Phê duyệt quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2023

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1117/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quyết định, mục tiêu cụ thể của quy hoạch là bảo vệ, duy trì và phục hồi hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các giá trị khác của vùng bờ; tăng diện tích bảo tồn, bảo vệ giá trị tự nhiên, sinh thái biển, rừng ngập mặn tại vùng bờ, góp phần thực hiện mục tiêu đạt diện tích tối thiểu bằng 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.

Phê duyệt quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2023

Sắp xếp, phân bố hợp lý không gian cho các ngành, lĩnh vực và giải quyết cơ bản các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, bảo đảm khả năng phục hồi của hệ sinh thái, bảo vệ môi trường vùng bờ, góp phần đạt được các chỉ tiêu: 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, 100% rác thải nhựa tại các bãi biển, khu du lịch biển và khu bảo tồn biển được thu gom và xử lý; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh và an toàn, có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.

Bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển, cải thiện sinh kế và nâng cao mức sống cho cộng đồng dân cư ven biển, không còn xã đặc biệt khó khăn ở vùng bờ, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước; bảo vệ, bảo tồn các di sản văn hóa, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại.

Tầm nhìn đến năm 2050, tài nguyên vùng bờ được quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững để phát triển toàn diện các ngành kinh tế biển, góp phần đưa vùng bờ trở thành trung tâm phát triển kinh tế - văn hóa sôi động, thu hút đầu tư, là cửa ngõ kết nối không gian phát triển giữa đất liền với biển, kết nối giao thương giữa Việt Nam với quốc tế; xây dựng các vùng ven biển thành chỗ dựa vững chắc để tiến ra biển và tạo động lực cho các vùng khác trong cả nước cùng phát triển; có môi trường trong lành, an toàn và các giá trị tự nhiên, sinh thái, cảnh quan, văn hóa, lịch sử được bảo vệ, giữ gìn và phát triển; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, hướng tới mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn, đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Phạm vi quy hoạch vùng bờ bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển, cụ thể:

a) Vùng biển ven bờ có ranh giới trong là đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (18,6 năm) và ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm 6 hải lý.

b) Vùng đất ven biển bao gồm các xã, phường, thị trấn có biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính vẹn toàn của các hệ sinh thái, sinh cảnh quan trọng và quan tâm đầy đủ đến sự tương tác mạnh giữa đất liền và biển, phạm vi không gian vùng bờ ở một số khu vực được mở rộng hơn cả về phía đất liền và biển.

Phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng đất ven biển

Các vùng đất ven biển và các hải đảo được sắp xếp, phân bổ theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia theo 4 vùng kinh tế - xã hội: vùng phía Bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; vùng Đông Nam Bộ, gồm có Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh; vùng Tây Nam Bộ từ Tiền Giang đến Kiên Giang.

Để thúc đẩy phát triển mạnh kinh tế biển xanh, bảo đảm hài hòa giữa các hoạt động trên đất liền và dưới biển, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên trên các vùng đất ven biển được ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là tuyến hành lang đường bộ cao tốc, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển nhằm tạo đà, động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển, kết nối vùng ven biển với các hải đảo, vùng kinh tế trọng điểm và cửa khẩu quốc tế. Thực hiện lấn biển ở những khu vực thích hợp, không làm suy thoái tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái, tính đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa - lịch sử tại vùng bờ để tăng thêm không gian, quỹ đất cho phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển.

Vùng đất ven biển phía Bắc

Khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh là trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng; khu vực Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình phát triển mạnh và bền vững kinh tế biển.

Về hạ tầng: Tập trung đầu tư và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển, nhất là tuyến đường bộ, đường sắt ven biển, đường kết nối cảng đến quốc lộ và cao tốc; nghiên cứu xây dựng các tuyến đường sắt mới kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế Móng Cái với Hà Nội. Phát triển các đô thị, điểm dân cư ven biển theo hướng hình thành chuỗi đô thị ven biển, gắn với phát triển kinh tế biển, liên kết chặt chẽ thông qua vành đai kinh tế ven biển.

Về các ngành kinh tế ưu tiên: Hình thành các khu du lịch quốc tế hóa cao ở Quảng Ninh (Vân Đồn, vịnh Hạ Long), phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới; liên kết phát triển vùng du lịch Cát Bà - vịnh Hạ Long - Bái Tử Long - Vân Đồn thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch di sản thiên nhiên biển - đảo có tầm quốc tế ở châu Á - Thái Bình Dương.

Phát triển cảng biển quốc tế, vận tải biển viễn dương và trong nước, dịch vụ hàng hải, dịch vụ logistics đa phương thức với trung tâm là cụm cảng Hải Phòng - Quảng Ninh.

Vùng đất ven biển Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Vùng đất ven biển Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là cửa ngõ ra biển của vùng Tây Nguyên và nước bạn Lào, có khả năng phát triển nhanh, mạnh, bền vững về kinh tế biển với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, thân thiện với môi trường, có khả năng chống chịu cao với thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; các giá trị văn hóa, lịch sử và các hệ sinh thái được bảo vệ, bảo tồn và phát huy.

