Ngành Công Thương trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
“Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng,
Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi,
Đảng đã đem về tuổi xuân cho nước non,
Vang tiếng hát ca chứa chan niềm yêu đời”. [1]
Là người Việt Nam, chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng đều dâng lên niềm cảm xúc mãnh liệt khi lắng nghe bài hát ấy. Đó là những lời viết về Đảng trong bài hát “Đảng đã cho ta một mùa xuân” của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Đảng ra đời vào mùa Xuân cũng là sự khởi đầu của cách mạng. Mà cách mạng muốn thắng lợi thì trước hết phải có Đảng lãnh đạo, tổ chức dân chúng trong nước và đoàn kết với các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Như vậy tính tất yếu đòi hỏi khách quan sự lãnh đạo của Đảng, mà Đảng ra đời vào mùa Xuân thì chính Đảng là mùa Xuân của đất nước, của xã hội, của con người, của dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” [2].
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/02/1930 (Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh tại bảo tang lịch sử Quốc Gia. Nguồn Website Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Ngay từ khi ra đời, Đảng ta xác định “lấy chủ nghĩa Mác - Lênin” làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn đất nước để đề ra cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết cách mạng và khoa học cung cấp hệ thống lý luận và phương pháp luận khoa học không chỉ để khám phá các quy luật vận động và phát triển của xã hội loài người, chỉ ra quy luật phát triển diệt vong của chủ nghĩa tư bản, sự ra đời và thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội, mà còn vạch ra mục tiêu, con đường, lực lượng và phương pháp cách mạng để xoá bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội, giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công, tha hoá. Chính vì vậy mà ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình tồn tại, phát triển của mình, chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị các thế lực thù địch, phản động chống phá điên cuồng, quyết liệt trên cả bình diện lý luận và thực tiễn với quy mô rộng lớn, mang tính toàn cầu. Là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, cho nên cuộc đấu tranh bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin là cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực tư tưởng – lý luận chính trị. Tính chất của cuộc đấu tranh này là quyết liệt, không khoan nhượng.
(Chủ nghĩa Mác-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta, nguồn: Sưu tầm Internet. |
Tình hình trên cho thấy, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch được cả nước nói chung, ngành Công Thương nói riêng chú trọng đẩy mạnh, lan tỏa những hiệu ứng tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động theo tinh thần Nghị quyết 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị, Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ Ðảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Ðảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước” [3]. Đây là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn dân, toàn ngành Công Thương nói riêng và các tổ chức Đảng, cơ sở Đảng nói chung; là công việc tự giác, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đối với đất nước và dân tộc Việt Nam trong tình hình mới.
Với tinh thần quyết liệt, chủ động cùng với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, cấp ủy, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương và toàn thể cán bộ, đảng viên ngành Công Thương đã tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ các giải pháp “xây” và “chống”, tăng cường lan tỏa thông tin tích cực với phương châm “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu” trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Ngành Công Thương đã tích cực trong định hướng thông tin tuyên truyền, đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng; nhanh chóng làm thất bại các âm mưu diễn biến hòa bình, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Ảnh Báo Công Thương |
Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Trung ương, Ban Chỉ đạo 35 Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ Công Thương thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW đến các tổ chức đảng, cấp ủy trực thuộc, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ Bộ Công Thương và đạt những kết quả đáng ghi nhận. [4]
Cụ thể, 05 năm qua, Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương đoàn kết, tập hợp trí tuệ tập thể, phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. Triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hình ảnh liêm chính của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngành thông qua việc ban hành, triển khai thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các phương châm “Trung thành - Trung thực - Đoàn kết - Tận tụy - Sáng tạo - Nêu gương”; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Phát huy tinh thần tự giác, chủ động, sáng tạo, nêu gương của tập thể, tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao; nhất là thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định về phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là công việc thường xuyên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận và niềm tin của nhân dân đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nói chung và ngành Công Thương nói riêng.
Điểm mới trong nhiệm kỳ này là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành một cách quyết liệt, đồng bộ và toàn diện hơn, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh,... Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Cùng với bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà khóa XII đề ra; lần này Trung ương bổ sung, nhấn mạnh thêm hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đó là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm. Việc bổ sung, nhấn mạnh hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên là bài học rút ra từ thực tiễn những năm qua, nhất là về công tác cán bộ. Suy cho cùng, mọi việc tốt hay xấu đều do cán bộ mà ra. Trình độ năng lực yếu kém lại suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì tất yếu dẫn đến làm trái, tham nhũng, tiêu cực”. [5] Thấy rõ vai trò, vị trí quan trọng của công tác cán bộ, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về công tác này, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới theo phương châm "xây" và "chống".
Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII, Bộ Chính trị có Kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, nhằm khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp thực tiễn, từ đó mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung... Song, những ai lợi dụng chủ trương này để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh.
Chủ trương về công tác cán bộ có nhiều điểm mới, ngày càng hoàn thiện hơn và luôn nhất quán trong chiến lược cán bộ của Đảng, vừa tạo môi trường cho cán bộ cống hiến tài năng, vừa có cơ sở xem xét đánh giá, bố trí sử dụng và xử lý khi sai phạm. Đây là nội dung không thể thiếu trong nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nói rộng ra là yêu cầu cấp thiết đối với cán bộ trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Nhìn lại quá trình phát triển ngành Công Thương, trong thời kỳ đổi mới, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, đề ra các chủ trương, chính sách kịp thời, phù hợp thúc đẩy phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đơn cử với ngành công nghiệp, xuyên suốt các kỳ Đại hội Đảng, công nghiệp luôn được định hướng phát triển theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao, theo kịp nhịp độ phát triển của thế giới.
Trong bối cảnh tổng cầu thế giới sụt giảm nhưng hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn, Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sau 11 tháng đạt 619,2 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 322,5 tỷ USD, nhập khẩu đạt 296,7 tỷ USD.
Trong 11 tháng năm 2023, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%). Xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như: gạo, rau quả, cà phê, hạt điều...
Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư sau 11 tháng đạt 25,83 tỷ USD, là mức tăng ấn tượng, tới 250% so với cùng kỳ năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường; điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Nhập khẩu cơ bản đáp ứng nhu cầu nguyên, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và tiêu dùng.
Hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với các chỉ tiêu kinh tế khác, trở thành trụ đỡ quan trọng đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Dự kiến tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 11 tháng năm 2023 ước đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 9,6% so với cùng kỳ năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (tăng 8 - 9%).
Trật tự thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa tiếp tục được củng cố; chú trọng kiểm tra, xử lý các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình giao dịch, thông qua các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã thực hiện tốt các công tác phát triển khoa học - công nghệ, an toàn môi trường; thanh tra, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các mặt công tác khác về thi đua khen thưởng, thông tin tuyên truyền...
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, bất cập.
Thời gian qua, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, tổ chức đảng ngành Công Thương trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng chưa sâu sắc. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên nên một bộ phận cán bộ, đảng viên lơ là, thiếu trách nhiệm, chưa thật sự coi trọng việc thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Một số phương thức, giải pháp chưa thực sự hiệu quả, còn nặng tính hàn lâm, kinh điển, khi triển khai mang tính rập khuôn, máy móc, hiệu quả chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn của ngành Công Thương.
Việc thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành pháp luật của Nhà nước ở một số khâu, trong một số trường hợp còn chậm và cách thức triển khai chưa phù hợp.
Việc xây dựng “thế trận lòng dân” trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Vấn đề niềm tin của nhân dân đối với Đảng được xem là giá trị cốt lõi, quan trọng bậc nhất. Tuy nhiên, trên thực tiễn, một số nội dung, phương thức, giải pháp để “gieo niềm tin” từ nhân dân chưa đạt hiệu quả như mong muốn, như nêu gương trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chưa thật sự nổi bật, chưa đủ sức lan tỏa để quần chúng “nghe, nói, tin và làm theo”.
Mặt khác, vẫn còn tình trạng một số bộ phận cán bộ, đảng viên còn đùn đẩy, sợ trách nhiệm, nhận thức, ý thức kỷ luật chưa cao; chưa chủ động, tự giác trong tự phê bình và phê bình; còn trường hợp vi phạm về đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, tham nhũng, tiêu cực bị xử lý kỷ luật, “con sâu làm rầu nồi canh” phần nào tác động đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Lời cảnh báo từ những "vết xe đổ"
Nhiều vấn đề trong công tác xây dựng Đảng đã được Đảng ta cảnh báo từ rất sớm và "chỉ mặt" từng căn bệnh để đưa ra giải pháp ngăn chặn. Chưa bao giờ việc xử lý cán bộ sai phạm, tham nhũng, tiêu cực lại làm quyết liệt và nhiều như những năm vừa qua. Thật đau xót cho những cán bộ cả đời cống hiến song chỉ một lúc không vượt qua được "cái tôi" vị kỷ, tư lợi mà "tay nhúng chàm" để sự nghiệp đổ xuống sông, xuống biển. Vậy mà dường như mọi sự răn đe, chế tài xử lý vẫn chưa ngăn được lòng tham ở một số cán bộ.
