Kiến nghị tăng lương hưu 8%
Mức tăng dựa trên chỉ số giá tiêu dùng 3,35% và GDP đạt 5,05% năm 2023, được Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu trong Báo cáo tác động thực hiện tiền lương mới tới chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH). Mức tăng 8% cũng sẽ giảm bớt chênh lệch trong thụ hưởng giữa người nghỉ hưu trước và sau cải cách tiền lương.
Nếu được thông qua, Ngân sách nhà nước dự kiến bố trí thêm 1.900 tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm; thêm 50 tỷ đồng nếu điều chỉnh mức hưởng đạt 3,5 triệu đồng mỗi tháng với người nghỉ hưu trước năm 1995. Nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội tăng khoảng 6.900 tỷ đồng chưa bao gồm tiền trích đóng bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính toán trong 5 năm tới, nếu lương hưu, trợ cấp được tính dựa trên bình quân lương đóng BHXH toàn bộ quá trình tham gia hệ thống thì mức lương hưu của lao động chỉ tăng khoảng 5% chưa bao gồm trượt giá. Lương hưu của người nghỉ sau ngày 1/7/2024 cũng chỉ tăng 0,13% so với người nghỉ hưu trước tháng 6/2024.
Ảnh minh họa |
Thống kê hết năm 2023, bình quân tiền lương tính đóng BHXH của lao động khu vực nhà nước hiện đạt 6,9 triệu đồng với mức lương hưu khoảng 6,1 triệu đồng. Tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH của lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã gần 6,4 triệu đồng.
Từ giữa năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay. Dự kiến từ năm 2025, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp tục được tăng bình quân 7% mỗi năm cho đến khi mức lương thấp nhất khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng 1 khu vực doanh nghiệp (lương tối thiểu vùng 1 hiện là 4,68 triệu đồng).
Cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu, nhưng chỉ có 3,3 triệu hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ ngân sách nhà nước. Người Việt hưởng hưu trí tối đa 75% nhưng tiền lương tính đóng bảo hiểm thấp nên bình quân lương hưu chỉ đạt 5,4 triệu đồng.