Tác động của Cuộc khủng hoảng Ngân hàng Credit Suisse đến nhiều nước trên thế giới
Nhiều khúc mắc trong khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu |
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ cho biết, Báo chí Thụy Sỹ đã có những đánh giá tổng hợp về tác động của vụ việc này đến các địa bàn quan trọng nhất của UBS và Credit Suisse.
Mỹ và Anh
Năm 2021, Credit Suisse đã chịu tổn thất 4,8 tỷ franc Thụy Sỹ CHF (hơn 5 tỷ USD) trong vụ phá sản của Tập đoàn đầu tư New York Archegos Capital Management. Credit Suisse có hoạt động tại Mỹ nhiều hơn bất kỳ ngân hàng Thụy Sỹ nào khác. Do vậy, chính thất bại tại địa bàn trọng điểm này là nguyên nhân chủ yếu cho cuộc khủng hoảng của Credit Suisse.
Sau khi sát nhập, UBS muốn từ bỏ kế hoạch của Credit Suisse trong việc khởi động lại mảng ngân hàng đầu tư của mình ở Mỹ, dưới tên Credit Suisse First Boston.
Tại Anh, Ngân hàng trung ương nước này đánh giá hệ thống ngân hàng của Anh sẽ vẫn an toàn và lành mạnh, không bị ảnh hưởng từ vụ việc này. Tuy nhiên, Credit Suisse có hơn 5.000 nhân viên tại London. Có những lo ngại rằng việc cắt giảm việc làm sẽ góp phần làm suy yếu trung tâm tài chính London, vốn đã chịu thiệt hại trước đó bởi Brexit.
Trung Đông
Ngân hàng Quốc gia Ả-rập Xê-út, Qatar Holding và Olayan Group cùng sở hữu 20% cổ phần của Credit Suisse.
Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Ả-rập Xê-út đã từ chức sau khi đầu tư hàng tỷ đô-la vào Credit Suisse, góp phần vào sự hoảng loạn chung ngay trước khi UBS quyết định sát nhập, khi tuyên bố sẽ không bỏ thêm một đồng nào vào Credit Suisse trong tương lai.
Do việc định giá Credit Suisse của UBS khi mua lại, đến nay khoản góp vốn trị giá 1,4 tỷ CHF của Ngân hàng Quốc gia Ả-rập Xê-út vào Credit Suisse cuối năm 2022 đã mất hơn 80% giá trị. Tuy nhiên ngân hàng này tự tin đối mặt với các khoản lỗ, cho biết khoản đầu tư này chỉ chiếm chưa đến 0,5% tài sản của ngân hàng.
Singapore và Hồng Kông
Kết hợp Singapore và Hồng Kông, khu vực này là một trọng điểm về quản lý tài sản của cả Credit Suisse và UBS.
UBS đặt mục tiêu giữ chân nhân viên Credit Suisse sau khi sát nhập. Riêng tại Singapore, một trung tâm tài chính tập trung nhiều tài sản của khu vực châu Á, mỗi ngân hàng đang sử dụng khoảng 3.500 nhân viên. UBS đã có mặt tại quốc gia này hơn 50 năm và đóng vai trò hàng đầu trong việc thành lập trung tâm quản lý tài sản ở đây.
Chính quyền Singapore không cho rằng cuộc khủng hoảng của Credit Suisse sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Nhưng các ngân hàng Thụy Sỹ sẽ gặp khó khăn trong việc giữ chân khách hàng và đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm trước sự cạnh tranh khốc liệt trong khu vực.
Đức
Đối với giới truyền thông Đức, sự sụp đổ của Credit Suisse mang lại nhiều cơ hội hơn là bất lợi cho ngành tài chính nước này. Chỉ với 500 nhân viên, Credit Suisse không có vai trò lớn tại trung tâm tài chính Frankfurt. Đây là một con số quá nhỏ so với hơn 100.000 nhân viên của bốn tập đoàn tài chính lớn nhất của Đức. Dư luận cho rằng các ngân hàng Đức, đặc biệt là Deutsche Bank và Commerzbank, có thể hưởng lợi từ sự sụp đổ của Credit Suisse. Nhưng sự thật thì Deutsche Bank cũng đang rất khó khăn. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phải lên tiếng trấn an dư luận, đảm bảo tương lai của ngân hàng này.
