Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục phục hồi tích cực
Theo báo cáo Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 10 và 10 tháng năm 2024, với các biện pháp tích cực, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta trong thời gian qua tiếp tục phục hồi tích cực, là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế.
Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng tăng 14,9% so với cùng kỳ
Trong tháng 10, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 69,19 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 23,31 tỷ USD. Cụ thể như sau:
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2024 sơ bộ đạt 35,59 tỷ USD, tăng 4,4% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,29 tỷ USD, tăng 2,4%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10 tăng 10,1%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 7,3%.
Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 335,59 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng trưởng khá cao so với một số nền kinh tế hàng đầu trong khu vực châu Á như: Trung Quốc tăng 4,3%; Hàn Quốc tăng 9,6%; Thái Lan tăng 3,9% (trong 9 tháng đầu năm 2024)...
Trong 10 tháng năm 2024, khu vực kinh tế trong nước đạt 93,97 tỷ USD, tăng 20,7%, chiếm 28,0% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 241,62 tỷ USD, tăng 12,8%, chiếm 72,0%. Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước cao hơn nhiều so với tăng trưởng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
Trong 10 tháng năm 2024, có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5% (10 tháng năm 2023 có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD).
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, trong 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái do sự phục hồi ở phía cầu và mức nền tương đối thấp của cùng kỳ năm 2023, trong đó:
Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản sơ bộ 10 tháng đạt 32,2 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong nhóm này, do hưởng lợi bởi giá tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng tăng cao ở mức hai chữ số so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu tăng 47%; cà phê tăng 39%; gạo tăng 23%; chè các loại tăng 30,3%; rau quả tăng 27,8%; gạo tăng 23,5%; nhân điều tăng 21,4%; cao su tăng 16,4%... (giá cà phê xuất khẩu trong 10 tháng đạt bình quân 3.981 USD/tấn, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái; giá hạt tiêu tăng 51,7% lên mức 5.084 USD/tấn; giá gạo tăng 12%, đạt bình quân 626 USD/tấn; giá sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 7,1%; giá cao su tăng 22,1%; giá hạt điều tăng 2,9%).
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo cũng phục hồi mạnh trong 10 tháng năm 2024, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, sơ bộ đạt 284,4 tỷ USD, chiếm 84,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 58,7 tỷ USD, tăng 26,1%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 46,5 tỷ USD, tăng 4,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 43 tỷ USD, tăng 21,5%; hàng dệt may đạt 30,6 tỷ USD, tăng 10,5%; giày dép các loại đạt 18,6 tỷ USD, tăng 12,9%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,2 tỷ USD, tăng 21,2%; sắt thép tăng 15,1%, đạt gần 8 tỷ USD, tăng 14,7% ...
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản 10 tháng ước đạt 3,4 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 98,4 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 15,8%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt 50,8 tỷ USD, tăng nhẹ 2,1% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU ước đạt 42,3 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 8,9%); Hàn Quốc ước đạt 21 tỷ USD, tăng 6,9% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3,6%); Nhật Bản ước đạt 20,1 tỷ USD, tăng 4,6% (cùng kỳ năm 2023 giảm 3%).
Nhập khẩu hàng hóa cũng tăng
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10/2024 sơ bộ đạt 33,6 tỷ USD, tăng 5,8% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 12,68 tỷ USD, tăng 15,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,92 tỷ USD, tăng 0,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 10 tăng 13,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,7%.
Tính chung 10 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 312,28 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 113,58 tỷ USD, tăng 18,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 198,7 tỷ USD, tăng 15,8%.
Trong 10 tháng năm 2024 có 42 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 4 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 48,3%).
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, cùng với sự phục hồi của sản xuất và xuất khẩu trong 10 tháng năm 2024 nên cơ cấu hàng hóa nhập khẩu cũng có sự chuyển biến khi chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng cần nhập khẩu (trong đó bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước), với kim ngạch sơ bộ đạt 312,28 tỷ USD, tăng tới 16,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện sơ bộ đạt 88,25 tỷ USD, tăng tới 23,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước chỉ tăng 0,8%); tiếp đến là kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt tỷ 39,7 tỷ USD, tăng 17% (cùng kỳ năm trước giảm 10,5%). Tương tự, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng khác cũng ghi nhận mức tăng khá cao như: thép các loại tăng 23,2%; cao su tăng 30,1%; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy tăng 19,3%; vải các loại tăng 14,7%.
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu trong 10 tháng sơ bộ đạt gần 17 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 18%). Trong đó, tăng cao nhất là kim ngạch nhập khẩu hàng điện gia dụng và linh kiện, tăng 19,9%, sơ bộ đạt 1,86 tỷ USD; Linh kiện phụ tùng ô tô dưới 9 chỗ tăng 17,5%; Chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh tăng 16,5% và rau quả tăng 15,7%.
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa lớn nhất; tiếp theo là Hàn Quốc; khu vực thị trường ASEAN; Nhật Bản; EU; Hoa Kỳ.
Như vậy, cán cân thương mại tháng 10/2024 tiếp tục thặng dư khoảng 1,99 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu của nước ta trong 10 tháng năm 2024 khoảng 23,31 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 24,8 tỷ USD), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,61 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 42,92 tỷ USD.
Nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng cuối năm, Bộ Công Thương sẽ tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm củng cố thể chế về phòng vệ thương mại hướng tới bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Tiếp tục nâng cao việc sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và hỗ trợ hiệu quả các ngành xuất khẩu của Việt Nam ứng phó hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.