Những chiến sỹ lực lượng QLTT đón Tết xa nhà
Tết của “chiến sĩ” QLTT xa nhà
Hương Sơn là một huyện trung du, miền núi của Hà Tĩnh với địa bàn tương đối rộng, diện tích 1096,8 km² và dân số 142.400 người; phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp huyện Vũ Quang, phía đông giáp huyện Đức Thọ, phía tây giáp Borikhamxay của Lào và Dãy núi Trường Sơn với đường biên giới dài 63km. Hương Sơn có 02 thị trấn (Phố Châu, Tây Sơn) và 23 xã, có Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tương đối sôi động. Do vậy công tác quản lý thị trường tương đối khó khăn, phức tạp, trong khi Đội QLTT số 5 đóng trên địa bàn chỉ có 07 công chức, ngoài địa bàn Hương Sơn còn phải quản lý địa bàn huyện Đức Thọ.
Xác định tính chất quan trọng của địa bàn nên dịp Tết hằng năm, công chức Đội QLTT số 5 đều tình nguyện ở lại thực hiện nhiệm vụ, đón Tết xa nhà, thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường 24/24h. Với mỗi chiến sỹ lực lượng QLTT nơi đây, việc đón Tết ở nhà cùng người thân có lẽ là một thứ gì đó rất xa xỉ mà họ gần như không được tận hưởng. Năm nay, có lẽ lại thêm một mùa xuân nữa các anh phải ăn Tết xa nhà.
Một chiến sỹ mang tên Đường Hải Thiện, chia sẽ: “Em quê ở Yên Thành, Nghệ An. Năm 2022 em thi đỗ vào Cục QLTT tỉnh Hà Tĩnh và được phân công công tác tại Đội QLTT số 5. Đây là năm đầu tiên em không về quê ăn Tết cùng gia đình, một cảm giác hơi buồn và hụt hẫng vì lần đầu không được ở nhà ăn Tết cùng bố mẹ và người thân, em cũng rất nhớ gia đình vì lâu rồi bận công việc nên không về được nhưng đây có lẽ cũng sẽ là trải nghiệm thú vị khi được ăn Tết ở Đội cùng các bác, các anh trong đơn vị. Được thực hiện nhiệm vụ trong dịp Tết, để bà con nhân dân vui xuân, đón Tết an lành, đảm bảo sức khỏe, hạnh phúc, niềm vui thì em luôn tình nguyện, sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ đơn vị giao”.
Đây chỉ là chia sẽ ngắn của một công chức mới vào nghề trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 này nhưng ở Cục QLTT Hà Tĩnh nói riêng và lực lượng QLTT trên cả nước nói chung, có lẽ vẫn còn rất nhiều chiến sỹ QLTT đón Tết xa nhà như vậy. Những chia sẽ hết sức vô tư, hồn nhiên, ẩn chứa dưới ánh mắt là một nỗi buồn xa gia đình không hề nhẹ, nhất là khi dịp Tết đang đến rất gần, những người thân yêu của mỗi chúng ta đang mong ngóng được sum vầy bên nhau. Thì những chàng trai trẻ này vẫn mạnh mẽ trong lời nói, toát lên sự quyết tâm cao độ cho công việc, cho bình yên của nhân dân nơi đây. Thật đáng tự hào và khâm phục biết bao, những chiến sỹ QLTT thầm lặng đang ngày đêm kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên mọi miền tổ quốc. Chúc cho các đồng chí luôn bám sát địa bàn, nắm bắt kịp thời thông tin các đối tượng, hành vi để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính. Chúng tôi tin rằng, mặc dù các chiến sỹ đón Tết xa nhà nhưng các đồng chí sẽ không cô đơn, không thiếu thốn tình cảm, khi xung quanh các đồng chí là các đồng nghiệp hết sức đoàn kết, đùm bọc, sẽ chia, chúc cho các chiến sỹ đón một cái Tết xa nhà thật nhiều niềm vui, đầm ấm và hạnh phúc, chào đón một mùa xuân Giáp Thìn tươi vui, an lành với nhiều thành công hơn nữa của lực lượng Quản lý thị trường.
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, là thời điểm thị trường hết sức sôi động với hoạt động giao thương, mua bán hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán và dịp lễ hội đầu xuân. Đây là dịp người tiêu dùng có tâm lý thích mua sắm nhất trong năm, bởi lẽ hàng hóa đa dạng, phong phú, dễ lựa chọn. Tuy nhiên cũng sẽ tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro từ hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả… Do vậy, việc kiểm soát thị trường trong thời gian này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần bình ổn thị trường, giúp nhân dân đón Tết an lành, mạnh khỏe.