Tại Đức, vị thế của UBS sẽ được củng cố sau vụ sáp nhập, góp phần đưa Frankfurt trở thành một trung tâm của châu Âu trong quản lý tài sản.
Theo các chuyên gia, việc giám sát ngân hàng ở Liên minh châu Âu chặt chẽ hơn nhiều so với ở Thụy Sỹ. Điều này làm giảm lây lan ảnh hưởng tiêu cực trong lĩnh vực tài chính của khu vực đồng euro.
Pháp
Pháp rất quan tâm đến tình hình Credit Suisse. Trong những ngày trước khi UBS sát nhập Credit Suisse, Thủ tướng Pháp Élisabeth Borne đã đích thân đề nghị chính quyền Thụy Sỹ sớm "giải quyết" các vấn đề, tránh những xáo trộn lan rộng trên thị trường tài chính. Giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn Pháp, như BNP Paribas, Crédit Agricole hay Société Générale, đã bị ảnh hưởng mạnh thời gian này. Tuy nhiên, chính quyền Pháp bác bỏ lo ngại về sự lây lan khủng hoảng cho trung tâm tài chính Paris, cho rằng việc này không ảnh hưởng tới các ngân hàng Pháp vì các ngân hàng này rất vững chắc.
Nhìn chung các ngân hàng Thụy Sỹ đã chịu tai tiếng ở Pháp, từ hàng chục năm nay bị cho là tiếp tay giúp hàng nghìn người Pháp giàu có trốn thuế. Tai tiếng càng lớn khi năm 2021, UBS từng bị xử phạt trốn thuế 1,8 tỷ euro tại Pháp.
Nga
Kể từ khi Thụy Sỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga, Moscow đã đưa Credit Suisse vào danh sách các tổ chức tài chính của quốc gia thù địch. Credit Suisse đã quyết định rút khỏi hoạt động quản lý tài sản ở Nga vào tháng 5/2022. Các khách hàng Nga phải chuyển tài sản sang Thụy Sỹ để tiếp tục ở lại với ngân hàng. Tháng 7/2022, Ngân hàng Transcapital Bank (TCB) của Nga, bị phương Tây trừng phạt, đã thuyết phục tòa án tịch thu tài sản của Nga trong Credit Suisse. Một tòa trọng tài ở Moscow đã tịch thu 100% cổ phần của hai đơn vị thuộc Credit Suisse ở Nga là Ngân hàng Credit Suisse Moscow và Credit Suisse Securities, cũng như khoảng 10 triệu euro tiền mặt.
The báo chí Thụy Sỹ, Credit Suisse đang giữ khoảng 17,6 tỷ CHF tài sản của Nga bị đóng băng trên toàn thế giới. Số tiền này bao gồm 4 tỷ CHF thuộc về những cá nhân có trong danh sách trừng phạt của Thụy Sỹ. 13,6 tỷ còn lại bị đóng băng do lệnh trừng phạt của các nước khác. Trong số này có thể có cả tài sản của ngân hàng trung ương Nga và Nhà nước Nga.
Trung Quốc
Credit Suisse có khoảng 2.000 nhân viên ở Trung Quốc để phục vụ những khách hàng giàu có ở đây. Khủng hoảng của Credit Suisse hầu như không gây ra xáo trộn gì lớn. Việc UBS sát nhập Credit Suisse không có tác động ngắn hạn trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng có thể có tác động đến sự phát triển trong tương lai của thị trường tài chính nước này.
Một ngân hàng UBS lớn hơn sau sát nhập có thể sẽ gia tăng ảnh hưởng tại Trung Quốc, có vị thế thuận lợi để thúc đẩy quá trình quốc tế hóa thị trường tài chính Trung Quốc.
