Phát triển công nghiệp trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0: Kinh nghiệm từ Singapore
Singapore là một trong số nhiều quốc gia trên thế giới sớm công bố chương trình liên quan đến công nghiệp 4.0.
Mặc dù là quốc đảo với diện tích hạn chế và nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào các ngành dịch vụ, nhưng Singapore luôn nhận thức được tầm quan trọng của ngành chế biến, chế tạo trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, để từ đó nhân rộng các ý tưởng đó sang các ngành khác.
Trong cơ cấu kinh tế của Singapore, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn duy trì tỷ trọng ở mức 20%. Chương trình cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư của Singapore tập trung vào việc phát triển mô hình nhà máy, doanh nghiệp và chuỗi giá trị trong tương lai dựa trên nền tảng công nghiệp 4.0, sử dụng các công nghệ nổi bật của cách mạng công nghiệp 4.0, gồm sự kết hợp giữa công nghệ sản xuất với công nghệ thông tin, trong ngành công nghiệp sản xuất, vật liệu tiên tiến, sản xuất đắp dần (in 3D), rô-bốt và tự động hóa. Mô hình nhà máy tương lai được nghiên cứu cho các lĩnh vực công nghiệp chủ đạo của Singapore, gồm hóa chất, điện tử, dược phẩm, cơ khí chính xác, cơ khí ô-tô...
Chương trình CMCN lần thứ tư của Singapore hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực hấp thu công nghệ mới của doanh nghiệp và ngành công nghiệp trong nước thông qua 3 chiến lược về nâng cao năng lực công nghệ, chuyển đổi số ở cấp ngành và cấp doanh nghiệp, và phát triển nguồn nhân lực.
Để triển khai các chiến lược này hiệu quả, Singapore thiết lập cơ chế hợp tác 3 bên cho các chiến lược với sự tham gia của các tổ chức công, doanh nghiệp và các trường đại học. Đại học Nayang là thành viên chính thức tham gia xây dựng và triển khai chiến lược về năng lực công nghệ và phát triển nguồn nhân lực.
Singapore là một trong số nhiều quốc gia trên thế giới sớm công bố chương trình liên quan đến công nghiệp 4.0. |
Chính sách công nghiệp của Singapore có thể tổng kết với một số đặc điểm chính: sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước để thúc đẩy công nghiệp hóa; tăng cường tái cấu trúc nền kinh tế và một số lĩnh vực ưu tiên; thu hút nguồn lực dựa vào tự do thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài; đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để cải thiện cung sản xuất; giữ ổn định môi trường kinh doanh và các quan hệ trong ngành công nghiệp; sử dụng các công cụ kích thích tài khóa để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Ngay từ những năm đầu thập niên 60, Singapore đã chuyển đổi thành công từ vai trò một cảng hàng hóa và căn cứ quân sự của Anh trở thành một trung tâm dịch vụ và công nghiệp của khu vực. Những năm 1960, công nghiệp chỉ chiếm 12% GDP và tập trung vào các hoạt động liên quan đến chế biến nguyên liệu thô và dịch vụ hậu cần phục vụ quân đội.
Giai đoạn 1959-1965, Chính phủ Singapore đã thông qua chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Mục tiêu là nhằm cung cấp một trụ cột kinh tế mới, củng cố vai trò là cảng trung chuyển thương mại đồng thời tạo việc làm cho lực lượng lao động ngày càng tăng nhanh. Kế hoạch công nghiệp hóa của Singapore thời điểm đầu những năm 1960 dựa chủ yếu trên của Báo cáo khảo sát của Phái đoàn Liên hợp quốc về công nghiệp. Báo cáo của Phái đoàn liệt kê các ngành công nghiệp có tính khả thi về mặt kinh tế trong ngành đóng tàu và sửa chữa, kỹ thuật kim loại, hóa chất, thiết bị điện cũng như kế hoạch phát triển các khu công nghiệp, các biện pháp kinh tế, tổ chức và hoạt động để thúc đẩy sản xuất các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển.
Báo cáo cũng khuyến nghị Chính phủ Singapore tiếp tục các biện pháp bảo hộ sản xuất đối với một số ngành công nghiệp và có chính sách khuyến khích khu vực sản xuất trong nước tham gia quá trình công nghiệp hóa. Chính phủ phải trực tiếp đầu tư ở những lĩnh vực mà nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp tư nhân trong nước không tham gia.
Với quy mô kích nhỏ bé (dân số 2 triệu người tại thời điểm tách ra từ Malaysia vào năm 1965), Singapore đã không lựa chọn chính sách bảo hộ các ngành công nghiệp non trẻ vì đây là lựa chọn chính sách đòi hỏi quá nhiều nguồn lực. Thay vì đó, quốc gia này đã lựa chọn cơ chế thương mại tự do làm nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa; đó đó quá trình hoạch định và thực thi chính sách công nghiệp của Singapore khác biệt rất nhiều so với các nước Đông Á khác.
Thêm vào đó, với xuất phát điểm gần như không có các doanh nghiệp nội địa có năng lực sản xuất công nghiệp đủ mạnh, chính phủ Singapore đã quyết định hợp tác chặt chẽ với các công ty xuyên quốc ngay từ giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa. Kết quả là, Singapore có tỷ trọng đầu tư của của FDI trong tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế vào loại cao nhất trên toàn thế giới, thậm chí cao hơn cả nền kinh tế tự do hoàn toàn như Hongkong.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Singapore theo đuổi một chính sách công nghiệp phó mặc hoàn toàn cho sự vận động của thị trường mà ngược lại, trong các lĩnh vực được coi là quan trọng, quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ Singapore thành lập doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động và hạn chế sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia.
Singapore Airlines là một DNNN rất thành công, cùng với các ngành công nghiệp khác như đóng tàu và viễn thông cũng đều do các DNNN đảm nhận và giữ vai trò chủ đạo, dẫn đến khu vực DNNN tại Singapore thuộc loại lớn trên thế giới tính theo tỷ trọng trong nền kinh tế. Nếu như từ năm 1970 đến năm 1990, thị phần của khu vực công tính theo tỷ trọng trong tổng vốn cố định tại Hàn Quốc là khoảng 10% thì con số tương ứng tại Singapore là hơn 30-36% trong những năm 1960, 27% trong năm 1970, và 30% trong năm 1980. Nói một cách khác, đặc điểm bức tranh công nghiệp Singapore là những công ty lớn hoặc là chi nhánh của tập đoàn đa quốc gia, hoặc là công ty nhà nước.
Nếu như giai đoạn 1971-1990 Singapore tập trung nâng cấp khu vực công nghiệp, cùng với các ưu đãi về tài chính, thuế, để trở thành điểm đến đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia xuất khẩu thì giai đoạn 1991 đánh dấu Kế hoạch phát triển kinh tế chiến lược Singapore với tầm nhìn 30 năm. Chiến lược này định vị Singapore trong vòng 20-30 năm tới trở thành một trung tâm kinh doanh và sản xuất của khu vực và thế giới, với sản xuất công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và dịch vụ là hai động lực chính của tăng trưởng.
Việc áp dụng một chính sách công nghiệp thân thiện với các tập đoàn đa quốc gia không có nghĩa là Singapore để cho các công ty xuyên quốc tự lựa chọn quyết định đầu tư vào lĩnh vực nào; thay vào đó chính phủ Singapore đã thu hút FDI một cách có định hướng vào những lĩnh vực công nghiệp có vai trò quan trọng cho việc tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia bằng việc đầu tư các điều kiện thuận lợi về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng cũng như cung cấp các ưu đãi tài chính.