Vì một thị trường Tết an toàn
Cứ mỗi năm, như thường lệ, vào dịp Tết đến xuân về, người người, nhà nhà lại đổ xô đi mua sắm hàng hóa để làm đẹp, để trang trí nhà cửa, để làm quà, để phục vụ nhu cầu ăn uống, tiêu dùng trong dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý này, các tổ chức, cá nhân kinh doanh tăng cường sản xuất, kinh doanh, cung ứng ra thị trường các loại hàng hóa nhằm đa dạng mẫu mã, chủng loại, chất lượng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Lượng hàng hóa tích trữ, đưa vào lưu thông tương đối lớn, từ hàng hóa nhập khẩu đến các mặt hàng sản xuất trong nước, từ thành phố đến tận các vùng quê. Lợi dụng thời điểm sức mua tăng cao, hàng hóa tràn ngập thị trường, các gian thương bắt đầu tìm cách tối đa hóa lợi nhuận, bất chấp các thủ đoạn kinh doanh bất chính như: Sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm... Việc ngăn chặn, xử lý các vi phạm trên thị trường trong thời điểm này thực sự là bài toán không hề dễ cho các lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương, bởi các nguyên nhân sau:
Thứ nhất, như đã nói ở trên, đây là thời điểm hàng hóa nhiều cả về số lượng, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, chất lượng nên việc xác định đâu là mặt hàng có dấu hiệu vi phạm để xử lý là rất khó. Thông thường, việc kiểm tra, xử lý đối với một mặt hàng cụ thể được thực hiện khi có thông tin cảnh báo từ nhà sản xuất, từ các phương tiện thông tin đại chúng, từ phản ánh, kiến nghị của người tiêu dùng hoặc hoạt động kiểm tra chủ động của lực lượng chức năng. Nếu tất cả các mặt hàng đều bị kiểm tra, kiểm soát ngay từ đầu thì sẽ gây ách tắc thị trường lưu thông hàng hóa và lực lượng chức năng cũng không đủ quân số để thực hiện.
Thứ hai, là thời điểm người tiêu dùng có nhu cầu cao với các loại hàng hóa, nhất là hàng thiết yếu phục vụ Tết, tâm lý thích mua sắm, thích hàng đẹp, hàng ngoại, giá rẻ, trong khi kiến thức tiêu dùng còn hạn chế, chưa được cập nhật thường xuyên, kịp thời. Do vậy dễ mua sắm, tiêu dùng phải các loại hàng hóa vi phạm mà không hay biết, thậm chí nếu có phát hiện thì cũng bỏ qua vì sợ ảnh hưởng, sợ mang tiếng, sợ mất thời gian trong khi chi phí bỏ ra mua hàng không nhiều. Điều này dẫn đến việc tiếp tay cho vi phạm, không tố giác vi phạm.
Thứ ba, hiện nay các gian thương có rất nhiều chiêu trò tinh vi, khó lường để qua mắt lực lượng chức năng cũng như người tiêu dùng, như: Thay đổi nhãn mác, sửa hạn sử dụng, giả mạo nguồn gốc, xuất xứ, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, đưa hàng nước ngoài vào gắn nhãn Made in Việt Nam hoặc ngược lại… Việc xác định các vi phạm này là rất khó khăn, mất nhiều thời gian, trong khi dịp Tết là thời điểm tương đối ngắn, hàng hóa dễ bị tiêu thụ, tẩu tán nhanh.
Thứ tư, trong dịp Tết, phương thức mua sắm bằng hình thức online rất được ưa chuộng vì tính tiện dụng về thời gian, giảm sự đi lại, giảm chi phí vận chuyển, có thể mua hàng hóa ở bất cứ đâu, bất cứ mặt hàng nào… Trong khi đó, việc kiểm soát thị trường thương mại điện tử đang hết sức khó khăn, bởi lẽ: Hoạt động mua bán diễn ra trên không gian mạng rất khó xác định người mua, người bán, kho hàng; không có bằng chứng giao kết hợp đồng; các trang website, mạng xã hội fb, zalo dễ dàng bị đóng, xóa, ẩn khi bị lực lượng chức năng kiểm tra; trách nhiệm pháp lý của các chủ sàn thương mại chưa được quy định rõ…
Thứ năm, lực lượng chủ công trên thị trường thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là Quản lý thị trường (gọi tắt là QLTT) vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại như: Biên chế ít, kinh phí eo hẹp, trình độ năng lực vẫn còn có phần hạn chế, chưa có các trang thiết bị, công cụ hỗ trợ. Thời điểm cuối năm, nhiều nhiệm vụ chuyên môn nặng nề, địa bàn quản lý rộng, không đủ thời gian, quân số để kiểm tra, kiểm soát thị trường liên tục.
Do vậy, có thể nói việc kiểm soát thị trường dịp Tết là một vấn đề không hề dễ; cần phải có lực lượng QLTT bám sát địa bàn, thực hiện hoạt động kiểm tra, kiểm soát 24/24h trên tất cả các địa bàn. Xác định nhiệm vụ nặng nề trên, nhiều chiến sỹ lực lượng QLTT đã tình nguyện thực hiện nhiệm vụ xuyên Tết, không tham gia đón Tết cùng gia đình. Mặc dù đây là thời điểm nhà nhà, người người sum vầy, quây quần bên nhau đón Tết, vui xuân đầm ấm.