Nghịch lý tại nền kinh tế đầu tàu châu Âu
Công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp xe ô tô của Hãng Volkswagen ở Wolfsburg (Đức). Ảnh: REUTERS/TTXVN
Bài viết của tác giả Luca Angelini, đăng trên mạng Corriere della Sera (Italy), đề cập một nghịch lý đang xảy ra ở Đức: Giữa lúc nền kinh tế đầu tàu châu Âu tăng trưởng chậm chạp, nhiều nghiệp đoàn và người lao động nước này lại liên tục thúc đẩy các đề xuất về giảm giờ làm.
Theo bài viết, mô hình kinh tế của Đức, tập trung vào xuất khẩu, đã thích ứng kém và chậm chạp trước những thay đổi đang diễn ra. Những yếu tố gây ảnh hưởng, không chỉ liên quan đến căng thẳng địa chính trị đang tái xác lập các mô hình cũ của nền kinh tế, mà còn liên quan đến sự chuyển đổi của một xã hội Đức ngày càng già nua với tỷ lệ sinh thấp.
Trong suốt hai thập kỷ qua, nền kinh tế lớn nhất châu Á ngày càng trỗi dậy. Trung Quốc đã bỏ lại phía sau một “kỷ nguyên sao chép” và ngày nay đã đi trước châu Âu trong hầu hết các lĩnh vực công nghệ cao, có lẽ ngoại trừ quốc phòng.
Chính nhờ sự giúp đỡ của Đức, dưới hình thức đầu tư và hợp tác công nghệ, Trung Quốc cũng đã vượt qua châu Âu trong nhiều lĩnh vực công nghiệp truyền thống, chẳng hạn như ô tô, pin năng lượng Mặt trời, tua-bin gió… Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang chuẩn bị làm điều mà người châu Âu và đặc biệt là người Đức đã luôn làm trong nhiều thập kỷ qua, đó là xâm chiếm thế giới bằng hàng xuất khẩu siêu cạnh tranh. Đó rõ ràng không phải là một chiến lược tốt cho Đức và ngày nay, người Đức đang sống trên đống đổ nát của một chiến lược công nghiệp hiện không còn tồn tại, trong khi thiếu dự phòng một kế hoạch B.
Tác giả cho rằng nước Đức đang mất dần vị trí đầu tàu kinh tế châu Âu và thậm chí dần trở thành một “con bệnh” lớn của “lục địa Già”. Một loạt ví dụ đã được nêu trên các phương tiện truyền thông đại chúng, như tờ Wall Street Journal (Mỹ) đã viết về tình trạng đầu cơ gây ảnh hưởng đến nhà sản xuất ô tô lâu đời của Đức làVolkswagen, hay việc hãng xe BMW đang rớt giá trên thị trường chứng khoán…
Chuyên gia Moritz Schularick, hiện là Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới Kiel, nhận định: “Các vấn đề của Volkswagen ở một mức độ nhất định đã nói lên các vấn đề của nền kinh tế Đức, và các vấn đề của nền kinh tế Đức cũng được phản ánh tại những khó khăn của hãng xe này. Việc chống lại sự thay đổi là điều gì đó đang tác động đến cả hai”.
Đề xuất giảm giờ làm
Đáng chú ý là bài viết trên tờ Italia Oggi đã vẽ ra một bức tranh chi tiết, mà trong đó người Đức, thay vì nỗ lực tăng năng suất và chăm chỉ hơn, lại đang mong muốn làm việc ít hơn. Liên quan ý tưởng giảm thời gian làm việc xuống còn 4 ngày/tuần, bài viết trích dẫn những quan điểm ủng hộ với lập luận đề xuất như vậy sẽ giúp đảm bảo sức khỏe, thời gian rảnh rỗi, chất lượng cuộc sống và thu nhập. Các ý kiến nhất trí phương án làm việc 4 ngày/tuần cho rằng đó “không phải là lười biếng mà là yêu gia đình, sở thích và các hoạt động tình nguyện, cũng như công việc của họ”.
