Hàng Việt đã có sức lan tỏa mạnh mẽ
Thưa Thứ trưởng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã bước sang năm thứ 12 với những chuyển biến tích cực và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Xin Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã hỗ trợ thế nào cho doanh nghiệp (DN) sản xuất hàng Việt?
Thực hiện Thông báo số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức Cuộc vận động, Bộ Công Thương với vai trò là Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động đã khẩn trương triển khai chương trình sâu rộng đến các đơn vị ngành Công Thương. Theo đó, các đơn vị trong ngành đã bám sát chủ trương của Cuộc vận động triển khai nhiều chương trình hành động và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ: Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao từ 80-90%: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Vinmart (90%)... Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên...
|
Để có được những thành quả này, từ năm 2009 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN như: các hoạt động xúc tiến thương mại, chương trình kích cầu tiên dùng, kết nối cung cầu, hỗ trợ mở rộng thị trường theo Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia nhằm phát triển thị trường trong nước, xúc tiến thương mại miền núi, biên giới và hải đảo với các hoạt động tập trung tạo lập kênh phân phối ở
nông thôn, miền núi, biên giới, các địa phương còn khó khăn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã hỗ trợ DN không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng và chủ động tạo mối liên kết hữu cơ trong cộng đồng DN góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm Việt Nam. Thông điệp “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hành động trong mọi tầng lớp nhà sản xuất, người tiêu dùng.
Xin Thứ trưởng cho biết, vai trò của lực lượng QLTT trong quá trình thực hiện, triển khai Cuộc vận động?
Vai trò của công tác QLTT trong triển khai Cuộc vận động luôn được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ngày 17/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động, theo đó giao Bộ Công Thương “Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và các Hiệp hội chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm(ATVSTP) và những hành vi gian lận thương mại”.
Nhiều sản phẩm hàng Việt đã chinh phục được người tiêu dùng |
Mới đây, ngày 19/5/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận trong tình hình mới, trong đó đã nêu rõ: Chú trọng bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xử lý nghiêm minh, kịp thời các đối tượng sản xuất, kinh doanh, quảng cáo, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong thời gian qua, Tổng cục QLTT đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công Thương ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trên thị trường, góp phần tạo hiệu quả cao đối với việc triển khai Cuộc vận động.
Lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố cũng đã nghiêm túc quán triệt các chỉ đạo của cấp trên, kịp thời xây dựng và triển khai phương án, kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm... Cùng với đó, lực lượng QLTT cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, triển khai cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng... qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả Cuộc vận động.
Để Cuộc vận động đạt hiệu quả cao như kỳ vọng, theo Thứ trưởng, thời gian tới, lực lượng QLTT cần tập trung vào những nhiệm vụ gì?
Qua 12 năm tổ chức thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả Cuộc vận động chưa thực sự toàn diện. Bên cạnh việc chất lượng, mẫu mã và giá cả của nhiều hàng hoá Việt Nam chưa hấp dẫn người tiêu dùng thì tình trạng hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm... vẫn tiếp tục tái diễn với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây bức xúc cho DN và người tiêu dùng. Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự; nhiều chủ thể bị xâm phạm chưa hợp tác với lực lượng chức năng gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát.
Để góp phần thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động trong thời gian tới, tôi cho rằng, cùng với sự vào cuộc các bộ ngành, lực lượng QLTT cần tiếp tục tăng cường triển khai Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, tổ chức triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là các hoạt động thương mại trên các sàn thương mại điện tử, các đường dây, ổ nhóm; các tổ chức có quy mô...
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, hoạt động kinh doanh trên mạng internet… xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạo sự răn đe cho các đối tượng sản xuất, buôn bán và kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, ATVSTP…
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!