hơn siêu thị nếu áp dụng biện pháp 5K, khử khuẩn thường xuyên, tiêm vacxin và xét nghiệm cho tiểu thương”.

Các cơ quan báo chí chia sẻ với Chính phủ, với Bộ, ngành

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dịch bệnh đã và đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa của TP . Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố phía Nam, làm ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người lao động, do vậy, chúng ta cần nêu cao tinh thần phòng, chống dịch trong bối cảnh đặc biệt hiện nay.

Hai ngành Công Thương - Nông nghiệp họp khẩn bàn giải pháp đảm bảo nguồn hàng cho phía Nam
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại cuộc họp trực tuyến

Với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho các tỉnh phía Nam của Bộ Công Thương, đồng thời là người phát ngôn của Bộ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các phóng viên báo chí xác định đây là tình huống “không bình thường”, nên việc một vài nơi thiếu hàng, giá có thể tăng là điều khó tránh khỏi.

Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị, các cơ quan báo chí, truyền thông nên chia sẻ với Chính phủ, Bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chúng ta phản ánh tình hình khách quan thay vì chỉ nêu ra những điểm chưa tốt, làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân.

Hai ngành Công Thương - Nông nghiệp họp khẩn bàn giải pháp đảm bảo nguồn hàng cho phía Nam
Cuộc họp trực tuyến được tổ chức tại trụ sở Tổng cục Quản lý thị trường

Lắng nghe những ý kiến từ các địa phương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị, TP. Hồ Chí Minh cần nắm bắt rõ nhu cầu tiêu thụ của địa phương, nghiên cứu mở lại một phần hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, có thể thành lập các bộ phận thống kê, hàng ngày gửi thông tin về hai Bộ là Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cùng nhau tháo gỡ.

"Các địa phương cần có trách nhiệm với TP. Hồ Chí Minh về việc cung ứng lương thực nhưng TP cũng phải làm rõ nhu cầu của mình, vì có thể doanh nghiệp có nhu cầu cung ứng chưa xác định được nhu cầu của từng địa điểm”, Bộ trưởng chia sẻ.

Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn hiện cung ứng hàng hóa cho người dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, các địa phương cập nhật thông tin nhanh nhất có thể, Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát trực tiếp các vùng nguyên liệu để nắm thông tin.

Vào cuộc tổng lực không để đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hàng

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, diễn biến dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam hiện đang rất phức tạp và nghiêm trọng. Dự báo trong những ngày tới còn phức tạp hơn. Do đó tình hình là nghiêm trọng.

Việc cung ứng hàng hóa, bảo đảm đời sống cho nhân dân TP. Hồ Chí Minh và 19 tỉnh phía Nam là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Nếu thiếu hàng hóa thiết yếu thì người dân không đủ sức chống dịch.

Lần cách ly theo Chỉ thị 16 này không phải là lần đầu tiên, tuy nhiên, phải xác định tính chất hoàn toàn khác so với lần cách ly trước. Dịch có thể bùng phát mạnh hơn, có thể đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư thiết yếu như lương thực thực phẩm, thuốc men. Việc lưu thông sẽ khó khăn hơn.

“Trong mọi tình huống không được để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng thiết yếu”, người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh và khẳng định, "hai ngành Công Thương - Nông nghiệp sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân là không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là lương thực thực phẩm, rau củ quả, hàng tươi sống, thuốc men".

Từ những nhận định trên Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hai ngành Công Thương - Nông nghiệp cần đoàn kết, phối hợp để thực hiện 6 nhiệm chung:

Thứ nhất, khẩn trương đánh giá tình hình thực tế của địa phương; khảo sát, nắm bắt, dự báo thật sát về nhu cầu hàng hóa thiết yếu của các tỉnh, thành phố, trên cơ sở đó đưa ra các kịch bản cân đối cung cầu tại chỗ.

