Kinh tế Lào 6 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu tích cực
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân tiếp đoàn Bộ Công Thương Lào sang học tập kinh nghiệm tổ chức năm Chủ tịch ASEAN Việt Nam - Lào: Giữ vững mục tiêu tăng trưởng thương mại song phương |
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào tại cuộc họp thường kỳ thứ 5 quốc hội khóa IX ngày 26/6/2023, sau khi tình hình dịch bệnh covid-19 lắng xuống, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ tạo điều kiện mọi mặt để phát triển nền kinh tế, tình hình sản xuất và dịch vụ của Lào 6 tháng đầu năm có những tín hiệu hồi phục khả quan, đưa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm tăng trưởng 4,8%, quý I đạt 4,8% và quý II đạt 4,9% (vượt dự báo cả năm là 4,5%). Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng 3,8%, chiếm 14,6% GDP (nghị quyết quốc hội mục tiêu cả năm tăng 2,5%, chiếm 17,2% GDP); ngành công nghiệp tăng 4,7%, chiếm 36,6% GDP (NQQH cả năm tăng 5%, chiếm 34,2% GDP); ngành dịch vụ tăng 5,6%, chiếm 37,6% GDP (NQQH tăng 4,7%, chiếm 37,5% GDP); ngành hải quan-thuế tăng 3,7%, chiếm 11,2% GDP (NGQH tăng 4,3%, chiếm 11,1%). Việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế khác như: thu ngân sách, quản lý chi ngân sách, đầu tư nhà nước, dự trữ ngoại tệ, xuất nhập khẩu, cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2023 cơ bản thực hiện theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Điều kiện cơ bản thúc đẩy kinh tế Lào tăng trưởng thời gian qua là ngành dịch vụ với thương mại bán buôn-bán lẻ và sửa chữa. Ngoài ra, lĩnh vực du lịch và vận tải cho thấy sự tăng trưởng ổn định.
Một số chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản
+ Thu chi ngân sách, theo Bộ Tài chính Lào, kể từ khi dịch bệnh covid-19 lắng xuống, Lào mở cửa đất nước trở lại từ tháng 5/2022 cho đến nay đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế dần phục hồi, nguồn thu ngân sách nhà nước từ các lĩnh vực kinh tế cũng dần có những chuyển biến tích cực; trong đó, nguồn thu trung ương tăng trưởng 24%, riêng thủ đô Viêng-chăn tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn thu ngân sách ghi nhận tăng trưởng ở nhiều ngành như: khách sạn-nhà nghỉ tăng 364%, khoáng sản tăng 132%; du lịch tăng 132%, xây dựng tăng 81%, nông nghiệp tăng 68%, thương mại tăng 64%, sản xuất đồ uống tăng 48%, năng lượng điện tăng 29%...
Với những tín hiệu tích cực từ nguồn thu ngân sách ở nhiều ngành nghề kinh tế nói trên, cùng với việc Chính phủ tập trung khai thác tối ưu các nguồn thu phù hợp, 5 tháng 2023, tổng thu ngân sách đã đạt 15.155 tỷ Kíp, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái, ước 6 tháng đầu năm thực hiện 18.424 tỷ Kíp (tương đương 10,24 triệu USD).
+ Đầu tư, đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài 5 tháng/2023 đã phê duyệt 8.673 dự án, tổng vốn đầu tư 154.761,98 tỷ Kíp, ước 6 tháng đầu năm đạt 158.679,63 tỷ Kíp (tương đương 88,1 triệu USD).
+ Thương mại, theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương Lào, 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch XNK của Lào với thế giới đạt 5,53 tỷ USD, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2022 (6,07 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu của Lào với thế giới đạt 3,09 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm (3,47 tỷ USD), các mặt hàng xuất khẩu chính của Lào (không tính mặt hàng điện) bao gồm: vàng tổng hợp, váng miếng; sắn lát; muối kali; quặng đồng; quặng sắt và đường…; nhập khẩu đạt 2,606 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ (2,600 tỷ USD), các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm: dầu diesel; xăng thương; xăng đặc biệt; phương tiện vận tải và phụ tùng; sắt thép các loại…
Điểm sáng thương mại Lào 5 tháng đầu năm 2023 là thặng dư thương mại đạt 487,6 triệu USD.
+ Lạm phát, áp lực lạm phát tăng cao tại nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới thời gian qua chi phối tăng trưởng kinh tế thế giới, Lào cũng không nằm ngoài con sóng này đưa kinh tế Lào tiếp tục đối mặt với những khó khăn, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống của người dân. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Lào, 6 tháng đầu năm 2023, chỉ số lạm phát của Lào tăng bình quân ở mức 38,06% (NQQH là 9%). Tình hình lạm phát của Lào đang cho thấy có xu hướng giảm nhẹ từ mức cao nhất trong tháng 2/2023 là 41,26% xuống 28,64% trong tháng 6, tuy nhiên vẫn còn ở mức cao so với chỉ tiêu quốc hội đề ra và là mức lạm phát cao nhất của Lào kể từ năm 2000. Địa phương có tỷ lệ lạm phát cao nhất là tỉnh Luổng-phạ-bang 56,45%, tỉnh thấp nhất là Sạ-vẳn-nạ-khệt 18,56%, thủ đô Viêng-chăn đứng thứ 10/17 tỉnh thành với 25,6%.