Về hạ tầng: Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu công nghệ cao Đà Nẵng và các cảng hàng không, cảng biển; hoàn thành tuyến đường bộ ven biển tại các địa phương trong vùng; nghiên cứu đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc trục ngang kết nối cửa khẩu quốc tế với các cảng biển; tập trung nguồn lực phát triển các cảng biển có tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, nhất là các cảng biển ở Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và Khánh Hòa.

Về phát triển các ngành kinh tế ưu tiên: Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển, nhất là các ngành như du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, chế biến dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác thủy sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo, các ngành kinh tế biển mới,... Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào 11 khu kinh tế ven biển hiện có.

Vùng đất ven biển Đông Nam Bộ

Vùng đất ven biển Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á với các ngành, lĩnh vực ưu tiên: cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu, du lịch biển, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản.

Phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao. Phát triển chuỗi đô thị du lịch ven biển theo hướng đô thị xanh.

Đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ven biển; đẩy mạnh xây dựng khu vực cảng biển Cái Mép - Thị Vải - Sao Mai - Bến Đình, liên kết với cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó ưu tiên nguồn lực cho phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực châu Á và quốc tế; nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; cải tạo cơ bản đạt cấp kỹ thuật các tuyến luồng đường thủy nội địa; hình thành các cụm cảng phục vụ nhu cầu thu gom, giải tỏa hàng hóa cho các cảng biển lớn trong vùng. Xây dựng khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, hình thành hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ hoàn chỉnh.

Vùng đất ven biển Tây Nam Bộ

Vùng đất ven biển Tây Nam Bộ gồm các trung tâm kinh tế biển mạnh của khu vực Đông Nam Á với phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển; nuôi trồng, khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá hiện đại phục vụ khai thác xa bờ, hình thành và phát triển du lịch sinh thái, góp phần chủ động phòng, tránh, giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Về hạ tầng: Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới; tập trung khai thác tốt các cảng biển, trong đó khu bến Trần Đề (cảng biển Sóc Trăng) định hướng quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long; nâng cấp, cải tạo, duy trì các tuyến luồng hàng hải, trong đó chú trọng các luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, luồng hàng hải Trần Đề.

Về phát triển các ngành kinh tế ưu tiên: Phát triển công nghiệp khí, chế biến khí, điện khí, năng lượng tái tạo. Đẩy mạnh nuôi trồng, khai thác thủy sản tại khu vực ven biển theo hướng hiện đại, bền vững; phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần, hạ tầng nghề cá; tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển.

Phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng biển ven bờ

Việc phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng biển ven bờ được thực hiện trên cơ sở chức năng của các khu vực và nguyên tắc về xử lý chồng lấn theo thứ tự ưu tiên như sau: (1) Nhu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; (2) Nhu cầu bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái biển; (3) Nhu cầu cho các hoạt động phát triển kinh tế. Đối với chồng lấn giữa các hoạt động cho mục đích phát triển kinh tế, định hướng ưu tiên sử dụng biển xác định theo thứ tự: (1) Du lịch và dịch vụ biển; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển khác; (4) Nuôi trồng và khai thác hải sản; (5) Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế mới.

Trong trường hợp cần thiết, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các bộ, ngành có liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thứ tự ưu tiên sử dụng đối với biển ven bờ cụ thể dựa trên việc phân tích, đánh giá tính hiệu quả, chi phí lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường và khả năng hỗ trợ bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển.

6 giải pháp thực hiện quy hoạch

Quyết định đề ra 6 giải pháp thực hiện quy hoạch gồm: 1. Giải pháp về quản lý; 2. Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; 3. Giải pháp về tuyên truyền, nâng cao nhận thức; 4. Giải pháp về đào tạo, tăng cường năng lực; 5. Giải pháp về tài chính đầu tư; 6. Giải pháp hợp tác quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tổ chức, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch; định kỳ tổ chức đánh giá, rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo quy định; công bố quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Đồng thời xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu thực hiện quy hoạch; cung cấp thông tin về quy hoạch vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch theo quy định. Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bố trí ngân sách hàng năm; tổng hợp trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để thực hiện quy hoạch.

Cùng chuyên mục

Tin khác

Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 8% năm 2025

Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 8% năm 2025

Tại Hội nghị toàn quốc được tổ chức sáng ngày 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo những nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển KTXH năm 2025.
Phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể

Phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1485/QĐ-TTg ngày 29/11/2024 phê duyệt danh sách thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về kinh tế tập thể.
Thủ tướng chỉ đạo tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27/11/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng

Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 26/11/2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng.
Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025

Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình ký Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 20/11/2024 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển kinh tế số giai đoạn 2024 - 2025.
Dự báo CPI tháng 11/2024 tăng 0,15%

Dự báo CPI tháng 11/2024 tăng 0,15%

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại dự báo, CPI bình quân cả năm sẽ không vượt quá 4% bởi nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Một số thông tin về thị trường rau quả

Một số thông tin về thị trường rau quả

Theo Trung tâm Công nghiệp và Thương mại Bộ Công Thương, sản lượng hầu hết các loại trái cây chủ lực của cả nước trong 10 tháng năm 2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023 nhờ diện tích cho thu hoạch tăng, như: sầu riêng tăng hơn 20%; xoài tăng 3,6%; cam tăng 2,3%.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

Chiều 12/11, thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với tỷ lệ tán thành cao.
Xem thêm

Đọc nhiều / Mới nhận