Các địa phương phải kê ra được cái gì mình thiếu, cái gì mình có, cái gì cần mua bán. Xây dựng kịch bản cho những tình huống phức tạp hơn, ở mức độ cao nhất, vai trò Nhà nước cung ứng vô điều kiện hàng hóa thiết yếu cho các địa phương.

Thứ hai, chủ động kết nối cung cầu với các cơ sở sản xuất chế biến, các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp cung ứng trên địa bàn tỉnh, giữa các tỉnh trong vùng và với cả nước để kịp thời cung cấp hàng hóa thiết yếu cho người dân.

“Bằng mọi giải pháp, hai Bộ Công Thương - Nông nghiệp cam kết, kiên quyết không để thiếu hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố phía Nam”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và cho rằng, muốn kết nối được phải nắm rõ đầu mối giao nhận, nhu cầu của địa phương từ khâu thu hoạch, vận chuyển, phân phối. Đồng thời, khuyến cáo địa phương kiện toàn hệ thống phân phối; duy trì các chợ truyền thống, chợ đầu mối kèm trong điều kiện đảm bảo các quy tắc phòng, chống dịch Covid-19.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các ngành Giao thông, Y tế, Công an, Quân đội trên địa bàn các tỉnh phía Nam làm tốt công tác lưu thông, phân phối hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, các giữa vùng với cả nước. Đồng thời, điều tiết hàng hóa hợp lý từ những nơi dồi dào đến những nơi thiếu hụt một cách kịp thời. Cái gì cần bán cần kết nối với nơi cần mua và ngược lại. Có như vậy mới giải quyết được bài toán thừa, thiếu cục bộ.

Thứ tư, đối với những vùng trồng rau củ quả, nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản… đang bị đứt gãy chuỗi cung ứng lao động do bị cách ly, phong tỏa, cần báo cáo ngay về Tổ công tác Tiền phương để có những phương án giải quyết kịp thời.

Thứ năm, lực lượng Quản lý thị trường của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phải đóng vai trò chủ công, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương kịp thời, thường xuyên xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá, dứt khoát không để xảy ra hiện tượng, hành vi trục lợi từ đại dịch Covid-19.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, trong hôm nay (18/7), Tổng cục Quản lý thị trường phải tăng cường lực lượng cho miền Nam, phải kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm trong đại dịch. Phải cam kết với người dân, với địa phương không để xảy ra hành vi nâng giá, găm hàng, trục lợi, hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng…

Thứ sáu, các địa phương và Tổ công tác Tiền phương thuộc hai Bộ cần phối hợp truyền thông, thông tin kịp thời, chính xác về tình hình cung ứng hàng thiết yếu cho người dân. Đồng thời, thời xuyên, trao đổi, phản ánh để nắm được những chỉ đạo từ hai Bộ. “Chế độ thông tin phải duy trì hàng ngày, tuyệt đối không để xảy ra sự cố truyền thông”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

Cùng chuyên mục

Tin khác

Mỹ thông báo khởi xướng rà soát hoàng hôn sản phẩm tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam

Mỹ thông báo khởi xướng rà soát hoàng hôn sản phẩm tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam

Mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) thông báo khởi xướng rà soát hoàng hôn lần thứ hai đối với lệnh áp thuế chống bán phá giá sản phẩm tháp gió (utility scale wind towers) nhập khẩu từ Việt Nam.
Phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Tương trợ tư pháp lĩnh vực dân sự Việt Nam-Lào

Phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Tương trợ tư pháp lĩnh vực dân sự Việt Nam-Lào

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 285/QĐ-TTg ngày 6/4/2024 phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.
Quy định mới về nhập khẩu gạo, lá thuốc lá khô từ Campuchia năm 2023, 2024

Quy định mới về nhập khẩu gạo, lá thuốc lá khô từ Campuchia năm 2023, 2024

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BCT quy định việc nhập khẩu mặt hàng gạo và lá thuốc lá khô có xuất xứ từ Campuchia theo hạn ngạch thuế quan năm 2023 và năm 2024.
Cảnh báo sớm nguy cơ Canada điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với mặt hàng đinh ốc nhập khẩu từ Việt Nam