Nhật Bản
Credit Suisse hiện diện rất ít ở Nhật Bản. Chỉ có khoảng 20 người làm việc tại bộ phận Ngân hàng Đầu tư của Credit Suisse tại Nhật Bản. Mối bận tâm chủ yếu liên quan đến việc cơ quan quản lý tài chính Thụy Sỹ quyết định xóa sổ trái phiếu bổ sung cấp 1 (AT1) của Credit Suisse trị giá 16 tỷ CHF (khoảng 17 tỷ USD). Tuy nhiên, Cơ quan Dịch vụ Tài chính của Nhật Bản chưa nhận được báo cáo nào về tổn thất từ các tổ chức tài chính trong nước. Chỉ có bốn công ty quản lý tài sản ở Nhật Bản tiết lộ tỷ lệ nắm giữ AT1 của họ, tất cả đều có tỷ lệ dưới 1%. Nhìn chung, đến nay tổn thất tiềm ẩn liên quan đến AT1 là chưa rõ ràng.
Tờ Financial Times cho rằng Nhật Bản là một trong những quốc gia mà các ngân hàng đã tạm dừng các hợp đồng AT1 mới cho đến khi thị trường ổn định.
Tây Ban Nha/Mỹ Latinh
Credit Suisse tuyển dụng khoảng 700 nhân viên ở Tây Ban Nha, Mexico, Peru, Chile, Colombia và Venezuela, cung cấp các dịch vụ ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản cho giới thượng lưu được lựa chọn kỹ càng. Chính quyền Tây Ban Nha và các nước Mỹ Latinh nhấn mạnh rằng các vấn đề của Credit Suisse sẽ ít ảnh hưởng đến tình hình những nước này. Dư luận tại Tây Ban Nha chỉ tập trung quan tâm vào ba vấn đề: hiệu ứng domino tiềm ẩn từ vụ việc, khả năng UBS có thể bán chi nhánh Credit Suisse ở Tây Ban Nha và việc xóa sổ trái phiếu bổ sung cấp 1 (AT1) của Credit Suisse.
Brazil
Credit Suisse đã chi 675 triệu USD để mua ngân hàng đầu tư Brazil Banco de Investimentos Garantia năm 1998. Dự kiến việc sáp nhập Credit Suisse vào UBS sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động hiện tại ở Brazil nhưng có thể làm chậm quá trình chinh phục các thị trường mới. Theo số liệu từ Ngân hàng trung ương Brazil, Credit Suisse cùng UBS đang giữ 43,9 tỷ real (7,2 tỷ CHF) tài sản ở Brazil.
Italia
Credit Suisse đã giảm đáng kể hoạt động của mình ở Italia trong thập kỷ qua. Số lượng chi nhánh của ngân hàng tại Italia đã giảm từ khoảng 30 xuống còn 8, hiện sử dụng khoảng 300 nhân viên. Hiệp hội quản lý tài sản Italia Assogestioni ước tính rằng Credit Suisse quản lý 11,5 tỷ euro tài sản ở nước này. Việc sáp nhập hai ngân hàng sẽ tạo ra cho UBS vị thế hàng đầu trong lĩnh vực quản lý tài sản ở Italia, với thị phần khoảng 4,3%. Bộ trưởng Kinh tế Italia, ông Giancarlo Giorgetti, cho biết việc UBS sát nhập Credit Suisse sẽ có "những hậu quả không đáng kể đối với hệ thống ngân hàng Italia". Tuy nhiên, báo chí nước này đã chỉ ra "tiền lệ nguy hiểm" của việc cơ quan quản lý tài chính Thụy Sỹ xóa sổ trái phiếu AT1 của Credit Suisse. Họ cho rằng quyết định gây tranh cãi này đã khiến các nhà đầu tư tức giận và có thể dẫn đến các khiếu nại pháp lý trong tương lai.