Những vấn đề đặt ra không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng mà còn là sự cảnh tỉnh, cảnh báo, đòi hỏi ý thức tự giác đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Công cuộc đổi mới đang trên đà phát triển để nước ta hướng tới mục tiêu năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội XIII đề ra. Thời cơ, thuận lợi có nhiều, song cũng không ít thách thức đan xen, tác động hằng ngày, hằng giờ không chỉ đối với đất nước mà từng con người, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cương vị càng cao càng phải chịu nhiều áp lực từ công việc, từ chính bản thân và gia đình. Ai nhận rõ điều ấy, biết nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, thường xuyên rèn luyện, giữ mình thì sẽ vượt qua mọi cám dỗ. Đó là bài học từ những tấm gương đi trước; cũng là sự cảnh báo từ chính những đồng chí của mình đã vướng vào vòng lao lý. Trước tòa, Cựu Phó Chủ tịch một thành phố đã thốt lên rằng: "Sau 55 năm theo Đảng hoạt động cách mạng, chiến đấu và công tác, chưa bao giờ bị kỷ luật, đến khi cuối đời, ở cái tuổi xế chiều, tôi lại dính vào vòng lao lý. Đó là một cú sốc rất nặng đối với tôi, một trải nghiệm vô cùng nghiệt ngã và cay đắng". Bị cáo đã khóc khi nói về người mẹ, xin lỗi mẹ và gia đình; xin lỗi đồng đội, xin lỗi lãnh đạo và nhân dân, đặc biệt là người dân thành phố.
Hơn năm triệu đảng viên trong cả nước chắc không khỏi ngậm ngùi khi đọc những lời hối lỗi muộn mằn ấy và nên tự soi lại mình để tránh vết xe đổ mà đồng chí, đồng đội vướng phải...
Những âm mưu, chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch
“Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trên cơ sở những thành tựu to lớn đất nước đã đạt được.
Trải qua 94 năm Đảng ta lãnh đạo và cầm quyền, trải qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh để "đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Hiện nay, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Song, cần nhận thức sâu sắc rằng, con đường chúng ta kiên định đang và sẽ tiếp tục trải qua vô vàn khó khăn, thách thức. Tại Đại hội XIII, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ ra một trong những thách thức to lớn mà chúng ta phải đối mặt và giải quyết, đó là: “Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta.” [6] Không những thế, lợi dụng tiến bộ của công nghệ thông tin, truyền thông trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nhiều biến động của tình hình thế giới, các thế lực thù địch càng ráo riết đẩy mạnh chống phá trên mọi mặt trận, trọng tâm là chĩa mũi nhọn tấn công chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng bằng hàng loạt âm mưu, thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc… Đó chính là một thách thức rất lớn đặt ra cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trong thời gian tới.
Chưa bao giờ các thế lực thù địch thôi ngừng chống phá, công kích chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục tiêu của các thế lực thù địch là muốn gây nhiễu và tạo những khoảng trống ý thức hệ trong cán bộ, đảng viên, kích động, thúc đẩy quá trình "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" làm lung lạc niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Ngành Công Thương là một ngành đa lĩnh vực, có quy mô hoạt động lớn, ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội. Trong đó, lực lượng Quản lý thị trường được giao nhiệm vụ “bảo vệ” thị trường, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường nội địa. Do đó, sẽ có nhiều thông tin hiểu chưa đúng, chưa đủ, thậm chí sai lệch về lực lượng… nhất là trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số thế lực thù địch đã lợi dụng mạng xã hội bội nhọ hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường nhằm gây mất đoàn kết, làm giảm niềm tin trong nhân dân.