Cảnh báo sớm nguy cơ Canada điều tra áp dụng biện pháp PVTM đối với mặt hàng đinh ốc nhập khẩu từ Việt Nam

Ngày 28 tháng 3 năm 2024, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) nhận được thông tin về việc Cơ quan hải quan Canada (CBSA) sẽ gia hạn vụ việc điều tra lại (re-investigation) nhằm cập nhật các giá trị thông thường và giá xuất khẩu đối với một số mặt hàng đinh ốc carbon có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Hoa Kỳ ban hành Kết luận sơ bộ điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh

Hoa Kỳ ban hành Kết luận sơ bộ điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh

Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp chuẩn bị và hợp tác tốt với DOC trong đợt thẩm tra sắp tới cũng như nêu quan điểm, bình luận với Kết luận sơ bộ của DOC đối với tôm nước ấm đông lạnh.
Bộ Công Thương đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công nghiệp, thương mại phát triển

Bộ Công Thương đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công nghiệp, thương mại phát triển

Chiều 29/3, Bộ Công Thương đã tổ chức hợp báo thường kỳ thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2024.
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 178,04 tỷ USD trong Quý I/2024

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 178,04 tỷ USD trong Quý I/2024

Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong Quý I/2024 đã có những khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.
Tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam - Italia

Tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam - Italia

Ngày 28/3, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã tiếp Ngài Marcro della Seta – Đại sứ Cộng hòa Italia tại Việt Nam và bà Regina Corradini D’ Airenzo - tổng giám đốc SIMEST, cơ quan thúc đẩy đầu tư nước ngoài của các công ty Italia và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các dự án đầu tư.
Xem thêm

Đọc nhiều / Mới nhận

Cẩn thận với các cuộc gọi từ các số lạ không có trong danh bạ

Cẩn thận với các cuộc gọi từ các số lạ không có trong danh bạ

Tập trung tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí

Tập trung tháo gỡ vướng mắc đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí

Bắt chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An

Bắt chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An

Có tới 3 ngày Valentine trong năm không phải ai cũng biết

Có tới 3 ngày Valentine trong năm không phải ai cũng biết

Trình Chính phủ phương án nghỉ Lễ 30/4-1/5

Trình Chính phủ phương án nghỉ Lễ 30/4-1/5

Cẩm nang phòng chống rủi ro từ tấn công từ mã độc tống tiền

Cẩm nang phòng chống rủi ro từ tấn công từ mã độc tống tiền

Tết Hàn thực và món ăn truyền thống: bánh trôi, bánh chay

Tết Hàn thực và món ăn truyền thống: bánh trôi, bánh chay

Ngày Quốc tế về Du hành Không gian có Người (12/4)

Ngày Quốc tế về Du hành Không gian có Người (12/4)

Ngày Valentine đen 14/4 - ngày độc thân vui vẻ

Ngày Valentine đen 14/4 - ngày độc thân vui vẻ

Sắp tổng kiểm kê tài sản công trên quy mô cả nước

Sắp tổng kiểm kê tài sản công trên quy mô cả nước

Chiêu thức lừa đảo cũ với một loạt nạn nhân mới

Chiêu thức lừa đảo cũ với một loạt nạn nhân mới

Làm sâu sắc quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc

Làm sâu sắc quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc

Bộ Công Thương chỉ đạo tăng cường thực hiện Chỉ thị 20 về Tiết kiệm điện

Bộ Công Thương chỉ đạo tăng cường thực hiện Chỉ thị 20 về Tiết kiệm điện

Phá đường dây mua bán điện thoại giả, chiếm đoạt hơn 90 tỷ đồng

Phá đường dây mua bán điện thoại giả, chiếm đoạt hơn 90 tỷ đồng

Đường dây cho vay lãi nặng này thông qua hai trang web tamo.vn và findo.vn

Đường dây cho vay lãi nặng này thông qua hai trang web tamo.vn và findo.vn