Nhãn Hưng Yên lên sàn thương mại điện tử
Đây là lần đầu tiên nhãn lồng Hưng Yên được mở bán trên sàn thương mại điện tử sau hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên mùa vụ năm 2021 được tổ chức ngày 15/7. Đây cũng là một trong những hoạt động nhằm thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, sản lượng nhãn của tỉnh vào khoảng 50.000-55.000 tấn, trong đó lượng nhãn đạt chất lượng VietGAP vào khoảng trên dưới 20.000 tấn.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng nhãn tiêu thụ trong nước được cho là sẽ có xu hướng giảm. Nhằm giải quyết bài toán này, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã đồng hành cùng Sàn thương mại điện tử Sendo để sớm đưa sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên tiếp cận người tiêu dùng thông qua kênh thương mại điện tử.
Sendo sẽ là sàn thương mại điện tử đầu tiên bán nhãn Hưng Yên. Chủ tịch Sendo, ông Nguyễn Đắc Việt Dũng cho biết, nhãn lồng Hưng Yên sẽ được "tạo luồng xanh" tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam, thông qua "chợ ảo".
Nhãn Hưng Yên lần đầu tiên lên sàn thương mại điện tử |
Thông qua Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Sendo sẽ kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã để mở hướng đưa sản phẩm Nhãn lồng Hương Chi - Hưng Yên lên bán trên sàn thương mại điện tử từ tháng 8/2021.
Bên cạnh việc đảm bảo độ tươi ngon đạt tiêu chuẩn VietGAP, với đầy đủ chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm nhãn Hưng Yên còn được trợ giá, với ưu đãi đặc biệt giảm tới 35% - 50% và hỗ trợ chi phí vận chuyển trong những ngày chạy Chương trình.
Các đơn hàng của Sendo đang được giao theo đúng nguyên tắc giãn cách xã hội đảm bảo quy định về an toàn phòng chống dịch. Đồng thời, nhằm nâng cao tinh thần phòng dịch, khuyến khích giao hàng không tiếp xúc, các đơn hàng nông sản trên Sendo khi thanh toán bằng ví điện tử ZaloPay sẽ được giảm giá vận chuyển lên đến 50.000 đồng.
Là một trong số các chương trình của “Gian hàng Việt trực tuyến” được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Sendo còn hướng dẫn để bà con nông dân tại Hưng Yên làm quen với công nghệ thương mại điện tử, bao gồm cách mở và quản lý gian hàng, đăng bán sản phẩm, đồng thời kết nối bà con với các đơn vị vận chuyển.
Sau Sendo, các sàn thương mại điện tử khác cũng đang có phương án phối hợp cùng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để triển khai tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên trong cả mùa nhãn tháng 8 này. Đây là kinh nghiệm của Bắc Giang trong việc tiêu thụ vải, khi sớm chuyển dịch tỷ lệ tiêu thụ chủ yếu từ xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa.
Thời gian qua, với sự ủng hộ của Bộ Công Thương và các sở, ban, ngành địa phương, sàn thương mại điện tử Sendo đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã liên tục xây dựng các hoạt động trong loạt chương trình hỗ trợ quảng bá và tiêu thụ nhiều loại cây trái mùa vụ trên.
Mặc dù việc tập kết, đóng gói, vận chuyển thực phẩm tươi trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở các tỉnh phía Nam là vô cùng khó khăn nhất là ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ khó khăn với bà con vùng dịch sàn thương mại điện tử Sendo đã sớm phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương triển khai chương trình “Đi chợ tại nhà - An tâm phòng dịch” với hàng trăm loại thực phẩm khác nhau như rau củ quả tươi, thịt tươi, thực phẩm đóng gói . . . và các gói combo đa dạng liên tục được thay đổi.