Theo những ý kiến ủng hộ, các công ty có thời gian làm việc ít hơn cho thấy tỷ lệ bệnh tật giảm, năng suất không bị ảnh hưởng và không gặp khó khăn trong tìm kiếm nhân sự. Trả lời phỏng vấn với nhà báo Guido Zander, cựu Giám đốc nhân sự của công ty viễn thông Telekom, Thomas Sattelberger nói ông không phản đối về nguyên tắc đề xuất giảm giờ làm, song lo ngại chế độ làm việc 4 ngày/tuần mà không giảm lương, vốn là một ý tưởng của người Mỹ, nên được nghiên cứu theo từng trường hợp cụ thể. Ông nhấn mạnh: “Không phải cả thế giới đều là New York”.
Trên thực tế, cuộc thảo luận ở Đức về cắt giảm thời gian làm việc xuống còn 4 ngày/tuần, với mức lương giữ nguyên, là khá phức tạp. Theo dữ liệu từ trang “4 Day Week Global”, nơi hỗ trợ sáng kiến này trên toàn thế giới, 45 công ty Đức đã tham gia thử nghiệm kéo dài trong sáu tháng, triển khai từ năm ngoái với sự hợp tác của Intraprenör và Đại học Münster. Kết quả sẽ có trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 11/2024, song cho đến thời điểm hiện nay, không ít ý kiến đã chỉ ra rằng người Đức theo truyền thống vốn đã làm việc ít hơn so với các đồng nghiệp khác ở trong cũng như ngoài châu Âu.
Năng suất là chìa khóa
Theo dữ liệu mới nhất từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mỗi nhân viên người Đức làm việc trung bình 1.349 giờ trong năm 2021. Mức trung bình của OECD là 1.716 giờ, trong khi người Hy Lạp làm việc 1.872 giờ trong 12 tháng.
Tờ Deutsche Welle dẫn ý kiến của tác giả Insa Wrede nhấn mạnh rằng cần làm rõ một số vấn đề. Bản thân OECD cũng thừa nhận dữ liệu của họ, do các tiêu chuẩn báo cáo và tham chiếu thời gian khác nhau, thực sự không thể cho một kết quả so sánh chuẩn xác. Hơn nữa, báo cáo cho biết, năng suất làm việc và thời gian mà người dân ở các quốc gia khác nhau coi là thời gian làm việc có thể không thực sự đồng nhất.
Chuyên gia Jan Bühren, Giám đốc một công ty thành viên của Intraprenör và là người ủng hộ tuần làm việc “rất ngắn”, nhấn mạnh rằng “ở Đức và nhiều nước khác, giá trị của một con người vẫn được quyết định mạnh mẽ bởi khả năng và thái độ sẵn sàng làm việc của anh ta. Mức độ chăm chỉ như thế nào sẽ quyết định giá trị đạo đức của bạn. Những thử nghiệm cho tuần làm việc 4 ngày luôn phải đối mặt với cáo buộc là lười biếng”.
Theo một cuộc khảo sát do Quỹ Hans-Böckler trực thuộc công đoàn Đức thực hiện, phản ứng của người lao động Đức đối với kế hoạch làm việc 4 ngày/tuần vẫn còn trái chiều. Khoảng 73% công nhân được khảo sát cho biết họ muốn tuần làm việc 4 ngày, nhưng chỉ với điều kiện mức lương vẫn giữ nguyên. Khoảng 8% sẽ chấp nhận giảm lương, trong khi 17% từ chối giảm giờ làm việc.
Tuy nhiên, tất cả đều đồng ý rằng chìa khóa để biết liệu tuần làm việc 4 ngày với cùng mức lương có hiệu quả hay không chính là năng suất. Theo chuyên gia Holger Schäfer, nhà kinh tế thuộc Viện Kinh tế Đức (IW Cologne), việc áp dụng tuần làm việc 4 ngày là phản tác dụng từ quan điểm kinh tế vĩ mô.
