Vì sao kinh tế Nhật Bản mất ngôi vị thứ 3 thế giới ?
Thị trường hàng hóa thế giới sôi động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Giá dầu thế giới tăng cao Nhìn lại những sự kiện nổi bật của ngành năng lượng thế giới năm 2023 |
Theo hãng CNN, Văn phòng Nội các nước này ngày 15/2 cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã giảm với tốc độ hàng năm là 0,4% trong 3 tháng cuối năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng GDP của quý III/2023 cũng bị điều chỉnh xuống -0,8%. Hai quý suy thoái liên tiếp có nghĩa là nền kinh tế đang rơi vào thời kỳ suy thoái kỹ thuật.
Người dân đi ngang qua một ngã tư đông đúc ở Tokyo, Nhật Bản vào ngày 15/11/2023. Ảnh: Zhang Xiaoyu/Xinhua/Getty
Sự sụt giảm này thấp hơn nhiều so với dự báo của thị trường. Hãng Reuters trước đó đã dự báo GDP sẽ tăng 1,4% so với quý trước trong các tháng từ tháng 10 đến tháng 12.
Dữ liệu lần này xác nhận rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ xếp hạng thứ 4 thế giới sau Đức, tính theo đồng đô la Mỹ vào năm ngoái.
Nhu cầu trong nước đặc biệt yếu. Tất cả các hạng mục nhu cầu chính trong nước, bao gồm cả chi tiêu của người tiêu dùng đều âm. Chỉ có nhu cầu bên ngoài, được thể hiện qua xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, mới đóng góp tích cực.
Tiêu dùng cá nhân - chiếm một nửa nền kinh tế - giảm 0,9% hàng năm trong quý 4, do người tiêu dùng Nhật Bản phải vật lộn với giá thực phẩm, nhiên liệu và các hàng hóa khác tăng cao.
Ông Neil Newman, Chiến lược gia của công ty Japanmacro có trụ sở tại Tokyo nhận định Nhật Bản nhập khẩu 94% nhu cầu năng lượng cơ bản và 63% thực phẩm, do đó, đồng yên yếu góp phần đáng kể vào chi phí sinh hoạt cao hơn.
Đồng yên đã giảm 6,6% so với đồng đô la Mỹ kể từ đầu năm nay và trở thành một trong những đồng tiền tệ có giá trị thấp nhất trong số các loại tiền tệ được Nhóm 10 quốc gia công nghiệp hóa sử dụng.
Trước đó, một trận động đất làm rung chuyển bán đảo Noto ở quận trung tâm Ishikawa (Nhật Bản) vào ngày 1/1 đã làm sập các tòa nhà, gây ra hỏa hoạn và cảnh báo sóng thần ở tận miền đông nước Nga. Hơn 200 người chết và hơn 1.000 người bị thương.
Trong quý 4, chi tiêu đầu tư cũng giảm vào quý thứ 3 liên tiếp, giảm 0,3%. Đầu tư vào nhà ở của khu vực tư nhân giảm 4%. Tuy nhiên, nhu cầu bên ngoài đã hỗ trợ tăng trưởng chung. Xuất khẩu tăng 11% so với quý trước nhờ đồng yên yếu. Đặc biệt, tiêu dùng trong nước, bao gồm cả chi tiêu của khách du lịch đã tăng mạnh.
Mặc dù rơi vào suy thoái kỹ thuật nhưng thị trường Nhật Bản vẫn sôi động với chỉ số Nikkei 225 tăng 1,2% và đóng cửa trên mức 38.000 lần đầu tiên kể từ năm 1990.
Một số nhà kinh tế cho rằng suy thoái kinh tế ở Nhật Bản có thể sẽ giảm bớt trong những tháng tới. Bà Min Joo Kang, chuyên gia kinh tế cấp cao của ING Group cho biết mặc dù kết quả quý 4/2023 đáng thất vọng nhưng chúng tôi kỳ vọng GDP của Nhật Bản vào quý 1/2024 sẽ phục hồi.