Về giá cả tiêu dùng hầu hết các mặt hàng đều tăng theo giá nhiên liệu, các mặt hàng nhập khẩu khác tăng vọt do sự mất giá của đồng kíp, giá thực phẩm và đồ uống không cồn đã tăng 52,69%; thuốc và chi phí chăm sóc ý tế tăng 40,78%; nhóm dịch vụ khách sạn, nhà hàng tăng 37,4% dẫn đến chi phí nhà ở, điện nước, gas cũng tăng; chi phí vận chuyển tăng 24,72%.
+ Tỷ giá hối đoái, tính bình quân từ tháng 6/2023 so với cuối năm 2022, đồng tiền kíp liên tục mất giá, tỷ lệ mất giá so với đồng đô la Mỹ là 5,8% (từ 17.312 kip lên 18.390 kip/đô la); so với bạt Thái là 8,3% (từ 502 kip lên 548 kip/bạt).
Việc đồng Kíp liên tục mất giá đã khiến Ngân hàng Trung ương Lào, sau 20 năm phải khôi phục lại Vụ Quản lý ngoại hối để kiểm soát dòng ngoại tệ. Hiện nay, tỷ giá hối đoái trên thị trường Lào có sự biến động do tác động của yếu tố bên trong và bên ngoài như nhu cầu ngoại tệ, việc niêm yết tỷ lệ lãi suất của ngân hàng. Ngân hàng Trung ương Lào đã nghiên cứu, xác định tỷ giá tham chiếu và thông báo qua trang thông tin điện tử của Ngân hàng CHDCND Lào (bol.gov.la) vào 08:10 sáng mỗi ngày chính thức làm tài liệu tham khảo để các ngân hàng thương mại xác định tỷ giá hối đoái theo các giới hạn do Ngân hàng CHDCND Lào quy định theo định kỳ. Việc xác định tỷ giá mua hoặc bán đồng Kíp và đô la Mỹ trong biên độ không vượt quá + hoặc - 4,50% so với tỷ lệ tham chiếu do Cục Chính sách tiền tệ công bố hàng ngày và chênh lệch tỷ giá mua, bán không vượt quá 1%.
+ Kho dự trữ ngoại hối, tính đến hết tháng 5/2023 ở mức 1.439 triệu USD, tương đương 4,03 tháng giá trị nhập khẩu; ước 6 tháng đầu năm 2023 đạt không dưới 4 tháng giá trị nhập khẩu (NQQH không dưới 3 tháng).
- Một số kỳ vọng kinh tế chưa thực hiện được theo kế hoạch: (i) Lượng tiền M2 đến hết tháng 5/2023 tăng trưởng ở mức 27,29% và đến hết tháng 6/2023 dự kiến tăng 27,32 % (NQQH cả năm không quá 26%); (ii) Tỷ lệ lạm phát bình quân 6 tháng đầu năm ở mức 38,06% (NQQH cả năm không vượt quá 9%); (iii) Chênh lệch tỷ giá hối đoái trong hệ thống ngân hàng thương mại với các ngoại tệ, đồng kip so với đồng đô la ở mức 5,8% và đồng kip so với đồng bạt ở mức 8,3%. (NQQH điều chỉnh tỷ giá hối đoái phù hợp với mức độ cân đối kinh tế - tiền tệ và không tạo sức ép lên tỷ lệ lạm phát); (iv) Thu ngân sách từ xuất khẩu, tổng giá trị xuất khẩu thông qua hệ thống kê khai hải quan 5 tháng/2023 đạt 3.447 triệu USD, tuy nhiên nguồn thu nhà nước qua hệ thống ngân hàng chỉ đạt 1.228 triệu USD, chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu, ước 6 tháng/2023 thực hiện khoảng 36% tổng giá trị xuất khẩu (NQQH không dưới 50% tổng giá trị xuất khẩu).
6 tháng cuối năm, Chính phủ Lào xác định nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục tập trung phát triển kinh tế vĩ mô ổn định và bền vững hướng tới tăng trưởng kinh tế tiếp tục ở mức 4,5%. Tập trung giải quyết các vấn đề nóng trong nước cùng với việc đề ra các giải pháp trung hạn và dài hạn để thực hiện đúng các quyết sách mà Quốc hội đề ra cụ thể: (i) Kiểm soát lượng tiền M2; (ii) Kiểm soát lạm phát; (iii) Quản lý ngoại tệ và tỷ giá hối đoái; (iv) Thu ngân sách; (v) Quản lý chi tiêu và bội chi ngân sách. Ngoài ra, trong lĩnh vực khai khoáng, các dự án khai thác, chế biến quặng sẽ được rà soát lại một cách thực nghiệm để đảm bảo hiệu quả.