Đáng lưu ý, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT cũng thường xuyên phải đối mặt với các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta. Các thế lực thù địch âm mưu làm cho nền kinh tế nước ta phát triển chệch định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng bóp méo các nguyên lý kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đối lập định hướng xã hội chủ nghĩa với phát triển kinh tế thị trường…, Chúng cho rằng, sở dĩ vấn nạn hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay là do hệ quả tất yếu của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa…
Bản lĩnh chính trị là phẩm chất quan trọng cần có của mỗi cán bộ, đảng viên, là tinh thần, ý chí quyết tâm, nỗ lực phấn đấu không lùi bước hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, ngành Công Thương nói riêng phải thực sự có đức, có tài, “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. [7]
Bảo vệ chính trị nội bộ là vấn đề sống còn của cách mạng, gắn liền với vận mệnh và vai trò lãnh đạo của Đảng, là một nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược lâu dài trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng; là trách nhiệm của các cấp uỷ, các tổ chức đảng và toàn thể đảng viên. Ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam sớm thấy được vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng là cực kỳ quan trọng. Mỗi khi cách mạng nước ta chuyển sang thời kỳ mới, Đảng đều kịp thời đề ra chủ trương, biện pháp xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng. Nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng đã thể hiện sự coi trọng đúng mức về công tác bảo vệ chính trị nội bộ Đảng.Chính vì vậy, Đảng ta đã làm thất bại nhiều âm mưu, thủ đoạn phá hoại của kẻ thù; bảo vệ được tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên để lãnh đạo quần chúng đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dânThời gian tới, để bảo đảm hiệu quả cao nhất, cần mạnh dạn hoàn thiện, bổ sung và đổi mới phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới nói chung và toàn ngành Công Thương nói riêng qua một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Cấp ủy, chính quyền các cấp và đội ngũ cán bộ chủ chốt phải nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhận diện rõ các quan điểm sai trái, thù địch nhất là những thông tin xấu, độc chống phá hoạt động của ngành Công Thương để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát với tình hình thực tế. Phát huy vai trò nòng cốt của cấp ủy cấp ủy Đảng, chính quyền ngành Công Thương. Xác định rõ, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, phản bác quan điểm sai trái thù địch không chỉ có bộ phận chuyên trách, mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn thể nhân dân. Ban Chỉ đạo 35 cần xây dựng và ban hành “Chiến lược quốc gia về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch”.
Hai là, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tích cực đấu tranh phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ngay trong nội bộ ngành Công Thương gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”. Đưa công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đi vào nền nếp đạt hiệu quả cao, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khả năng chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên Internet, mạng xã hội trên các Trang, Cổng Thông tin điện tử đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương để chủ động xây dựng hình ảnh tốt đẹp của tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ngành Công Thương đủ tâm, đủ tầm; phát hiện, nhân rộng gương điển hình tiên tiến để tạo tính lan tỏa sâu rộng. thường xuyên đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”.
Bốn là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Đổi mới công tác cán bộ và ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, xử lý nghiêm những tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Năm là, nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước với các hoạt động tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, trong đó chú trọng đến việc “xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí, phóng viên đăng tải thông tin chưa được xác minh, kiểm chứng, không có sơ sở, căn cứ, gây ảnh hưởng không tốt đẹp đến dư luận xã hội”(6). Do đó, các cơ quan Nhà nước cần xiết chặt cơ chế quản lý hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, truyền thông… trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Sáu là, tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất - kỹ thuật, xây dựng, phát triển và tăng cường phối hợp các lực lượng trong tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong bối cảnh phát triển của truyền thông hiện đại, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nhất thiết phải chú trọng đầu tư ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, đẩy mạnh chuyển đổi số, phương tiện truyền thông, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội. Ngoài lực lượng cán bộ chuyên trách trong ngành Công Thương, cần xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia, lực lượng xung kích để tạo thành mạng lưới tuyên truyền rộng khắp. Bên cạnh đó các đơn vị tuyên truyền cần có sự phối hợp chặt chẽ để kết nối, lan tỏa những nội dung liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để tạo thành mạng lưới thông tin tuyên truyền tích cực, góp phần “pha loãng”, đẩy lùi các thông tin tiêu cực.
Lịch sử và thực tiễn đã chỉ ra rằng dù có muôn phương ngàn kế với những thủ đoạn tinh vi, nham hiểm nhưng các thế lực chống phá Đảng không thể nào lay chuyển được ý chí của những đảng viên chân chính vì lý tưởng của Đảng đã ăn sâu, bám rễ như cây cổ thụ trường tồn vững chắc trong huyết quản của đội ngũ đảng viên được tôi rèn qua những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước chủ nghĩa xã hội.
Là một Đảng viên đang công tác trong ngành Công Thương, tác giả lấy làm tự hào và vui mừng trước những thành quả nổi bật, tạo nên sự thành công của Đảng bộ Công Thương bên cạnh đó nhận thấy công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, chông gai. Nhưng với sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương thì nhiệm vụ nào cũng sẽ hoàn thành, khó khăn nào cũng sẽ vượt qua và kẻ thù nào cũng sẽ đánh thắng theo phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”.
“Và rồi từ đây ánh dương soi đời mới,
Tiến theo cờ Đảng là thấy tương lai sáng tươi.”
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Bài hát Đảng đã cho ta một mùa xuân – Nhạc sĩ Phạm Tuyên
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.2
[3]. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đáu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
[4]. Báo cáo tại Hội nghị Công tác xây dựng Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Đảng bộ Công Thương.
[5]. Toàn văn kết luận Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
[6] [7]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr 96-97, tr.183.