Nhìn lại những sự kiện nổi bật của ngành năng lượng thế giới năm 2023
Ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị
Theo IEA, căng thẳng địa chính trị ngày càng tác động đến nguồn cung dầu khí toàn cầu, cùng với những lo ngại về biến đổi khí hậu do con người gây ra, đang làm xói mòn sự thu hút của nhiên liệu hóa thạch như một nguồn năng lượng an toàn và đáng tin cậy.
Ảnh minh họa |
Lo ngại về xung đột Trung Đông ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ. Nguồn cung từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) hỗ trợ tích cực cho thị trường dầu mỏ. Rủi ro địa chính trị gia tăng phát sinh từ cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt với Nga cũng ảnh hưởng đến giá dầu.
Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với xuất khẩu dầu của Nga đã định hình lại dòng dầu thô và dầu diesel sang châu Âu kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Năm “bùng nổ” của xe điện
Tại Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đang diễn ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), nhiều phát biểu không hài lòng về tốc độ giảm tiêu thụ dầu mỏ chậm chạp để chống biến đổi khí hậu. Nhưng có một điều tích cực mà các đại biểu có thể chỉ ra là số lượng xe điện ngày càng tăng trên toàn thế giới làm sứt mẻ lớn nhu cầu nhiên liệu hóa thạch.
Giới chuyên gia cho rằng, doanh số bán xe điện tăng trong những năm gần đây khiến các tổ chức trong ngành đẩy nhanh dự đoán về thời điểm mức tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ đạt đỉnh khi trợ cấp của nhà nước và công nghệ cải tiến giúp người tiêu dùng vượt qua trở ngại liên quan đến mức giá đắt đỏ của ô tô chạy bằng pin.
Ảnh minh họa |
Trong khi đó, IEA dự báo, mức tiêu thụ dầu thế giới sẽ đạt đỉnh điểm vào cuối thập niên này ở mức 103 triệu thùng/ngày, nhanh hơn so với mức dự báo đạt đỉnh 105 triệu thùng/ngày vào năm 2040 mà tổ chức đưa ra vào năm 2017.
Theo IEA, doanh số xe điện toàn cầu hiện chiếm khoảng 13% tổng doanh số bán xe và có khả năng tăng lên khoảng 40-45% vào cuối thập niên này. Ngoài ra, việc tăng cường cơ sở hạ tầng sạc và việc giảm chi phí pin đã góp phần thúc đẩy doanh số bán xe điện tăng vọt, báo hiệu sự chuyển hướng khỏi động cơ đốt trong truyền thống.
Cuộc đua phát triển năng lượng tái tạo
Chuyển dịch năng lượng mà trong đó các dạng năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường đươc thay thế dần bằng các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang là xu hướng chủ yếu và mạnh mẽ trong tiến trình phát triển năng lượng nói riêng và phát triển bền vững nói chung của các quốc gia hiện nay.
Ảnh minh họa |
Theo các thống kê, tổng đầu tư toàn cầu cho chuyển đổi năng lượng đã tăng từ 250 tỷ USD năm 2010 lên 500 tỷ USD năm 2020 và đặc biệt là tới 755 tỷ USD (gấp hơn 3 lần năm 2010) vào năm 2021.
Trong đó năm 2021 đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện gió và điện mặt trời) đã thu hút được 366 tỷ USD cho dự án điện mới (chiếm khoảng 70% tổng đầu tư các dự án nguồn điện mới), nửa đầu năm 2022 đã có 226 tỷ USD đầu tư cho năng lượng tái tạo. Dự báo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp 1/3 lượng điện trên thế giới.
Sự bứt phá của các trang trại điện gió ngoài khơi
Với những cải tiến về công nghệ cho phép tạo ra tua-bin lớn hơn và sản xuất năng lượng hiệu quả hơn, các quốc gia có đường bờ biển đã đầu tư rất nhiều vào các dự án gió ngoài khơi. Điện gió ngoài khơi là nguồn điện xanh thế hệ mới phát triển khoảng 30 năm gần đây tại các nước Đan Mạch, Anh, Đức, Trung Quốc, Mỹ. Tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu năm 2022 (COP27), 9 quốc gia gồm Bỉ, Colombia, Đức, Ireland, Nhật Bản, Hà Lan, Na Uy, Anh và Mỹ đã tham gia Liên minh điện gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA).
Ảnh minh họa |
Theo đó, các nước đã nhất trí hợp tác để thúc đẩy các tham vọng toàn cầu và xóa bỏ các rào cản đối với việc triển khai điện gió ngoài khơi tại các thị trường mới và hiện tại. Mục tiêu của GOWA là góp phần giúp thế giới đạt tổng công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu tối thiểu 380GW vào năm 2030.
Giới chuyên gia cho rằng, động thái này rất quan trọng trong việc đáp ứng các mục tiêu năng lượng tái tạo toàn cầu và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Tiềm năng của năng lượng hạt nhân trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Cuộc tranh luận xung quanh việc sử dụng năng lượng hạt nhân đã là một vấn đề gây tranh cãi trong nhiều thập kỷ và tiếp tục gây chia rẽ ý kiến trên toàn cầu. Một mặt, những người ủng hộ cho rằng, năng lượng hạt nhân là nguồn năng lượng đáng tin cậy và có hàm lượng carbon thấp, có khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của nhân loại, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính. Mặt khác, những người phản đối nêu lên mối lo ngại về rủi ro an toàn, xử lý chất thải hạt nhân và khả năng xảy ra tai nạn thảm khốc.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, để đa dạng hóa các nguồn năng lượng và giảm lượng khí thải carbon, năm 2023 cho thấy mối quan tâm mới đến năng lượng hạt nhân. Những đổi mới trong lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR) và công nghệ nhiệt hạch nhận được sự quan tâm và đầu tư ngày càng tăng.
Theo đó, để cân bằng nhu cầu năng lượng sạch với các mối quan tâm về an toàn và môi trường, các quốc gia như Pháp và Trung Quốc đi đầu trong việc tích hợp các công nghệ hạt nhân mới vào mạng lưới năng lượng.
Bristish Petroleum (BP), một trong những tập đoàn dầu khí đa quốc gia hàng đầu thế giới, ước tính vào năm 2040, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các năng lượng tái tạo khác sẽ chiếm khoảng 30% nguồn cung điện năng trên thế giới, đặc biệt ở khu vực các nước châu Âu, tỷ lệ này có thể lên tới 50%”. BP cũng đặt nhiều kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng của năng lượng tái tạo: “Trong khi dầu mất gần 45 năm để tăng từ mức 1% năng lượng toàn cầu lên 10% và khí đốt mất hơn 50 năm, thì năng lượng tái tạo dự kiến sẽ chỉ trong vòng 25 năm”. Năng lượng tái tạo dự kiến sẽ tăng trưởng 7,1% mỗi năm trong 2 thập niên tới, sau đó thay thế than đá để trở thành nguồn năng lượng hàng đầu thế giới vào năm 2040. |