Tăng cường hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Algeria, Tunisia
Tham dự sự kiện có đại diện của hơn 80 cơ quan, doanh nghiệp trong đố có 40 doanh nghiệp, hiệp hội, phòng thương mại và ngân hàng các nước kể trên cùng 40 doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu nông sản – thực phẩm, thủy hải sản, sản phẩm công nghiệp và logistic.
Phát biểu tại Hội thảo, Tham tán thương mại Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Tunisia - ông Hoàng Đức Nhuận đã giới thiệu về tình hình kinh tế, ngoại thương của Việt Nam cho các đại biểu tham dự. Về hợp tác Việt Nam- Algeria, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 28/10/1962. Hợp tác song phương tiếp tục phát triển trong những năm gần đây. Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, thương mại song phương đạt 250 triệu USD vào năm 2023, tăng hơn 60% so với năm 2022. Cơ cấu sản phẩm xuất nhập khẩu giữa hai nước không mang tính chất cạnh tranh mà có tính bổ sung cho nhau. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bao gồm cà phê thô, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, hóa chất, sản phẩm sắt thép,… Việt Nam nhập khẩu từ Algeria bột minh quyết (carobe powder), dược phẩm, quặng, giấy tái chế, sản phẩm cao su, thức ăn chăn nuôi, chân gà…
Trong lĩnh vực hợp tác đầu tư, liên doanh giữa Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí Việt Nam (PVEP), Công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí Thái Lan (PTTEP) và Tập đoàn Sonatrach là biểu tượng cho sự hợp tác thành công giữa Việt Nam và Algeria. 12 năm sau khi triển khai (2003), dự án khai thác mỏ Bir Seba này đã cho ra thùng dầu đầu tiên vào tháng 8/2015 với công suất hiện tại khoảng 18.000 thùng/ngày.
Về hợp tác Việt Nam-Tunisia, hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 15/12/1972. Hai nước cũng đã tổ chức ba kỳ họp Ủy ban Liên chính phủ, lần gần nhất diễn ra tại thủ đô Tunis vào tháng 4/2018.
Theo số liệu của Hải quan Tunisia, vào năm 2023, thương mại song phương đạt khoảng 100 triệu USD, tăng 51% so với năm 2022, trong đó Việt Nam xuất khẩu cà phê thô, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, máy móc thiết bị, dao cạo râu, vải... và nhập khẩu từ Tunisia các loại hải sản, chà là, hóa chất, sản phẩm nhựa, quần áo và nguyên phụ liệu làm thức ăn chăn nuôi.
Nhân dịp này, ông Karim. Aisaoui, đại diện ngân hàng Natixis của Pháp tại Algeria và ngân hàng BPCE tại Việt Nam đã giới thiệu đôi nét về thị trường Algeria, các phương thức thanh toán chính trên thị trường sở tại như tín dụng thư L/C, nhờ thu kèm chứng từ D/P…
Tại hội thảo, các doanh nghiệp Algeria tham dự đã bày tỏ sự quan tâm tìm kiếm các đối tác Việt Nam trong xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản (cà phê, gia vị, chà là, dầu ôliu), hàng công nghiệp như dệt may, giầy dép, máy móc trang thiết bị dành cho nông nghiệp, xe máy, xe đạp điện, nguyên liệu nhựa, nguyên liệu mỹ phẩm, hóa chất…
Một số doanh nghiệp Algeria mong muốn tìm hiểu quy trình thủ tục để thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam trong lĩnh vực xuất nhập khẩu các mặt hàng nông sản và giầy dép, hệ thống thuế xuất nhập khẩu giữa hai nước…
Đại diện một số doanh nghiệp đến từ Tunisia quan tâm đến hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất giày dép cũng như trang thiết bị sản xuất nhóm hàng này. Doanh nghiệp Libya tham dự hội thảo cũng bày tỏ nhu cầu tìm kiếm các nhà đầu tư Việt Nam trong nhiều lĩnh vực chế tạo nhằm góp phần tái thiết nước này, trong đó có các dự án tái khởi động các nhà máy lắp ráp xe rơ-móc, xe tải, lắp ráp máy kéo nông nghiệp, sản xuất đường ống dẫn dầu, dẫn nước, dây cáp điện…
Tại sự kiện, bà Ester Misheng Mbidi, chủ tịch Tập đoàn Credassus có trụ sở tại Bỉ đã giới thiệu về Diễn đàn kết nối doanh nghiệp các nước phát triển và các nước đang phát triển, thúc đẩy, mở rộng hợp tác Nam-Nam. Credassur có kế hoạch tổ chức đoàn doanh nghiệp châu Âu và châu Phi vào Việt Nam đầu năm 2025 để tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh, những lĩnh vực triển vọng và mong muốn các doanh nghiệp dự hội thảo tham gia đoàn.
Nhân dịp này, ông Ngỗ Khắc Lễ, Phó tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết VLA có 150 hội viên, mong muốn được kết nối với các hiệp hội giao nhận tại châu Phi cũng như các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khu vực này.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng nêu một số trở ngại khiến các doanh nghiệp hai bên chưa có nhiều mối quan hệ hợp tác như khoảng cách địa lý xa xôi, rào cản ngôn ngữ (doanh nghiệp Algeria, Tunisia chủ yếu sử dụng tiếng Pháp), chưa có sự quan tâm đúng mức đến thị trường của nhau, nhất là trong lĩnh vực đầu tư.
Tham tán thương mại Hoàng Đức Nhuận đề xuất, để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia này, hai bên cần tăng cường trao đổi đoàn doanh nghiệp và khuyến khích doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế diễn ra ở mỗi nước (ví dụ như Việt Nam Expo, Vietnam Food Expo, Hội chợ quốc tế Algiers, Lễ hội cà phê ở Tunisia...); tăng cường trao đổi thông tin thị trường và cơ hội kinh doanh, đầu tư; phối hợp trong việc xác minh đối tác kinh doanh và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp có thể phát sinh giữa các công ty của hai bên.
Tại phiên kết nối, các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm được khách hàng nhập khẩu những mặt hàng như cà phê thô, thủy sản, nguyên liệu nhựa, dầu ăn, máy nông nghiệp, linh kiện, phụ tùng ô tô, xe máy, xe đạp điện… và các nhà cung cấp chà là, dầu ô liu của Algeria và Tunisia. Nhân dịp này, các đại biểu Algeria tham dự trực tiếp sự kiện đã được thưởng thức và đánh giá cao sản phẩm cà phê Việt Nam.