Mỹ-Trung ký kết một loạt thỏa thuận về hợp tác năng lượng
Thượng viện Mỹ thông qua dự luật nâng trần nợ công Nhiều khúc mắc trong khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu |
Nhu cầu tiêu thụ khí đốt tăng vọt đã đẩy Trung Quốc ký kết một loạt thỏa thuận với các nhà xuất khẩu nhiên liệu Mỹ, thúc đẩy thương mại năng lượng giữa Mỹ và Trung Quốc, ngay ở thời điểm hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đối đầu gay gắt hơn.
Thỏa thuận mới nhất được công bố trong ngày 20/12. Theo đó, Venture Global LNG, công ty đang có dự án xây dựng hai tổ hợp khí hóa lỏng (LNG) xuất khẩu tại bang Louisiana, đã đồng ý bán cho Trung Quốc 3,5 triệu tấn LNG/năm cho CNOOC – nhà nhập khẩu LNG lớn nhất của Trung Quốc.
Đây là hợp đồng lớn thứ bảy được ký giữa các nhà xuất khẩu Mỹ với đối tác Trung Quốc kể từ tháng 10 vừa qua. Một số hợp đồng này có thời hạn lên tới hàng thập kỉ. Trung Quốc đang dần vượt qua Nhật Bản trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Trong khi đó, theo Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Mỹ trong năm 2022 sẽ vượt qua Australia và Qatar để đứng vị trí số một thế giới về xuất khẩu LNG.
Căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh leo thang trong thời gian gần đây, liên quan đến nhiều chủ đề - từ hồ sơ nhân quyền ở Tân Cương, vấn đề Hong Kong, cho tới hoạt động quân sự của Trung Quốc áp sát eo biển Đài Loan. Trung Quốc không ngừng chỉ trích Mỹ hành xử như một bá chủ toàn cầu, cố tìm cách kích hoạt một cuộc Chiên tranh Lạnh mới giữa các cường quốc.
Mỹ-Trung ký kết một loạt thỏa thuận về hợp tác năng lượng |
Ở chiều ngược lại, những thỏa thuận về buôn bán khí đốt là tín hiệu cho thấy Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể hợp tác ở những điểm hội tụ lợi ích, nhất là về năng lượng và chống biến đổi khí hậu. Trước đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã từng đạt thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Anh) hồi tháng 11 vừa qua. Hai bên cũng đàm phán và đi đến thống nhất về mở kho dầu dự trữ chiến lược để hạ nhiệt mặt hàng này.
Venture Global trong tháng 11 vừa qua cũng đã ký thỏa thuận với Tập đoàn hóa chất và dầu khí Trung Quốc (Sinopec), cung ứng 4 triệu tấn LNG/năm, cùng với đó là thỏa thuận ngắn hạn hơn về bán 3,5 triệu tấn LNG với Unipec, công ty con của Sinopec. Một trong số các hợp đồng mới ký với CNOOC với Venture Gloabal cũng có thời hạn lên đến 20 năm.
Theo Mike Sabel, Giám đốc điều hành của Venture Global, việc Trung Quốc nỗ lực cắt giảm phát thải carbon, thay thế các nhà máy nhiệt điện chạy than bằng nhiệt điện khí chính là động lực thúc đẩy các hợp đồng cung ứng LNG này. Việc ký thỏa thuận với Sinopec được tính toán kỹ về mặt thời điểm, nhằm chuyển đi thông điệp thiện chí, tích cực trước thềm COP26.
“Trung Quốc đang vượt trước các nước còn lại ở châu Á trong ký kết các hợp đồng mua khí đốt mới. Nhưng khi chúng tôi công bố các thỏa thuận này, phần còn lại ở châu Á sẽ lên tiếng và thực sự họ đang lên tiếng. Bởi nếu không Trung Quốc sẽ có ưu thế. Chúng ta đang ở thời điểm rất đặc biệt khi mà thế giới cần LNG của Mỹ còn năng lực sản xuất LNG tại Mỹ đang tăng nhanh hơn bất kỳ nước nào”, ông Sabel chia sẻ.
Tương tự như Venture Global, Cheniere Energy – nhà xuất khẩu LNG lớn nhất của Mỹ, cũng đang đặt cược vào Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng. Tập đoàn có trụ sở đóng tại Houston, bang Texas mới đây đã có được các đơn hàng mới, trong đó có hợp đồng với Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinochem), với sản lượng cung ứng 3 triệu tấn/năm. “Chúng tôi cho rằng châu Á là đầu tàu đối với nhu cầu LNG trong nhiều thập kỉ tới đây và Trung Quốc là miếng bánh lớn nhất trong đó”, Anatol Feygin, quan chức phụ trách thương mại của Cheniere chia sẻ.
Hợp đồng và dòng chảy LNG từ Mỹ sang Trung Quốc tăng mạnh sau quãng thời gian đóng băng dưới thời chính quyền Donald Trump – thời điểm Trung Quốc áp thuế đối với mặt hàng khí đốt của Mỹ để trả đũa cho đòn trừng phạt thuế mà Mỹ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các hợp đồng cung ứng khí LNG trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chịu tác động khủng hoảng thiếu điện và giá khí đốt toàn cầu tăng cao.
Theo dữ liệu của hãng tư vấn Refinitiv, trong 9 tháng đầu năm nay, Mỹ là nhà cung ứng LNG lớn thứ hai cho Trung Quốc, sau Australia – nước cũng có quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh. Nikos Tsafos – chuyên gia trưởng về năng lượng và địa chính trị tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, nhận định 50% lượng LNG nhập khẩu đến từ Mỹ và Australia là điều Bắc Kinh không vui. Nhưng điều kiện thực tế khiến Trung Quốc không thể làm khác và đó là những gì đang diễn ra hiện nay.
Tuy nhiên, việc xuất khẩu khí đốt ra nước ngoài hiện cũng là chủ đề chính trị nhạy cảm trong nội bộ nước Mỹ, sau khi giá khí đốt tại Mỹ leo lên mức trên 6 USD mỗi mỗi triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu), mức cao nhất kể từ năm 2008. Elizabeth Warren, một thượng nghị sĩ có ảnh hưởng lớn trong đảng Dân chủ, đã gửi thư cho giám đốc điều hành của 11 tập đoàn sản xuất khí đốt lớn, trong đó có cả ExxonMobil và BP, yêu cầu các công ty này xem xét “cắt giảm, tạm ngưng hoặc chấm dứt xuất khẩu khí đốt để giúp xoa dịu giá trong nước”.
Bùng nổ xuất khẩu khí đốt cũng có thể là một bài toán khó đối với Mỹ, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đẩy nhanh nỗ lực dịch chuyển mô hình kinh tế theo hướng giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch. Dù lượng khí carbon dioxide thải ra thấp hơn so với than đá, nhưng khí đốt vẫn là một nguồn phát thải khí nhà kính lớn.