Trả lời phỏng vấn với tờ Deutsche Welle, chuyên gia này khẳng định, trong tình trạng thiếu lao động hiện nay, việc đề xuất giảm thời gian làm việc có thể giúp một công ty “giành giật công nhân với đối thủ cạnh tranh”, song sẽ không giúp ích cho toàn bộ nền kinh tế bởi “nếu tất cả các công ty giảm giờ làm việc, kết quả rốt cuộc sẽ là thiếu hụt số giờ làm việc”.
Ông Schäfer lập luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy việc giảm giờ làm việc có thể tăng đáng kể năng suất. Cụ thể, “muốn giảm thời gian làm việc từ 5 xuống 4 ngày/tuần, tương đương giảm 20% số giờ mà không khiến sản xuất bị suy giảm thì cần tăng 25% năng suất, một điều phi thực tế”.
Đối với ông Jörg Dittrich, Chủ tịch Liên đoàn Thủ công và Doanh nghiệp nhỏ Đức (ZDH), việc áp dụng tuần làm việc 4 ngày có thể hữu ích, ít nhất là trong một số lĩnh vực của nền kinh tế. Theo đó, “các doanh nghiệp thủ công có thể trở nên hấp dẫn hơn đối với những lao động có tay nghề cao”.
Vấn đề toàn cầu rộng lớn hơn
Ông Bühren từ Intraprenör cho biết thêm rằng tuần làm việc 4 ngày “không chỉ đơn giản là giảm giờ làm việc. Đó là lời kêu gọi toàn cầu phải suy nghĩ lại về cấu trúc thế giới việc làm. Các khía cạnh như tính linh hoạt, quyền tự quyết và thúc đẩy cân bằng hơn giữa công việc và cuộc sống đóng vai trò trung tâm. Những lợi ích tiềm tàng của sự thay đổi đó, như sự hài lòng tăng lên trong nhân viên, đến sức hấp dẫn lớn hơn đối với các chuyên gia và tác động tích cực đến môi trường, đều rất đa dạng và có thể đóng góp mạnh mẽ cho sức sống trong tương lai của thị trường lao động”.
Cuộc tranh luận vẫn còn mở, thậm chí còn gay gắt hơn vì các công đoàn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Ở đây, chúng ta quay lại những vấn đề của hệ thống Đức, trong đó năng suất lao động vẫn cao song đang giảm dần. Ông Enzo Weber cho rằng chiều hướng suy giảm hiện nay là do cuộc khủng hoảng năng lượng. Tổng số giờ làm việc vẫn ổn định nhưng sản lượng giảm do chi phí năng lượng tăng cao. Theo ông, một lý do khác khiến năng suất lao động của Đức sụt giảm là bởi khu vực rất rộng có mức lương thấp, nơi năng suất nhìn chung không cao lắm, đang tồn tại ở nước này.
Việc giảm giờ làm việc có một số lợi ích vì giúp cải thiện năng suất và có xu hướng cải thiện sức khỏe nhân viên. Tuy nhiên, đó cũng là một vấn đề đối với các công ty vì nền kinh tế Đức đang thiếu lao động rất lớn. Lựa chọn tốt nhất là cải thiện tính linh hoạt của giờ làm, thay vì buộc tất cả nhân viên phải giảm giờ làm việc.
Để tăng số giờ làm việc trên toàn quốc, giải pháp khả thi nhất nằm ở việc tăng cơ hội cho phụ nữ làm việc bán thời gian. Hầu như không có quốc gia nào trên thế giới có tỷ lệ phụ nữ làm việc bán thời gian cao hơn Đức. Nhiều phụ nữ muốn làm việc nhiều hơn nếu họ gặp ít trở ngại về thuế hơn và có thêm sự hỗ trợ từ các nhà trẻ và trường học toàn thời gian”.
Theo BNews/TTXVN